Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyển tải nguồn tín dụng chính sách hiệu quả tại Sơn La

Thứ Năm, 30/05/2024 16:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sơn La đang có những đổi thay tích cực nhờ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Chỉ thị này đã góp phần thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đổi thay tích cực ở tỉnh miền núi Sơn La

Ngược quốc lộ 6 lên Sơn La vào những ngày này chúng tôi ngỡ ngàng trước những thay đổi diện mạo từ nơi “cửa ngõ” của tỉnh là thảo nguyên Vân Hồ, Mộc Châu đến cả các vùng khó khăn thuộc hai huyện nghèo Thuận Châu và Sốp Cộp. Miền đất của trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc cùng sinh sống nay không còn hộ đói giáp hạt chỉ còn 42.147 hộ nghèo, chiếm 14% tổng số hộ dân cư toàn tỉnh.

Cuộc họp  giữa Lãnh đạo tỉnh Sơn La với NHCSXH tỉnh bàn huy động vốn tín dụng chính sách trên địa bàn (Ảnh: PV)

Thành quả có được ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, sự tham gia tích cực của đồng bào các dân tộc trong đó có sự chung sức, đồng lòng của hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sơn La đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 40, tập trung huy động các nguồn lực, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Được bà con dân tộc thiểu số địa phương thân thương gọi bằng cái tên “Người chuyên tâm xóa đói, giảm nghèo”, Giám đốc NHCSXH tỉnh Sơn La Hoàng Xuân Trường chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 40 và đến nay, hơn 10 năm qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn đã luôn quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến mọi hoạt động tín dụng chính sách. Song song, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, Điểm giao dịch của NHCSXH. Chính sự quan tâm giúp đỡ đó mà các nguồn lực tài chính ở tỉnh Sơn La có nguồn gốc Nhà nước được quy về một mối là NHCSXH quản lý và sử dụng theo quy định hiện hành. Đơn cử, hàng năm UBND tỉnh và 12 UBND cấp huyện đã cân đối nguồn vốn ngân sách, bổ sung kịp thời, ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo Báo cáo đến 30/4/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương là 232.671 triệu đồng, tăng 247% so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40, góp phần nâng tổng nguồn vốn chính sách toàn tỉnh lên 6.584.362 triệu đồng, tăng 4.018.930 triệu đồng so với 10 năm trước, bình quân hàng năm tăng 11%.

Cũng từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, song hành với việc tiếp nhận nguồn lực tài chính ở nhiều nơi trong quá trình triển khai Chỉ thị 40, NHCSXH tỉnh Sơn La đã kiên trì, năng động thực hiện các quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách, đáp ứng đầy đủ, nhanh chóng yêu cầu sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách trên miền núi cao luôn lăn lộn, gắn bó với bản làng và hộ nghèo, để bàn bạc, hướng dẫn bà con vay được vốn dễ dàng, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Đó còn là việc xây dựng, củng cố mạng lưới có độ phủ kín khắp địa bàn rộng lớn của NHCSXH thông qua 204 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ về tín dụng ưu đãi. Cũng cần kể thêm công sức của những người làm tín dụng chính sách đã chẳng quản gian nan vất vả, tháng ngày bám sát cơ sở, tận tụy với công việc xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của 3.789 Tổ Tiết kiệm và vay vốn cùng 841 Hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp tỉnh, huyện, xã.

ĐIểm giao dịch xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La (Ảnh: PV)

Bí thư huyện ủy huyện Mai Sơn, ông Nguyễn Việt Cường khẳng định: Việc đưa Chỉ thị của Đảng về tín dụng chính sách xã hội vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của toàn thể cán bộ. Đảng viên huyện Mai Sơn thời gian qua đã giúp công tác giảm nghèo được triển khai thực chất hơn, đồng thời loại bỏ tư tưởng “giấu nghèo” vì chạy theo căn bệnh thành tích. Nhờ vậy, nguồn vốn chính sách ở Mai Sơn không những tăng trưởng nhanh mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ thiết thực các hộ nghèo, các gia đình đồng bào dân tộc khó khăn phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả

Thực tế cũng chứng minh, chính sách về cùng các nguồn vốn, các chương trình phát triển kinh tế được kiện toàn lại. Thế mạnh nông, lâm nghiệp được lựa chọn. Toàn dân, toàn huyện thi đua xuống ruộng, lên rừng tạo nguồn thu cho mình. Tiêu biểu ở xã Hát Lót, huyện Mai Sơn đã có bước phát triển vượt bậc trong sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, tạo được việc làm ổn định, tăng thu nhập cho các hộ nghèo. Như gia đình anh Nguyễn Đức Tiến, bản Nong Xôm sử dụng đồng vốn vay ưu đãi đầu tư trồng mới cây ăn quả, bình quân hàng năm thu hoạch đến 4 tấn nhãn, 20 tấn xoài. Tổng thu nhập của gia đình ngót 200 triệu đồng/năm. Hay như hộ vay Lý A Dính cư trú tại bản Sam Quay, xã Mường Lèo, được NHCSXH huyện Sốp Cộp giải quyết cho vay 35 triệu đồng để mua 2 con trâu và 3 con bò. Hiện tại gia đình có 5 con bò lẫn bê và 3 con trâu. Ngoài ra, vợ chồng anh Dính còn trồng thêm cây công nghiệp; quế, mỡ với hơn 1 vạn cây dự kiến vài ba năm nữa thu hoạch sẽ có nguồn thu khoảng 4 trăm triệu đồng.

Từ những hộ nghèo ở Mai Châu, Sốp Cộp, nhìn rộng ra cả tỉnh Sơn La, đến nay, dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước luôn chảy đều đặn, thấm sâu giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Vốn chính sách góp phần phủ xanh đồi trọc bằng cây chè ở cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La (Ảnh: PV)

Có thể khẳng định, Sơn La có những khó khăn đặc thù của tỉnh miền núi, nhưng từ khi triển khai mạnh mẽ Chỉ thị 40 của Đảng, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp địa phương đạt nhiều kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội: đã hỗ trợ trên 384 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; trên 88 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; góp phần trang trải chi phí học tập cho trên 1,3 nghìn con em đi học tại các trường Đại học, Cao đẳng; thu hút và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 33 nghìn lao động, gần 170 nghìn công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn được xây dựng và làm mới nhà ở kiên cố cho hộ đồng bào DTTS nghèo…

Trải qua chặng đường đầy gian khó, NHCSXH Sơn La đã từng bước hiện thực hóa khát vọng dựng xây cuộc sống no ấm, hạnh phúc của người nghèo. Phát huy thành tích đó, những cán bộ tín dụng chính sách nơi vùng cao biên giới vẫn nỗ lực thực hiện sâu rộng Chỉ thị 40 của Đảng nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong công tác huy động nguồn lực, truyền tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn đến khắp bản làng, tới đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần đạt bằng được thắng lợi trong các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở miền núi dân tộc.

Đông Dư

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN