Có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
(ĐCSVN) - Từ những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua, nhiều đại biểu đề nghị cần có đánh giá cụ thể việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không trong bối cảnh tới đây sẽ điều chỉnh chính sách về thuế, kể cả thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 07/11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại Tổ về dự án Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Cân nhắc tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Llên quan đến việc xem xét, quyết định bình ổn giá, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn An Giang) chỉ rõ dự thảo Luật Giá (sửa đổi) quy định trường hợp cơ quan nhà nước quyết định bình ổn giá khi giá của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường; khi công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai. Theo đại biểu Hoàng Hữu Chiến, quy định cứng này sẽ bó hẹp và khó linh hoạt trong xử lý các vấn đề phát sinh trên thực tế. Bởi trên thực tế nhiều khi có biến động giá lớn về mặt hàng hàng hóa của quốc tế và khu vực nhưng chúng ta chưa lường hết được. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu để có quy định mở đối với trường hợp biến động lớn về hàng hóa, giá cả trong nước cũng như quốc tế, khu vực, tác động sâu rộng đến sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Từ những bất cập, vướng mắc trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhiều bộ ngành cùng tham gia, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đề nghị Luật cần có thêm cơ chế để việc dùng Quỹ bình ổn giá một cách linh hoạt. Đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu của Quỹ bình ổn giá là để đảm bảo đáp ứng những lúc giá biến động nhưng với cơ chế vận hành như hiện nay không đáp ứng được yêu cầu.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) . Ảnh: QH. |
Đồng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đề cập thực trạng thời gian qua khó kiểm chứng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo đại biểu, thời gian vừa rồi khi kiểm chứng các vấn đề xăng dầu phát sinh, cho thấy một điều, dù tồn tại Quỹ này nhưng tác động không hề lớn, vì một khi nguồn cung không đảm bảo, Quỹ cũng không giải quyết được, chúng ta vẫn phải đương đầu với những khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu nguồn cung. Do vậy tác động của Quỹ này không lớn đến mức cần duy trì bằng mọi giá.
Vì vậy, ĐBQH Nguyễn Công Long đề nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không trong bối cảnh tới đây sẽ điều chỉnh chính sách về thuế, kể cả thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.
Theo ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), nếu chúng ta xác định Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ cần thiết phải giữ thì phải có chế định riêng cho quỹ này. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ ở một giai đoạn nhất định, còn trong dài hạn phải nghiên cứu để tiến tới bỏ Quỹ này. Xăng dầu là loại hàng đặc biệt nên phải có chế định đặc biệt để quản lý nhưng không thể can thiệp bằng cách phi thị trường.
ĐBQH Bùi Xuân Thống (Đoàn Đồng Nai) thì băn khoăn, Quỹ bình ổn giá để doanh nghiệp quản lý thì ai sẽ kiểm tra, thanh tra việc này, có đảm bảo minh bạch hay không?.
Khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức
Thảo luận tại tổ về Luật Đấu thầu (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu; kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành; đồng thời, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân định rõ trách nhiệm trong đấu thầu; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đông thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả đấu thấu, lựa chọn nhà thầu và quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, phòng, chống hiệu quả tình trạng gian lận, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đấu thầu.
Chỉ ra tại Điểm d, Khoản 1, Điều 21 dự thảo Luật quy định áp dụng chỉ định thầu đối với “dự án, gói thầu cấp bách... ”, ĐBQH Đinh Việt Dũng (Đoàn Ninh Bình) đề nghị cần làm rõ khái niệm “cấp bách” và gắn với thời gian cụ thể phải triển khai để tổ chức thực hiện thống nhất, tránh việc áp dụng tùy tiện. Bởi, thực tế pháp luật hiện hành chưa có khái niệm về dự án, công trình cấp bách, đặc biệt là Luật Đầu tư công chỉ có quy định về công trình khẩn cấp.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Quang (Đồng Nai) đề nghị cần nghiên cứu, quy định chặt chẽ hơn về quy mô, tính chất việc chỉ định thầu, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng tuỳ tiện, nhà đầu tư, nhà thầu sẽ ép các tiêu chí để được chỉ định thầu, không đúng tính chất, gây thất thoát cho Nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Văn Dành (Đoàn Bình Dương) cho rằng việc phạm vi điều chỉnh của Luật bỏ “dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng” so với Luật hiện hành sẽ thu hẹp phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu và điều này có thể dẫn đến thiếu chặt chẽ trong quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, tạo khoảng trống pháp lý có thể dẫn đến tùy tiện trong quá trình tham gia thực hiện việc quản lý tại doanh nghiệp…/.