Cơ hội phát triển của Điện Biên Đông
(ĐCSVN)- Huyện Điện Biên Đông có 14 xã, thị trấn. Trừ thị trấn trung tâm huyện thuộc khu vực II, còn lại 13 xã đều là xã đặc biệt khó khăn. Do vậy, địa phương rất mong chờ và kỳ vọng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tạo động lực thúc đẩy huyện phát triển nhanh và bền vững hơn.
Đồng chí Lò Thanh Quyết - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên cho biết, năm 2023, từ nguồn vốn của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), xã đã triển khai làm cống dẫn nước qua Quốc lộ 12B tại bản Pá Vạt với tổng số vốn là 67 triệu đồng; sửa chữa 03 công trình thủy lợi: Na Vạt - Pá Vạt, Na Thênh Hươn - Na Hát, Na Po - Mường Luân 1 với tổng vốn đầu tư 105 triệu đồng; sửa chữa 04 công trình thủy lợi Huổi Men - Pá Pao, Na Pục, Na Quang - Mường Luân, Na Hát với tổng số gần 208 triệu đồng.
Đồng bào dân tộc Lào ở bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh kéo về tận nhà |
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2025, Mường Luân là xã khu vực III, tức là xã đặc biệt khó khăn. Đồng bào các DTTS nơi đây chủ yếu trồng lúa, ngô, sắn. Lúa để phục vụ nhu cầu lương thực hàng ngày, còn ngô, sắn bán cho thương lái thu mua làm thức ăn chăn nuôi. Năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực, cây có hạt toàn xã ước đạt 568 ha.
Muốn phát triển sản xuất thì hệ thống thuỷ lợi cần được quan tâm đầu tư phát triển. Còn muốn bán được nông sản mà không bị tư thương ép giá thì nhất định phải có hệ thống giao thông được đầu tư hoàn thiện. Vì thế những kết quả trong thực hiện Dự án 4 của Chương trình MTQG có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần để Mường Luân hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Huyện Điện Biên Đông có 14 xã, thị trấn. Trừ thị trấn trung tâm huyện thuộc khu vực II, còn lại 13 xã đều là xã đặc biệt khó khăn. Theo ông Vũ Ngọc Hoành - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện khá cao, tới 47,73%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, đời sống của một bộ phận đồng bào Mông, Thái, Lào, Khơ Mú, Xinh Mun - những DTTS chính đang sinh sống trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô hoạt động của các thành phần kinh tế trên địa bàn còn nhỏ lẻ, năng lực cạnh tranh thấp… Do vậy, địa phương rất mong chờ và kỳ vọng các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN sẽ tạo động lực thúc đẩy huyện có cơ hội phát triển nhanh và bền vững hơn.
Phó Chủ tịch Vũ Ngọc Hoành cũng chia sẻ, trong 2 năm 2022, 2023, tổng nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn huyện là 270,112 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương giao là 263,762 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư là 186,696 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 77,066 tỷ đồng; địa phương đối ứng 6,350 tỷ đồng).
Từ nguồn vốn được bố trí, các dự án, tiểu dự án trong Chương trình được triển khai đồng bộ và thu được một số kết quả. Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt, năm 2022, Phòng Dân tộc đã cấp phát 931 téc chứa nước cho 931 hộ dân. Năm 2023, UBND huyện đã phê duyệt danh sách hỗ trợ téc nước cho 1.489 hộ dân và Phòng Dân tộc đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện. Ban quản lý dự án các công trình huyện đã thực hiện đầu tư xây dựng 01 công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Ho Cớ, xã Na Son.
Đối với Dự án 2: Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết, Ban quản lý dự án các công trình huyện đang triển khai thi công dự án di chuyển bản Tìa Dình xuống bản Chua Ta, xã Tìa Dình; đang thực hiện thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau khi thiết kế cơ sở dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai bản Mường Tỉnh A, xã Xa Dung.
Nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, các xã đang hoàn thiện hồ sơ 02 chuỗi liên kết sản xuất lúa Nếp tan xã Luân Giói và bí xanh xã Tìa Dình; hỗ trợ 260 hộ sản xuất bí xanh trên diện tích 15ha tại xã Luân Giói.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS&MN, huyện đã đầu tư xây dựng 10 công trình giao thông, thuỷ lợi; hoàn thành duy tu, sửa chữa 45 công trình, 15 công trình đang thi công.
Mở đường giao thông ở Điện Biên Đông giúp đồng bào các dân tộc nơi đây có cơ hội phát triển sản xuất và mở rộng giao thương hàng hoá |
Đối với Dự án 5: Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, huyện đầu tư xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú và THCS Tìa Dình, xã Tìa Dình; mở 9 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho 446 học viên; mở 3 lớp đào tạo tiếng Mông, Thái cho 171 học viên các xã Xa Dung, Chiềng Sơ, Háng Lía; mở 15 lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho 525 học viên tại các xã Nong U, Chiềng Sơ, Xa Dung, Mường Luân, thị trấn, Keo Lôm, Háng Lìa, Luân Giói, Phì Nhừ, Na Son; hỗ trợ 59 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mở 20 hội nghị tuyên truyền công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.000 lao động.
Thực hiện Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, Phòng Văn hoá và Thông tin đã đầu tư các trang thiết bị cho 19 nhà văn hoá tại các xã Phì Nhừ, Chiềng Sơ, Luân Giói, Na Son, Phình Giàng, Keo Lôm, Xa Dung.
Phòng Dân tộc đã tổ chức 33 lớp tập huấn, tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống lồng ghép với tuyên truyền về xoá bỏ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào DTTS cho 2.120 người tại các thôn, bản; tổ chức 01 hội thi tìm hiểu pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho 105 học sinh các trường THCS trên địa bàn huyện; dựng 15 pano tuyên truyền về chống tảo hôn tại trung tâm các xã, thị trấn. Tổ chức 03 lớp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền vận động đồng bào tại 3 xã Mường Luân, Phì Nhừ, Nong U; đồng thời thực hiện lồng ghép, thăm hỏi động viên, tặng quà Tết Nguyên đán cho 197 người có uy tín…
Theo ông Vũ Ngọc Hoành - Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông, để đạt được những kết quả trên là do huyện đã ban hành đầy đủ các văn bản quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thuộc thẩm quyền. Các dự án trong danh mục đầu tư cơ bản bám sát đối tượng và nội dung hỗ trợ của Chương trình. Việc phân bổ vốn tuân thủ theo tiêu chí, định mức và nguyên tắc, qua đó tạo sự công bằng, đồng thuận, thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Do vậy, một số nội dung thành phần tiểu dự án được triển khai tương đối đảm bảo yêu cầu.
Thông qua việc tổ chức thực hiện Chương trình đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thôn, bản, các xã của huyện. Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm đầu tư; chăm sóc y tế, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc tiếp tục được cải thiện… Cơ hội phát triển nhanh và bền vững đang thực sự mở ra với Điện Biên Đông từ các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, ông Hoành nói./.