Cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST vì mục tiêu phát triển bền vững
(ĐCSVN) - Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần phải hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo, cũng như định hướng quỹ đạo phát triển và kết quả của đổi mới sáng tạo; tăng cường đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá; thúc đẩy hợp tác quốc tế nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới; xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. |
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo quốc tế “Cơ hội và thách thức trong hoàn thiện cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vì các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới” do Ủy ban về KH&CN (Ủy ban) thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức mới đây.
Hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững
Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu của toàn cầu. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc vào tháng 9 năm 2015, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được các nước thành viên Liên hợp quốc đồng thuận thông qua. Chương trình có độ bao phủ chính sách rộng lớn, vì lợi ích của mọi người dân trên thế giới, cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chương trình này đã đưa tầm nhìn cho giai đoạn phát triển 15 năm (2016-2030) trên phạm vi toàn cầu với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể, định hướng phương thức thực hiện, các quan hệ đối tác toàn cầu và các hành động triển khai thực hiện.
Thực hiện cam kết quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017), trong đó xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) đến năm 2030 với 115 mục tiêu cụ thể và phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch hành động.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Thế Duy - Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Phó Chủ tịch Uỷ ban về KH&CN nhấn mạnh, Việt Nam đã hoàn thành nhiều cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST và có những hành động rất quyết liệt hướng đến các mục tiêu PTBV đến năm 2030. Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) đang thực hiện những nhiệm vụ hướng đến đương đầu với các thách thức đó. Thứ trưởng dẫn chứng, trong đại dịch COVID, các cơ chế về KH,CN&ĐMST đã thay đổi rất nhiều, trong đó hướng đến cơ chế hợp tác cởi mở hơn, cùng nhau chia sẻ dữ liệu và các kết quả nghiên cứu, để nhanh chóng tìm ra các phương thức ứng phó với dịch COVID-19. Từ những phương thức hợp tác, chính sách mới đó chúng ta đã đạt được những kết quả tiến bộ về đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Theo Thứ trưởng, tại Hội nghị COP26, chúng ta hướng đến mục tiêu giảm phát thải bằng không. Với định hướng đó, nhiều mô hình sáng tạo trong đó có mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn đang là vấn đề đặt ra với tất cả quốc gia và KH,CN&ĐMST có vai trò quan trọng trong mô hình phát triển đó. Các thiết chế chính sách cũng cần được thay đổi để thích ứng, tạo điều kiện hỗ trợ cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Ủy ban KH&CN sẽ tổng hợp, kiến nghị với Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể chỉnh sửa, cập nhật cơ chế, chính sách về KH,CN&ĐMST trong thời gian tới, hướng đến một xã hội phát triển bền vững, Thứ trưởng cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Hùng - Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cho biết, kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Theo Báo cáo quốc gia năm 2020 tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, một số mục tiêu phát triển bền vững khó đạt được vào năm 2030. Báo cáo cũng chỉ rõ, hệ thống chính sách còn một số bất cập trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện, hiệu lực thực thi của chính sách chưa cao, đặc biệt trong điều kiện bối cảnh thế giới và trong nước đang diễn ra những biến động về chính trị, kinh tế, công nghệ, toàn cầu hoá,…
Cơ hội và thách thức
Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tham luận và bàn về các chủ đề như: Tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam sau 5 năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Chuyển hướng đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; Cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam; Ứng dụng KH,CN&ĐMST trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp; Cơ hội và thách thức trong hoạt động KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Cơ hội và thách thức trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu phát triển bền vững nhằm thích ứng với bối cảnh mới; Ngành công nghiệp xe điện ở Thái Lan và gợi ý chính sách đối với Việt Nam;…
Chuyên gia quốc tế phát biểu tại hội thảo. |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sau 5 năm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Việt Nam đã có nhiều thay đổi: Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh (năm 2016 là 9,2%, 2021 là 4,36%); tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh (năm 2016 là 93%, 2021 là 98,1%); tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam tiếp cận điện lưới quốc gia (99,5%); tỷ lệ dân số bao phủ bởi sóng di động năm 2021 (99,8%); tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (68,2%); Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác quan trọng với 30 đối tác quốc tế,…
Tuy nhiên, hiện cũng còn nhiều thách thức đòi hỏi phải có vai trò của KH,CN&ĐMST như sức ép lớn về hạ tầng và môi trường, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chênh lệch trình độ phát triển, chính sách chưa đồng bộ, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động,…. Bộ KH&ĐT đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có giải pháp về KH,CN&ĐMST.
Trong bài trình bày về Chuyển hướng đổi mới sáng tạo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, ông Andy Hall-CSIRO, Australia nhấn mạnh để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, chính sách KH,CN&ĐMST cần phải hỗ trợ đẩy nhanh tốc độ đổi mới sáng tạo, cũng như định hướng quỹ đạo phát triển và kết quả của đổi mới sáng tạo. Bà Nguyễn Phương Chi - Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng cần tăng cường tài trợ cho KH,CN&ĐMST vì các mục tiêu phát triển bền vững, thu hút các bên liên quan trong việc ra quyết định tài trợ nghiên cứu, đảm bảo tiếng nói của các bên liên quan, cái nhìn đa dạng hơn trong các quyết định tài trợ nghiên cứu, áp dụng một cách tiếp cận toàn diện hơn để thiết kế và đánh giá nguồn lực phát triển bền vững,…
Trình bày về Cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh ở Việt Nam, ông Hồ Công Hoà - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế, trong đó có hạ tầng năng lượng và dịch vụ môi trường, KH&CN hướng tới tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách còn bất cập, triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, thiếu các văn bản hướng dẫn, cơ chế xác định dự án, doanh nghiệp xanh,… Ông Phan Tiến Dũng-Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất tăng cường đầu tư Nhà nước vào các lĩnh vực ưu tiên, đột phá; thúc đẩy hợp tác quốc tế nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới; xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
Đại diện khu vực doanh nghiệp, bà Lâm Thị Bích Hồng – Công ty CP Traphaco cho rằng, doanh nghiệp cần luôn chủ động đặt trọng tâm đổi mới sáng tạo gắn liền với phát triển bền vững; chủ động tạo liên kết chặt chẽ với nhà khoa học trong giải quyết các vấn đề kĩ thuật thực tế trong doanh nghiệp; doanh nghiệp phải là chủ thể xây dựng chuỗi cung ứng xanh để góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội; kiến nghị với nhà nước tổ chức quy hoạch chi tiết các khu vực sản xuất, nuôi trồng, thương mại, du lịch,…; Nhà nước cần đầu tư hạ tầng, đặc biệt ở vùng miền núi cho các vùng phát triển nguyên liệu, chế biến; nhà khoa học phải chủ động, đi đầu trong nghiên cứu, áp dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, sản xuất liên tục,… Bà Nguyễn Thị Hồng Vân - Công ty CP Sao Thái Dương nêu một số đề xuất trong đó có việc xây dựng quy định đặc thù trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh để đáp ứng kịp thời các nhu cầu đặc biệt của xã hội, đẩy nhanh thương mại hoá sản phẩm phục vụ cộng đồng.
Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan cũng cùng thảo luận xoay quanh vấn đề những cơ hội và thách thức mà các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra đối với chính sách KH,CN&ĐMST, đề xuất về những ưu tiên trong chính sách KH,CN&ĐMST trong bối cảnh mới./.