Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cần được triển khai từng bước chắc chắn
(ĐCSVN) - Công tác chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp thời gian qua đã được khởi động và đạt được một số kết quả ban đầu. Tuy nhiên với một khối lượng công việc đồ sộ và nhiều yếu tố kỹ thuật liên quan đòi hỏi ngành cần có từng bước đi chắc chắn để tránh việc bị “lạc hướng”.
Triển khai thí điểm phần mềm nhận diện sinh vật gây hại lúa trên điện thoại di động tại An Giang (Ảnh: NQ) |
Phải giải quyết được bài toán kết nối trong chuyển đổi số
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng, bắt tay vào triển khai. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ NN&PTNT số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Bộ lấy ngày 19/8 hàng năm là ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số NN&PTNT giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ cho Bộ triển khai ở Trung ương và địa phương. Trong năm 2022, Bộ lựa chọn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi là hai lĩnh vực ưu tiên triển khai sớm.
Thực tế công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai. Tại Hà Nội, thời gian qua, thành phố đã triển khai được một số nội dung. Cụ thể như về truy xuất nguồn gốc. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội Tạ Văn Tường, Hà Nội đã phối hợp và triển khai theo các cấp độ với các doanh nghiệp để minh bạch các sản phẩm với mã QR. Ngoài ra, Hà Nội đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về đất. Gần như tất cả các cơ sở dữ liệu về đất, sức khỏe về đất, thực trạng, thành phần về đất đã được cập nhật về hiện trạng trên cơ sở bản đồ số. Ngoài ra, thành phố đã hợp tác với các cơ quan, đơn vị kinh tế số để triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch như: Vỏ sò, sendo,…
Tại tỉnh Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, nông nghiệp là một trong 5 ngành được tỉnh chọn triển khai chuyển đổi số trong giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, đối với đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, Quảng Nam đã đưa lên 2 sàn: Vỏ sò với 104 sản phẩm; Postmart với 109 sản phẩm,…
Theo ông Trần Hùng – Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (thuộc nhóm nghiên cứu triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp), qua thời gian thực hiện chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã xác định được những yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số. Đó chính là việc kết nối giữa các đơn vị với nhau, gồm: kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; kết nối giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quan lý nhà nước với thị trường. Do vậy giải quyết bài toán chuyển đổi số ở đây là giải quyết bài toán về kết nối.
Ông Hùng dẫn chứng, Nhà nước quản lý về sản xuất, hỗ trợ về chính sách và cập nhật, phân tích, định hướng, dự báo thị trường. Trong khi đó, doanh nghiệp cần về kế hoạch sản xuất, vùng sản xuất, quản lý tổ chức sản xuất, khuyến nông, tín dụng thời tiết, sâu bệnh và thị trường vật tư nông sản, dán nhãn, truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần các thông tin về kế hoạch thu mua sản phẩm, thị trường, sản lượng, truy xuất nguồn gốc, hệ thống chế biến, hệ thống đóng gói, hệ thống vận chuyển,...
Đối với người nông dân, cần thông tin về quy trình kỹ thuật, quản lý vườn trồng, thị trường vật tư nông nghiệp, thông tin thị trường, thiên tai, dịch bệnh, thông tin chính sách hỗ trợ sản xuất và quy trình thu hoạch. Và điều quan trọng nhất trong chuyển đổi số là người nông dân phản ánh được tình hình và được tiếp nhận tư vấn trực tuyến.
Cũng theo ông Hùng, một trong những bài toán khó ở đây cần giải quyết, đó là vấn đề xây dựng kho dữ liệu của từng yếu tố liên quan và xây kho dữ liệu như thế nào cho chuẩn?
“Vậy cơ sơ dữ liệu này gồm những gì?. Thứ nhất là khí hậu. Toàn bộ vùng khí hậu này sẽ được quan trắc tự động bằng ảnh vệ tinh, bằng những trạm quan trắc ảo, thực, và thông báo về cho một trung tâm dữ liệu. Thứ hai là vùng trồng, biết được thời điểm nào, canh tác bao nhiêu, thu hoạch đến đâu và tính được ra sản lượng” – ông Hùng nêu rõ.
Cùng với giải quyết bài toán trên, thực tế hiện nay, nhiều địa phương và người nông dân vẫn đang còn rất thiếu thông tin về việc triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi cần được định hướng trong thời gian tới.
Chuyển đổi số cần được làm ngay nhưng phải từng bước và chắc chắn
Nhấn mạnh đến vai trò của chuyển đổi số trong nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số mở ra 3 xu thế. Thứ nhất là bỏ qua khâu trung gian, đó chính là sàn thương mại điện tử. Trong năm 2021, Bộ đã chỉ đạo phát triển nhanh và mạnh 2 sàn thương mại điện tử Việt Nam dành cho bà con nông dân gồm: post mart và vỏ sò. Thứ hai là phi tập trung hóa, giúp cho từng hộ nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp số cung cấp công nghệ, thông tin như là dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ với giá phù hợp. Thứ ba, chuyển đổi số sẽ tạo ra xu thế phi vật thể hóa. Từ đó, chuyển đổi số sẽ giúp hình thành số hóa đất đai, môi trường,…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2022 sẽ có 9 nền tảng số dành cho ngành nông nghiệp. Cụ thể như: nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp,…
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần có kế hoạch riêng cho chuyển đổi số năm 2022. Đồng thời, Bộ cần nhanh chóng phát triển trang web để trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số trong và ngoài nước. Thực tế, chuyển đổi số sẽ góp phần giải quyết những bài toán lớn của ngành nông nghiệp như về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thu nhập thấp,…
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần kiện toàn bộ phận về công tác truyền thông để tiếp nhận phản hồi của người dân và doanh nghiệp về công tác chuyển đổi số.
Bàn về vấn đề chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu “ Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”. Bộ NN&PTNT đã đưa chuyển đổi số vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp “minh bạch – trách nhiệm – bền vững”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển. Đây chính là giá trị lớn mà chuyển đổi số mang lại.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, để triển khai hiệu quả, mỗi bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng. Chuyển đổi số cần được làm ngay nhưng phải từng bước và chắc chắn. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng.
Cùng với đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển nhận thức thành hành động cụ thể. Ngoài ra, công tác tham mưu xây dựng các chiến lược, kế hoạch, định hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn dài hạn và hàng năm là công tác rất quan trọng để góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp./.