Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Có chính sách phù hợp, đặc thù để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Thứ Năm, 28/12/2023 17:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cần có chính sách phù hợp, đặc thù để phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN,…

Ngày 28/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo Hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: BL 
 Đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao tiềm lực và trình độ KHCN

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, ngành KHCN đã nỗ lực hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực.

"Tuy nhiên, cũng như cuộc sống, KHCN vận động không ngừng, đòi hỏi các cơ chế, chính sách quản lý KHCN luôn cần được rà soát để điều chỉnh kịp thời mới theo kịp và đáp ứng được, hỗ trợ được hoạt động KHCN một cách hiệu quả", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.

Do đó, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ KHCN cũng nhận thức được rằng, vẫn còn đó các vướng mắc, bất cập trong quản lý KHCN mà vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, chúng ta chưa tháo gỡ được và cần sớm có giải pháp trong thời gian tới.

Bối cảnh mới với các diễn biến phức tạp, khó đoán định của thế giới hiện đại và sự thay đổi chưa từng có tiền lệ trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải luôn chủ động, sáng tạo và linh hoạt thích ứng để ứng phó kịp thời.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế-xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, chúng ta cần tiếp tục kiên trì đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý KHCN; nâng cao tiềm lực và trình độ KHCN; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST.

Để làm được điều đó, bên cạnh sự ủng hộ, chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, cần sự quyết tâm và nỗ lực lớn hơn nữa của lực lượng KHCN cả nước. Với vai trò đầu mối quản lý hoạt động KHCN&ĐMST, Bộ KH&CN sẽ tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, từ đó, động viên đội ngũ cán bộ KH&CN kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả KH&CN thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội, đóng góp cho kho tàng tri thức của nhân loại.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, đại diện Bộ KH&CN cho biết, năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với tinh thần chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, về cơ bản, ngành KH&CN đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Với nguồn ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động KH&CN hơn 12 nghìn tỷ đồng, Bộ đã triển khai các hoạt động tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm trích lập Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ, tạo nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, việc huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để triển khai hoạt động KH&CN được quan tâm thực hiện. Tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực...

Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Nhà máy đầu tiên sản xuất chip bán dẫn là doanh nghiệp công nghệ cao được Bộ KH&CN cấp chứng nhận. Đồng thời triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ về phát triển các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 Việt Nam có lợi thế như: Trí tuệ nhân tạo, Phân tích dữ liệu lớn, Internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo...

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiếp tục được củng cố, góp phần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho doanh nghiệp và ngày càng hài hòa với các tiêu chuẩn thế giới và khu vực. Đến nay, Bộ đã công bố gần 14.000 TCVN (tiêu chuẩn quốc gia) và hơn 800 QCVN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia). Tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%. Hệ thống bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử tiếp tục có đóng góp thiết thực trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp..., phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Có chính sách đặc thù để phát triển KHCN&ĐMST

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành KH&CN đã đạt được trong năm 2023.

Hội nghị tổng kết công tác ngành KH&CN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: BL  

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2023 là năm đầy khó khăn đối với thế giới trong đó có Việt Nam, chúng ta đã vượt lên để có những kết quả đáng khích lệ, trong những thành tựu đó có sự đóng góp đáng kể của ngành KH&CN cũng như các nhà khoa học, những người làm công tác KH&CN. “KH&CN có ý nghĩa với tất cả mọi người, hiện diện trong mọi mặt của đời sống xã hội, muốn giàu hơn, muốn an toàn hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn đều phải nghĩ đến KH&CN”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Theo Phó Thủ tướng, KH&CN vốn dĩ là lĩnh vực khó. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải có trách nhiệm không làm giãn khoảng cách của KH&CN Việt Nam với thế giới. Nhu cầu của từng người dân đòi hỏi chúng ta luôn có sự cập nhật đổi mới để cuộc sống mọi người, mọi nhà tốt hơn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu 2030 - 2045 đặt ra cho cả hệ thống chính trị rất cao, cho nên KH&CN là giải pháp thực hiện mục tiêu này, với tinh thần “đi tắt đón đầu”; cần phải có chính sách phù hợp, đặc thù để phát triển lĩnh vực KHCN&ĐMST; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, khuyến khích để mọi người cùng làm, có chính sách động viên, tạo được cảm hứng cho những nhà khoa học; Bộ KH&CN cần phối hợp tốt với các bộ, ngành, với các nhà khoa học, kết nối với thế giới một cách tích cực, hiệu quả; phải tử tế, trách nhiệm với công việc, chia sẻ với đồng nghiệp, nhà khoa học, trân trọng lắng nghe tạo cảm hứng cho nhà khoa học. Có như vậy mới có được đội ngũ đồng sức đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức.

Thay mặt Bộ KH&CN tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định quyết tâm của tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo để có những đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn vào sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà, đưa KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN