Có Quỹ hay không, sao mãi bàn?
(ĐCSVN) - Việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ tầm là giải pháp hết sức cần thiết và quan trọng để các quỹ ngoài ngân sách nhà nước đi vào “nề nếp”; cũng để không phải "cứ ngồi bàn mãi là có quỹ hay không" với mỗi dự luật khi đưa ra bàn thảo.
Bàn việc duy trì hay bỏ Quỹ; có nên thành lập Quỹ hay không khi cho ý kiến về một dự thảo luật chuyên ngành là điều thường thấy tại các Kỳ họp của Quốc hội hay phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Ảnh minh hoạ: Minh Phương |
Chẳng hạn, trước khi được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua thì một trong những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau tại dự thảo Luật giá (sửa đổi) được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận là việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tương tự, với Luật Phòng thủ dân sự cũng vừa được thông qua Kỳ họp thứ 5 thì Quỹ phòng thủ dân sự trước khi được “chốt” lập cũng được các đại biểu Quốc hội cân nhắc, thảo luận nhiều phương án.
Hay với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 24/8 thì quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ phía cơ quan thẩm tra và đại biểu. Bên cạnh ý kiến thống nhất duy trì Quỹ như dự thảo luật hiện hành, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế; có ý kiến đề nghị cân nhắc bỏ Quỹ này.
Chưa thể kể hết những dự thảo luật mà nội dung về việc có duy trì quỹ hay không chiếm khá nhiều thời gian thảo luận của các đại biểu.
Cần nhìn nhận rõ, đây là các quỹ ngoài ngân sách nhà nước, với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận, tập trung chủ yếu vào các đối tượng yếu thế trong xã hội, hoặc các mục tiêu mang tính kỳ vọng trong tương lai. Việc tồn tại các quỹ này bên cạnh ngân sách Nhà nước là khách quan, cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế. Thực tế, một số quỹ tài chính đã góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong xã hội thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Về cơ bản, các quỹ tuân thủ quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, theo đánh giá, nguồn tài chính hình thành các quỹ còn nhiều bất cập, chưa hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước. Quy định về tỷ lệ thu, mức thu chưa hợp lý ở một số quỹ. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao...
Thực tế cho thấy, những ý kiến không đồng thuận duy trì Quỹ tại một luật chuyên ngành nào đó đều chung một lo ngại do hoạt động không hiệu quả, thiếu công khai minh bạch trong quản lý Quỹ.
Ở chiều ngược lại, hầu như tất cả các ý kiến tán thành việc tiếp tục duy trì hay lập mới một Quỹ ở luật nào đó đều nhấn mạnh yêu cầu cần có cơ chế, điều kiện để quỹ vận hành minh bạch hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đòi hỏi cần tăng cường giám sát, thanh tra và kiểm tra hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; bảo đảm quản lý, sử dụng có hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn lực tài chính nhà nước. Các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các quỹ này, thực hiện công khai, minh bạch và xử lý nghiêm các sai phạm...
Quan trọng hơn, cần tính đến việc xem xét, ban hành một luật để quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trong đó, cần chỉ rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính, xử lý sai phạm ra sao nếu có…
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 24/8 cho ý kiến về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích cho rằng bàn việc có hay không có quỹ này vô lý, đúng ra chỉ bàn có hay không phần hỗ trợ của Nhà nước
Trước việc nhiều luật cứ đưa ra Quốc hội là bàn việc có hay không quỹ, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị nghiên cứu ban hành luật quản lý quỹ ngoài ngân sách để quản lý cụ thể, thiết thực. “Ta cứ thả nổi nên mới nảy sinh tiêu cực, lợi ích nhóm cũng như có các vấn đề phức tạp. Tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu trong tương lai mình phải làm luật này, nhiệm kỳ này không được thì nhiệm kỳ sau, nếu không cứ ngồi bàn mãi là có quỹ hay không có quỹ ” - Phó Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Theo ông, cần thay đổi tư duy và có tính chiến lược để tránh tình trạng "không quản được thì cấm". Bởi việc hình thành các quỹ ngoài ngân sách trên tất cả các lĩnh vực là cần thiết để hỗ trợ Nhà nước, vì "miếng bánh" ngân sách Nhà nước có hạn, không thể nào có nguồn đảm bảo tất cả. Vấn đề là quản lý thế nào, bởi thực tế nhiều quỹ hoạt động kém do nguồn hình thành không rõ ràng, không minh bạch, mô hình tổ chức hoạt động không thống nhất...
Ngoài Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, hiện nay còn khoảng gần 50 quỹ ngoài ngân sách. Vậy nên, việc xây dựng một hành lang pháp lý đủ tầm là giải pháp hết sức cần thiết và quan trọng để các quỹ này đi vào “nề nếp”./.