Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyện về các “thủ trưởng - mẹ” ở Trường Sa

Thứ Tư, 19/06/2024 16:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Những cái ôm thắm thiết, những câu chuyện thân mật của các nữ quân nhân với các chiến sĩ trẻ đã tạo ra những khoảnh khắc ấn tượng và cảm động trong suốt hải trình đi kiểm tra và thăm quân dân quần đảo Trường Sa. Nhiều người trong Đoàn công tác đã rơi nước mắt khi nghe tiếng gọi thân thương: “thủ trưởng - mẹ ơi!”…

     Đại diện Phụ nữ Quân đội tặng quà cán bộ, chiến sĩ đảo Tốc Tan B. 

Đoàn công tác Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam do Trung tướng Lê Quang Minh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Trưởng đoàn vừa đến kiểm tra, thăm quân, dân các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tham gia đoàn công tác có một số nữ quân nhân đại diện các phòng, ban công tác quần chúng, hội phụ nữ cơ sở của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và Đoàn Văn công Quân khu 4. Sự có mặt của các chị đã mang theo rất nhiều tiếng cười, không khí vui tươi và cả những giọt nước mắt cảm động.

Trên tàu Kiểm ngư KN-290 trong suốt hải trình đưa Đoàn công tác ra Trường Sa, các chị đều tranh thủ phụ giúp nhân viên bếp ăn của tàu những phần việc đơn giản như nhặt rau, sắp bát đũa, dọn bàn.

“Nhìn các nhân viên khu bếp toàn là nam, làm việc thì không ngơi tay từ 3 giờ sáng đến 23 giờ khuya, mình tự thấy bản thân phải tranh thủ lên giúp các anh em để vơi bớt vất vả. Huống gì chuyện bếp núc các chị em đã vốn làm rất quen ở nhà!” - Thượng tá Hoàng Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ Lữ đoàn Pháo binh 382 (Quân khu 1) nói với tôi như vậy.

Việc phụ giúp nhà bếp cứ thế trở thành một phong trào nhỏ của các thành viên nữ của đoàn công tác. Mỗi ngày, chẳng cần ai cắt cử, gần đến giờ cơm trưa, cơm chiều, ăn bữa tối, các chị lại cùng nhau góp mặt trên khu bếp, giúp các “anh nuôi” rồi ân cần hỏi thăm, nói chuyện, thậm chí còn hát cho các nhân viên trên tàu nghe.

Đến các đảo trên quần đảo Trường Sa, các chị cũng không nề hà, sẵn sàng giúp các chiến sĩ trẻ dọn vệ sinh, pha trà, mời nước các đại biểu. Ban đầu, các chiến sĩ trẻ gọi các chị là “Thủ trưởng” vì đều mang quân hàm thượng tá như: Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc, Trưởng phòng Phục vụ Bạn đọc Thư viện Quân đội; Thượng tá Cao Thị Ngọc, cán bộ Ban Công đoàn Quốc phòng; Thượng tá Hoàng Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội phụ nữ Lữ đoàn Pháo binh 382… Thế nhưng khi nghe các chị nói chuyện, một số chiến sĩ thay đổi cách xưng hô, gọi các chị bằng “mẹ” một cách rất tự nhiên. 

Tại đảo Đá Lát, chúng tôi được chứng kiến Hạ sĩ Lê Hoàng Anh, sinh năm 2004, quê ở xã Hoằng Tiến, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, sà vào lòng “mẹ Ngọc” rồi rưng rưng: “Mẹ con giống thủ trưởng lắm”. Khi nghe “thủ trưởng -mẹ” hỏi : “Con có người yêu chưa?”. Tuấn bẽn lẽn trả lời:

- Con chưa có ạ.

“Thủ trưởng - mẹ” đáp lời ngay:

- Thế thì làm con rể mẹ.

Tuấn và các chiến sĩ trẻ đảo Đá Lát cùng cười sảng khoái.

Trung tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các nữ văn công Quân khu 4 hát cùng chiến sĩ. 

Đến đảo Trường Sơn Đông, “thủ trưởng - mẹ” Nguyễn Thúy Cúc mang ngay nghiệp vụ thư viện ra trò chuyện và trao đổi cách đọc sách cùng các chiến sĩ trẻ. Cách nói chuyện của Thúy Cúc đã làm cho nhiều chiến sĩ xúc động, xin được chụp ảnh cùng “thủ trưởng - mẹ” để gửi về gia đình.

Khi chia tay, nhận bông hoa được làm từ những con ốc biển của các chiến sĩ, tôi thấy đôi mắt của mẹ Cúc rơm rớm lệ.

Đến đảo nào, các “thủ trưởng - mẹ” cũng đều trao quà của Ban Phụ nữ Quân đội đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Hội Phụ nữ cơ sở của Chi nhánh Trường Sơn 97 (Binh đoàn 12) còn gửi Thượng tá Phạm Anh Duy, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Chi nhánh mang thư và hạt giống rau đến tặng từng đảo.

Chị em trong Đoàn Văn công Quân khu 4 tham gia biểu diễn liên tục, hát, múa không biết mệt. Họ hát múa trên sân khấu, hát múa trên boong tàu, hát cho nhiều người nghe, hát cho một người nghe, hát có nhạc cũng như không có nhạc… Tiếng hát hòa cùng gió, tiếng hát hòa cùng tiếng sóng. Lời ca tiếng hát, điệu múa từ cán bộ, chiến sĩ Đoàn Văn công Quân khu 4 đã đến với những con người xa quê hương, hòa với lòng tự hào dân tộc, đi lên cùng tình yêu Tổ quốc trong những giai điệu mượt mà sâu lắng.

Tại các đảo Đá Lát, Thuyền Chài, Đá Tây, Trường Sa Đông, Tốc Tan B, An Bang ... nơi các nữ nghệ sĩ đoàn văn công đặt chân đến luôn nhận được những tình cảm đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo họ tham gia giao lưu cùng hát say sưa với các nghệ sĩ những ca khúc về quê hương. Họ hát hăng say, hát hết mình, hát khàn cả giọng, đến nỗi không nuốt được cơm, vậy mà chạm mặt cán bộ, chiến sĩ trên đảo mọi người quên hết những mệt nhọc và hát.

Thiếu tá QNCN Lê Na, Đội trưởng Đội ca của Đoàn Văn công Quân khu 4 cho biết: Chị đã 3 lần ra Trường Sa, vào các năm 2016, 2023, 2024, lần nào cũng đều có cảm xúc đặc biệt trước những tình cảm thân thương của quân dân trên đảo khiến chị có thể hát liên tục mà không biết mệt.

Tạm biệt “thủ trưởng - mẹ”. 

Trung úy Nguyễn Tiến Dũng, Chính trị viên đảo Tốc Tan B xúc động nói: Những người mẹ, người vợ, người phụ nữ luôn là hậu phương, điểm tựa vững chắc để cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa yên tâm làm nhiệm vụ. Sự có mặt của các chị là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ để chúng tôi yên tâm công tác. Đặc biệt là tình cảm của các “thủ trưởng - mẹ” dành cho các chiến sĩ trẻ trên đảo không gì có thể so sánh được”.

Thượng tá Cao Thị Ngọc, cán bộ Ban Công đoàn Quốc phòng, sau chuyến công tác ra Trường Sa thổ lộ: "Bản thân là người phụ nữ, người vợ, người mẹ, tôi thấu hiểu được nỗi nhớ nhà và sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách của các cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi sẽ là hậu phương vững chắc để các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao"./.

Đại tá Đỗ Phú Thọ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN