Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyện những cô đỡ vùng cao

Thứ Sáu, 27/11/2015 17:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) Nhiều lý do để không đến trạm y tế sinh nở, nên những người phụ nữ vùng cao luôn phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy mỗi lần trở dạ. Mô hình cô đỡ thôn bản đã bước đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, chế độ, chính sách còn quá ít ỏi khiến cô đỡ thôn bản gặp rất nhiều khó khăn khi gắn bó với nghề.

Những cô đỡ vùng cao

   

 Cô đỡ Hồ Thị Tăng (bản Pa Choong - Minh Hóa - Quảng Bình) tư vấn
chăm sóc sức khỏe  cho bà con. Ảnh: TH


Đưa chúng tôi vào 2 xã Trọng Hóa và Dân Hóa của huyện Minh Hóa, ông Cao Sỹ Phượng, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) huyện Minh Hóa cho biết, đây là 2 xã nghèo nhất của huyện với tỷ lệ hộ nghèo đói lên đến 85%, có tới 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) (chủ yếu là dân tộc Chứt), trình độ dân trí thấp. Do địa bàn đi lại khó khăn, bà con DTTS có những phong tục, tập quán lạc hậu, việc sinh đẻ chủ yếu tại nhà, ngoài chòi, ngoài lán nên tình trạng tai biến sản khoa, nhiễm khuẩn đường sinh sản, tử vong mẹ (TVM) và tử vong sơ sinh (TVSS) vẫn còn xảy ra.

Bác sĩ Đinh Xuân Thái, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trọng Hóa cho biết: xã có hơn 800 hộ dân với 4.131 nhân khẩu sinh sống tại 18 bản. Cả xã hiện còn 6 bản chưa có điện. 100% bà con dân tộc thiểu số, đa số là hộ nghèo. Các bản nằm rải rác nhau, bản xa nhất cách trạm y tế xã 34km. Cả xã mới chỉ có 7 cô đỡ được đưa đi đào tạo. Từ đầu năm đến nay, xã có 100 trường hợp sinh đẻ, thì chỉ có 52 trường hợp đến trạm y tế xã, 48 trường hợp sinh con tại nhà, trong đó có 18 trường hợp do cô đỡ đỡ đẻ, 30 trường hợp còn lại là do nhân viên y tế thôn bản và người nhà đỡ. Rất may mắn là không có trường hợp nào bị TVM và TVSS. Nhờ có các cô đỡ thôn bản - lực lượng chủ yếu trong công tác CSSKSS tại thôn bản nên trạm quản lý được số phụ nữ mang thai trong xã, vận động được nhiều chị em đi khám thai, chọn nơi sinh con an toàn.

Cô đỡ đầu tiên chúng tôi gặp là Hồ Thị Na (dân tộc Khùa, bản Hà Nôông). Na cho biết, năm 2014, em được đào tạo CĐTB 6 tháng ở tỉnh. Trước khi tốt nghiệp 2 tuần, em đã đỡ đẻ cho một trường hợp của bản bên cạnh. Từ ngày về bản, Na đã trực tiếp đỡ đẻ an toàn cho 3 trường hợp, phát hiện và vận động tới trạm y tế sinh con cho 2 trường hợp. Bên cạnh đó, em cũng thường xuyên gặp gỡ những chị em có thai, tư vấn cho họ cách chăm sóc mẹ và thai nhi, tuyên truyền, vận động họ đi khám thai, sinh con tại trạm y tế xã. Có trường hợp, sản phụ không bong rau, em đã phải dùng tay nong nhau theo kỹ thuật cấp cứu sản khoa đã được học.

Với “ông bố trẻ” Hồ Sô (dân tộc Mày), cô đỡ Tăng không những là ân nhân của riêng vợ chồng anh mà của mấy chục hộ ở bản Pa Choong, bởi chính bàn tay cô Tăng đã giúp đỡ 4 thai phụ sinh nở an toàn. Trường hợp gia đình anh, cô Tăng đã phát hiện vợ anh có nhiều nguy cơ tai biến, động viên và đưa vợ anh tới trạm y tế xã, rồi Bệnh viện Đa khoa huyện để sinh nở an toàn. Anh kể: Khoảng 10 giờ đêm hôm đó, vợ anh, chị Hồ Thị Xuân (24 tuổi) có dấu hiệu chuyển dạ, kêu khóc liên hồi vì đau. Nhưng do đường xuống trạm y tế xã xa xôi, lại là lần thứ 2 sinh nở nên chị chủ quan đẻ ở nhà. Sô bắt đầu lo lắng hơn khi nhận thấy sắc mặt của vợ mình càng lúc xanh xao, tái nhợt. Sô vội vàng chạy đến nhà Tăng gọi. Qua thăm khám, Tăng nhận thấy có rất nhiều dấu hiệu của tai biến sản khoa: Xuân sốt cao, khung xương chậu hẹp, tử cung không mở, thời gian đau đẻ kéo dài. Sau khi sơ cấp cứu ban đầu cần thiết, Tăng vận động gia đình đưa chị Xuân đến trạm y tế xã. Từ đây, chị Xuân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Huyện Minh Hóa để sinh nở. Mẹ con chị Xuân mẹ tròn con vuông khiến ai cũng vui mừng. Có trường hợp người mẹ bị rau không bong, Tăng đã nhanh chóng áp dụng những kỹ thuật mới được đào tạo, giúp sản phụ ra rau an toàn.

Chị Nguyễn Thị Doan, nữ hộ sinh trạm y tế xã Trọng Hóa cho biết, các CĐTB đã giúp chị rất nhiều trong công việc, từ việc tuyên truyền, vận động chị em đi khám thai, chọn nơi sinh con an toàn, đến việc trực tiếp đỡ đẻ tại bản, phát hiện nguy cơ tai biến để vận động gia đình chuyển lên tuyến trên; tư vấn chăm sóc mẹ và bé thời kỳ mang thai, sau khi sinh. Nếu tất cả chỉ dựa vào đội ngũ y, bác sĩ của Trạm Y tế thì không thể làm được. Bởi Khoa sản Trạm y tế xã chỉ có 5 người, trong khi phải bao quát hết 18 thôn, bản thì không thể làm hết việc.

Nhọc nhằn cô đỡ thôn bản

Men theo những con đường núi cùng các cô đỡ đi về với những bản vùng sâu, vùng xa như Pa Choong, Lòm, Hà Nôông, K Óoc…chúng tôi được nghe kể về sự vất vả, nhọc nhằn và cả nỗi hiểm nguy trong công việc mà các cô có thể gặp phải. Đa số các cô đều cho biết, việc đi lại vận động, thăm khám, đỡ đẻ trong bản thường là đi bộ, thậm chí còn phải leo trèo, vì toàn đường mòn, đường núi. Điều kiện kinh tế lại rất khó khăn, các cô cũng chẳng có phương tiện gì ngoài đôi chân. "Bản mình còn nghèo lắm, chưa có đường to, đường nhựa nên nhà có xe máy cũng chẳng dám đi vì không vững tay là lao xuống vực hiểm" – cô đỡ Hồ Thị Na chia sẻ.

Mỗi lần lên trạm y tế xã để giao ban chuyên môn, thường thì các cô đi bộ 5-10 km ra đường cái rồi đi nhờ ô tô, xe máy đi qua. Những lần người nhà bệnh nhân gọi, nếu may mắn thì người nhà cho xe đến đón đi, còn lại, thường các cô cắt rừng, đi bộ thậm chí hàng chục cây số để giúp sản phụ sinh nở. Ngoài những thứ dụng cụ cần thiết phụ giúp việc sinh nở cho thai phụ, các cô còn trang bị thêm đèn pin chiếu sáng và điện thoại di động để đi đường, liên lạc. Nhiều khi đèn pin hết điện giữa đường, hay vào khu vực máy điện thoại mất sóng, các cô vẫn phải lần đường mà đi, chuyện ngã vào vũng đất sình lầy là rất bình thường. “Công việc vất vả lắm nhưng chúng mình thấy rất vui khi mẹ tròn, con vuông sau những ca đỡ thành công”.

Vất vả là khó khăn chung của các cô đỡ, nhưng có những nỗi niềm đặc biệt mà nhiều khi các cô cũng không biết tỏ cùng ai. Cô đỡ Nguyễn Thị Hồng Lẫm (xã Dân Hóa) kể: "Có trường hợp sản phụ sắp đến ngày trở dạ, sau khi thăm khám, phát hiện có nguy cơ tai biến sản khoa, Lẫm động viên gia đình đưa đi viện. Nhưng vì gia đình không có tiền, Lẫm phải đứng lên vận động bà con góp tiền để đưa sản phụ đi. Nhiều bà con đã nghi ngờ lòng tốt của Lẫm. "Trong quá trình chị ấy nằm viện, mình phải ghi chi tiết các khoản tiền đã chi để công khai với bà con". Nhưng chỉ đến khi trên chuyến xe trở về, Lẫm gặp một cán bộ dự án Plan đang đi kiểm tra tình hình CSSKSS tại các thôn, bản, nhờ anh thanh minh với bà con, Lẫm mới được minh oan. Lẫm vui lắm, "thế là mẹ con chị ấy an toàn, mẹ tròn con vuông, mình cũng không bị bà con hiểu lầm nữa".

Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng

Công việc của CĐTB vất vả là vậy nhưng hiện nay các chế độ đãi ngộ với lực lượng này hầu như chưa thỏa đáng. Khi hỏi về chế độ nhận được mỗi tháng, Hồ Thị Tăng thổ lộ "mình vừa là nhân viên y tế thôn bản, vừa là cô đỡ, nên mỗi tháng nhận được phụ cấp 575.000 đồng/tháng. Nhưng có rất nhiều cô đỡ khác không đồng thời là cô đỡ thôn bản thì chỉ nhận được 200.000 đồng/tháng thôi. Chúng mình vẫn phải đi rẫy để có hạt gạo, hạt ngô nuôi con".

Ông Cao Sỹ Phượng cho biết, toàn huyện Minh Hóa hiện nay có 19 cô đỡ, thì chỉ có 11 cô đỡ được hưởng trợ cấp 575.000 đồng/tháng, còn lại 8 cô đỡ chưa được hưởng chính sách này. Riêng huyện Trọng Hóa có 3 cô hưởng mức 575.000 đồng/tháng, 2 cô hưởng mức 200.000 đồng/tháng; xã Dân Hóa thì chỉ được 4 cô hưởng mức 0,5, 2 cô hưởng mức 200.000 đồng/tháng. Chính vì đó, các cô đỡ chưa tâm huyết với công việc của mình.

Lý giải cho các mức phụ cấp này, Bà Trần Thị Loan - Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Quảng Bình cho biết, cả tỉnh có 49 CĐTB được đào tạo. Thành công lớn nhất của mô hình là đã phát hiện, tư vấn chuyển tuyến kịp thời cho tất cả phụ nữ có thai có dấu hiệu nguy hiểm. Từ khi đi vào hoạt động đến nay chưa có trường hợp nào bị tai biến sản khoa và mẹ bị tử vong. Mặc dù theo Quyết định 75 của Thủ tướng Chính phủ, các CĐTB được coi là nhân viên y tế thôn bản, được phụ cấp 0,5 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, Quyết định cũng quy định mỗi thôn bản chỉ được 1 xuất y tế thôn bản, ở những thôn bản nhân viên y tế thôn bản đồng thời là cô đỡ thì cô đỡ được nhận mức trợ cấp này. Còn nếu đơn thuần là cô đỡ thì chỉ được hưởng mức 200.000 đồng/tháng theo Chương trình Mục tiêu quốc gia.

Không riêng gì Quảng Bình, mà nhiều địa phương khác CĐTB phải làm thêm nương, rẫy kiếm sống. Ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm CSSKSS tỉnh Thanh Hóa thì cho biết, với mức hỗ trợ như hiện nay cho các CĐTB là quá thấp. Với mức hỗ trợ đó, mỗi tháng họp giao ban ở xã mà đi xe ôm cũng gần hết tiền, do đó các cô phải là những người rất yêu nghề mới có thể bám trụ. Tỉnh có 15 CĐTB, vẫn còn một số cô đỡ không được hưởng mức phụ cấp này. Tỉnh phải bố trí từ nguồn SKSS mỗi tháng 200.000 đồng/tháng (tương đương 2.400.000 đồng/năm) cho mỗi cô để khuyến khích họ. "Về lâu dài, tôi đề nghị Trung ương và địa phương cùng phải có sự quan tâm đúng mức, có hỗ trợ về kinh phí và các chế độ chính sách ưu đãi để các cô đỡ bám bản, bám địa phương, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi được gọi đến".

Ths.BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết: "việc đào tạo CĐTB vô cùng gian truân. Bản thân họ là người DTTS, có những người chưa bao giờ rời xa bản làng, nay phải xa gia đình 6 tháng, ăn ở tập trung, học hành vất vả, tham gia đêm trực, học những kỹ thuật cả đời họ ko nghĩ đến". "Tuy nhiên, việc đào tạo họ đã khó, việc duy trì hoạt động của họ còn khó hơn. CĐTB vừa phải lo cuộc sống của mình, vừa phải lo thêm sức khỏe bà mẹ trẻ em cho thôn bản mình, thậm chí cả thôn bản bên cạnh nữa... Ngoài ra, họ còn phải lo làm báo cáo, giao ban trạm y tế xã. Mức hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là rất tốt. Tuy nhiên, với những cô đỡ hưởng mức 200.000 đồng/tháng thì quá thiệt thòi cho họ". Trong tổng số 1.545 CĐTB được đào tạo từ năm 2008 đến nay đang ngày đêm hoạt động trong những vùng khó khăn, chỉ có 1/3 được hưởng theo phụ cấp của Trung ương. Hơn nữa, Chương trình mục tiêu quốc gia kết thúc năm 2015, đến năm 2016 lại một chương trình khác, một chính sách khác. Như vậy bản thân chính sách đó cũng không bền vững. "Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, các địa phương mặc dù ngân sách rất hạn hẹp nhưng cố gắng xây dựng mạng lưới CĐTB đồng thời bố trí ngân sách chi trả cho các cô, để các cô thực sự yên tâm với nghề".

Thiết nghĩ, với những hiệu quả mà mô hình CĐTB, không chỉ Trung ương, mà các địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng này để họ có thể yên tâm gắn bó với trọng trách được giao phó. Cung cấp đủ chế độ, chính sách cho cô đỡ "không chỉ là biện pháp giúp các cô đỡ, giúp ngành CSSKSS, mà còn là biện pháp thiết thực nhất giúp bà con dân tộc thiểu số được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe" – bà Trần Thị Loan nói.

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN