Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Có nên quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp?

Thứ Năm, 21/05/2020 15:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng cho rằng, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là đang đốt cháy giai đoạn và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Nguồn: VTV 

Việc quy định thành lập Hộ kinh doanh trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là vấn đề  nhận được  sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này, sáng 21/5.

Dự thảo Doanh nghiệp (sửa đổi) dành một chương riêng về hộ kinh doanh.

Báo cáo giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp, hiện có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất: Nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

 Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Cao Đình Thưởng, nếu đưa các quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là chưa phù hợp với hai lý do.

Thứ nhất, mục đích sửa đổi Luật Doanh nghiệp là sửa đổi một số nội dung thiết yếu có liên quan đến những vấn đề phát sinh trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh đặc thù, bản chất không phải là doanh nghiệp.

“Nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật có thể gây hiểu lầm, chính sách áp dụng giữa các nơi có thể rất khác nhau, một bộ phận cán bộ quản lý có thể coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp và khiến các hộ bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục, khó khăn hơn trong hoạt động”, ĐB Thưởng nói.

Thứ hai, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp là các loại hình doanh nghiệp. Nếu coi hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật thì khi đó là Luật về mô hình kinh doanh, chứ không còn là Luật Doanh nghiệp.

Do đó, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là đang đốt cháy giai đoạn và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, ĐB Thưởng chỉ ra thực tế hiện nay, hình thức kinh doanh theo hộ rất đa dạng, linh hoạt và có sự điều chỉnh liên tục để thích ứng với biến động của thị trường. Ví dụ, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, rất nhiều hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động. Khi dịch được kiểm soát thì các hộ đã quay trở lại. Vì vậy, nếu đưa vào Luật thì sẽ "bó tay bó chân", vừa không phù hợp với thực tiễn, gây khó cho hộ kinh doanh.

leftcenterrightdel

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình phát biểu
tại phiên thảo luận trực tuyến. Ảnh: N.Đ

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá, việc cần có khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là việc cần thiết, bởi hộ kinh doanh cũng cần có sự quản lý của Nhà nước, được tiếp cận các chính sách của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể, tuân thủ pháp luật, và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, ĐB Tiến cho rằng: Hiện nay, số lượng hộ kinh doanh cao gấp 5-6 lần số lượng doanh nghiệp. Mặc khác, hộ kinh doanh có quy mô, ngành nghề kinh doanh nhỏ bé. Về bản chất hoạt động và quy mô của hộ kinh doanh khác so với doanh nghiệp.

ĐB Trần Văn Tiến bày tỏ băn khoăn: Việc “luật hóa” hộ kinh doanh vào trong luật này sẽ quản lý theo phương thức nào?. Điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của hàng triệu hộ kinh doanh hiện tại.

Trên cơ sở đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét chưa đưa hộ kinh doanh cá thể, gia đình vào dự án luật lần này, mà xem xét ban hành thành một luật riêng về hộ kinh doanh.

ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) phân tích: “Hộ kinh doanh có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, ước tính tổng tài sản khoảng 625 nghìn tỷ đồng, nộp hơn 12 nghìn tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Vì vậy, hộ kinh doanh cần có luật quy định nhằm nâng mức quản lý cao hơn để hộ kinh doanh bình đẳng với các loại hình kinh doanh khác.

Tuy nhiên, theo ĐB Dương Minh Tuấn, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ không bao hàm nội dung hướng dẫn riêng về quản lý. Hiện, hộ kinh doanh có nhiều khác biệt, hoạt động theo truyền thống gia đình, quy mô nhỏ cho nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, vì vậy tách hộ kinh doanh thành một luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn.

Trong trường hợp vẫn quyết định đưa  nội dung này vào Luật, đại biểu Tuấn cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật cũng cần phải thay đổi thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh để phù hợp với nội dung cũng như phạm vi điều chỉnh.

Cho rằng việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp ở thời điểm này là cần thiết, song Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình  lại nhất trí với phương án 1 là đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật lần này.

ĐB Phan Thái Bình cho rằng, trong cả 3 Luật Doanh nghiệp (1999, 2005, 2014) đều quy định cụ thể định danh loại hình này dưới tư cách một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp. Qua nhiều lần sửa đổi, trong Luật Doanh nghiệp đều có điều khoản quy định về hộ kinh doanh.  Điều này đồng nghĩa với việc hộ kinh doanh là một loại hình hoạt động hợp pháp, bình đẳng với các loại hình khác như doanh nghiệp tư nhân.

Dự thảo lần này đã bổ sung theo hướng nâng lên, cụ thể hóa thành nhiều nội dung hơn và quy định thành chương riêng. Như vậy, bản chất có nghĩa rằng hộ kinh doanh lâu nay đã được luật quy định.

Theo đó, ĐB Bình đề nghị bổ sung đối tượng hộ kinh doanh vào quy định của Điều 3 dự thảo Luật Doanh nghiệp và sửa đổi lại: “Trong trường hợp luật khác có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức, quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh thì áp dụng quy định của luật đó”./.

 

 

 

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN