Chuyện về cây xóa đói giảm nghèo ở Bắc Hà, Lào Cai
(ĐCSVN) - Lẫn trong cái nắng hây hẩy của mùa thu là mùi hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những cánh đồng dược liệu, Bắc Hà (Lào Cai) hôm nay không chỉ có mận, có ngô mà còn có những cánh đồng dược liệu quý hiếm. Lợi thế ấy đang được kì vọng sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con và đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn.
Sinh kế mới cho người dân
Chúng tôi đến thăm xã Bản Già, một xã nghèo điển hình của Bắc Hà. Cả xã có 234 hộ dân, nhưng trong đó đã có đến 175 hộ thuộc diện hộ nghèo... Bà con nơi đây chủ yếu là dân tộc Mông. Trước kia, người dân Bản Già chủ yếu là trồng lúa và trồng ngô. Từ năm 2016, theo chủ trương của huyện, Bản Già được quy hoạch trồng dược liệu đương quy, với diện tích hơn 4 ha. Nhờ phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, được chăm sóc chu đáo, nên cây dược liệu đương quy phát triển khá tốt, cho thu nhập cao gấp 3-4 lần so với sản xuất ngô, lúa. Mặc dù diện tích còn khiêm tốn nhưng đây là hướng đi mới và là cây mang lại thu nhập cao nhất cho Bản Già đến thời điểm này.
Cánh đồng dược liệu của bà con xã Bản Già. (Ảnh: Nguyễn Ánh).
Sáng sớm, mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ cánh đồng đương quy làm cho không khí ban mai ở xứ cao nguyên trắng càng thêm thi vị. Chúng tôi bắt gặp nhiều phụ nữ vừa địu con vừa chăm sóc vườn dược liệu, loại cây đang được xem là cứu cánh cho ước mơ xóa đói giảm nghèo của Bắc Hà hôm nay.
Với sự hướng dẫn của Bí thư Đảng ủy xã Cư Thị Lý, chúng tôi đến thăm gia đình chị Mù Thị Dũng, ở thôn Lù Sui Tủng, xã Bản Già, được chị vui vẻ tiếp chuyện và cho biết: Trước kia, gia đình chỉ trồng ngô, lúa nên kinh tế rất khó khăn. Năm 2016, từ chủ trương của xã, gia đình đã chuyển đổi gần 5.000m2 đất trồng ngô sang trồng cây đương quy, được hỗ trợ giống, phân bón và nilon phủ mặt luống. Vừa làm vừa học, gia đình dần nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây đương quy, nên kinh tế ngày một khấm khá hơn do thu nhập từ đương quy cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Chỉ tính riêng vụ đương quy vừa qua, gia đình đã thu về hơn trăm triệu đồng, có tiền chi phí phục vụ sinh hoạt, nâng cao đời sống và tái sản xuất.
Tiếp đó, chúng tôi đến thăm gia đình anh Hảng Seo Pao cùng thôn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn đương quy đang sắp thu hoạch, anh Pao chia sẻ: Trước đây trên mảnh đất gần 1 ha, gia đình anh chỉ trồng 1 vụ ngô, hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ năm 2016, thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được Công ty Cổ phần Nam Dược và công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa cam kết tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, nên gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng đương quy, mỗi năm cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Cũng giống như bản Già, Lùng Phình là một trong 8 xã nằm trong vùng quy hoạch trồng dược liệu. Với độ cao 1.300m so với mực nước biển, nơi đây thích hợp với nhiều loại cây dược liệu. Hiện xã đã đưa vào trồng 4 loại cây dược liệu chính là: Atiso, đương quy, đan sâm và cát cánh.
Chủ tịch UBND xã Lùng Phình Mai Xeo Diu cho biết: Cây dược liệu đang được nhiều hộ dân trong xã đưa vào trồng thay thế diện tích ngô kém hiệu quả. Cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, có giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi ha cây dược liệu cho thu từ 80 - 200 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều hộ dân trồng cây dược liệu đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Quang Hưng - Phó Chủ tịch huyện Bắc Hà cũng cho biết: Theo định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2016, huyện đã chỉ đạo các xã có điều kiện thích hợp chuyển đổi các diện tích trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây dược liệu. Đến nay, các vùng trồng dược liệu đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho các cho địa phương trong xã, đặc biệt là các xã vùng cao. Hiện tại, toàn huyện Bắc Hà đã có trên 100 hộ dân tham gia trồng cây dược liệu. Theo đề án phát triển cây dược liệu của tỉnh Lào Cai, đến năm 2020, huyện Bắc Hà sẽ có trên 84 ha là cây dược liệu, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Hình thành vùng nguyên liệu sạch
Người dân Bắc Hà từ lâu đã biết tìm những nguồn dược liệu trong rừng làm những bài thuốc quý. Tuy nhiên, do khai thác bừa bãi mà nguồn dược liệu quý đang bị thu hẹp. Chính vì vậy, tỉnh Lào Cai quy hoạch Bắc Hà là vùng trọng điểm của tỉnh về cây dược liệu không chỉ có ý nghĩa bảo tồn, phát huy nguồn dược liệu quý hiếm mà còn giúp bà con có thêm sinh kế, làm giàu trên quê hương; đồng thời, tạo nguồn dược liệu đặc biệt là nguồn dược liệu “sạch” trong sản xuất thuốc chữa bệnh cho nhân dân.
Theo Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện Bắc Hà Nguyễn Tiến Hồng, hiện nay, Bắc Hà đang tiến hành trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO, bảo đảm môi trường sản xuất an toàn. Quá trình trồng, thu hái đều đòi hỏi nghiêm ngặt về kỹ thuật. Đánh giá về chất lượng cây dược liệu, ông Nguyễn Huy Văn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho biết: Cây dược liệu trồng tại Bắc Hà có hàm lượng hoạt chất làm thuốc rất cao. Nhờ đó, Traphaco luôn có nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc đạt chất lượng tốt.
Theo Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Tạ Công Huy, để tiếp tục thực hiện dự án phát triển cây dược liệu giai đoạn 2014-2020, thời gian tới, huyện Bắc Hà tiếp tục phối hợp với Viện cây dược liệu, Công ty Traphaco, Công ty Nam dược... nâng tổng diện tích cây dược liệu lên khoảng 40 ha, trong đó có 19 ha cây đương quy tại 4 xã trong vùng dự án là: Bản Già, Lùng Phình, Na Hối, Nậm Mòn. Hiện, huyện đã và đang đầu tư dây chuyền chế biến trà nhúng các sản phẩm từ cây dược liệu trồng trên địa bàn để thu mua tại chỗ cây dược liệu.
Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng diện tích cây dược liệu cũng còn một số khó khăn nhất định như: Nhiều người dân còn lúng túng trong áp dụng kỹ thuật và chăm sóc cây dược liệu. Cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sản xuất, chế biến và kinh doanh cây dược liệu đã và đang được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Để tiếp tục phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu và đưa Bắc Hà trở thành một vùng trọng điểm dược liệu của tỉnh, Bắc Hà cần tiếp tục tạo những cơ chế thông thoáng mời gọi các công ty, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển trồng dược liệu tại các địa phương; có những chính sách hỗ trợ về vốn để khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng dược liệu; thực hiện tốt vấn đề "liên kết 4 nhà" trong sản xuất; thực hiện quy hoạch gắn với thế mạnh của từng tiểu vùng khí hậu để trồng những loại cây dược liệu phù hợp trên địa bàn./.