Chuyện ở bản người Dao
(ĐCSVN) - Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng người Dao, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước trong giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế.
Già Bàn Văn Hương, 70 tuổi, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cùng gia đình lập nghiệp tại bản Dao thuộc xóm Tra, xã Toàn Sơn đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Già Hương kể rằng, ông nội bên vợ là Trần Văn Bé, người dân tộc Kinh, sinh ra và lớn lên ở xã Đoan Hạ, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trong thời loạn lạc, cuộc sống khó khăn, gia đình đông con nên ông Bé được đưa lên xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho một gia đình người Dao tiền làm con nuôi từ thập niên 50 thế kỷ trước.
Già Bàn Văn Hương (bên phải) đang chia sẻ với phóng viên |
Vừa nhâm nhi chén trà nóng, già Bàn Văn Hương chia sẻ: Tính cách người Dao hiền lành, giản dị, thẳng thắn, chân thật. Trong quá khứ hay hiện tại, thế hệ người Dao sống theo phương châm: Người Dao không lấy của ai cái gì và cũng không để người khác lấy cái gì của mình. Những phong tục, tập quán truyền khẩu từ nhiều thế hệ nhắc nhở con cháu phải biết trân trọng và giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc. Từ bao đời nay, người Dao tiền vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc như: lễ hội cấp sắc, cơm mới, Tết nhảy, cầu mùa.. Điều đó giúp cho tình làng, nghĩa xóm được gắn kết, người dân đồng thuận tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ chung tay xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc xóm Phủ không có những mâu mắc, phức tạp. Là người hiểu sâu, biết rộng và có uy tín cao trong cộng đồng, già Bàn Văn Hương còn trực tiếp giải quyết nhiều mâu mắc, tránh những xung đột, bất hòa trong nhân dân.
Theo già Hương, do dân trí thấp, nhận thức không đồng đều, nếu giải quyết không thấu tình, đạt lý sẽ khó thuyết phục nhân dân, thậm trí gây mất đoàn kết dẫn tới phức tạp. Già cho rằng, ngay từ các gia đình, dòng họ phải làm tốt công tác giáo dục con cháu, kết hợp với giám sát chặt chẽ, kịp thời nắm bắt các biểu hiện để phòng ngừa vi phạm. Tuyên truyền, động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, chuyển đổi canh tác, thay đổi cơ cấu cây trồng để tăng năng xuất. Từ đó đã làm tăng uy tín của già Hương với cộng đồng. Hầu hết các vụ việc vi phạm an ninh, trật tự, mâu mắc trong nhân dân đều được già Hương thoả hiệp giải quyết ổn thoả.
Phụ nữ người Dao huyện Đà Bắc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống. (Ảnh minh họa) |
Nhắc lại câu chuyện mâu thuẫn giữa 2 gia đình người Dao trong xóm, bằng uy tín và trách nhiệm, già Hương hỗ trợ chính quyền đã hòa giải thành công, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm. Trước đây, hộ gia đình ông Đặng Văn Thành và Triệu Văn Tiến mâu mắc khá gay gắt trong việc phân chia đất canh tác. Chuyện là, khu đất rừng này không có sổ đỏ mà do người dân sinh sống lâu đời rồi mặc nhiên thành đất của gia đình. Do vậy, việc phân định ranh giới gặp nhiều khó khăn, phức tạp dẫn tới xung đột bởi hộ nào cũng cho rằng đất của mình. Cũng chỉ vì vài mét đất mà 2 gia đình nhiều lần có lời qua tiếng lại, thậm trí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp của bản Dao. Nắm bắt được tình hình đó, già Bàn Văn Hương đã tới từng gia đình để gặp gỡ, khuyên giải bằng lời lẽ gần gũi chân tình song khá cương quyết. Già Hương bảo, nếu không giải quyết được, chính quyền địa phương vào cuộc phát hiện đất không có sổ đỏ thu hồi thì sẽ mất trắng. Nhà nước tạo điều kiện cho các hộ dân có đất canh tác, phát triển sản xuất thì người dân phải chung tay cải tạo đất để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Sự kiên trì, trách nhiệm của già Hương dần có kết quả, 2 gia đình dần hiểu ra sự việc, bắt tay hoà giải trở nên thân thiết hơn xưa.
Phát huy vai trò là người uy tín trong cộng đồng người Dao, xã Toàn Sơn già Bàn Văn Hương sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chung tay giữ bình yên ở vùng cao Hòa Bình./.