Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách người bị hại trong các vụ án gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT

Thứ Năm, 22/08/2019 17:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đây là nội dung được quy định trong Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214 về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, Điều 215 về tội gian lận BHYT, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019.

Cụ thể, Điều 6 của Nghị quyết nêu rõ: Trong các vụ án hình sự mà bị can, bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp theo Điều 214 của Bộ luật Hình sự; tội gian lận BHYT theo Điều 215 của Bộ luật Hình sự; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của Bộ luật Hình sự cơ quan BHXH tham gia tố tụng với tư cách là bị hại.

Với quy định này, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan BHXH gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao cũng xác định: các tổ chức Công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự thì thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định.

Khi nhận được tin báo về tội phạm hoặc văn bản kiến nghị khởi tố và chứng cứ, tài liệu có liên quan, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, thụ lý giải quyết theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, với quy định này người lao động ngoài việc uỷ quyền cho tổ chức Công đoàn tố giác, khởi tố, khởi kiện chủ sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng, gian lận số tiền tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của mình thì có thể trực tiếp thực hiện công việc này. Đây cũng là một công cụ hữu hiệu để người lao động bảo về quyền, lợi ích chính đáng của mình trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhất là khi việc khởi kiện doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của tổ chức Công đoàn đang gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định của luật và điều kiện thực tế.

Để thực hiện việc tố tụng này, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn: Việc gửi văn bản kiến nghị khởi tố và chuyển chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố./.

Phạm Chính

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN