Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay
(ĐCSVN) – Các ý kiến, tham luận trình bày tại Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay” đều thống nhất khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận là yêu cầu cấp thiết, phù hợp mục tiêu xây dựng xã hội số hiện nay ở Việt Nam.
Ngày 31/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Học viện Cảnh sát nhân dân phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Thiếu tướng, TS Chử Văn Dũng, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; TS Võ Văn Bé, Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Ban Tuyên giáo một số tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học.
Hội thảo khoa học quốc gia “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay”. (Ảnh: KL) |
Từng bước số hóa công tác tư tưởng, lý luận
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết, thời gian qua, cấp ủy, tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương, trực tiếp là các cơ quan tuyên giáo, cơ quan nghiên cứu lý luận đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm từng bước số hóa công tác tư tưởng, lý luận. Các dấu ấn chuyển đổi số hiện diện rõ nét và đem đến những thay đổi rất tích cực trên cả 5 mặt công tác quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận gồm: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; công tác giáo dục lý luận chính trị; công tác tuyên truyền, cổ động; công tác nghiên cứu, định hướng dư luận xã hội; công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết cho chuyển đổi số, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng số phục vụ công tác tư tưởng, lý luận. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ tuyên giáo, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ nghiên cứu lý luận, cán bộ báo chí - truyền thông có đầy đủ kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tìm tòi các phương thức sáng tạo, xây dựng quy trình làm việc hiện đại, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, vừa nâng cao hiệu quả công tác.
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu chào mừng Hội thảo. (Ảnh: KL) |
PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm đưa Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng chuyển đổi số, công tác tư tưởng, lý luận đã có những bước chuyển biến mới theo hướng hiện đại, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ phù hợp với xu thế quản trị số và lao động trong môi trường số.
Cùng với đó, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan chuyên môn cũng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và bước đầu triển khai trong thực tiễn việc chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
PGS.TS Phạm Minh Sơn khẳng định, Hội thảo khoa học quốc gia: “Chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay” là một hoạt động khoa học đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh cách mạng chuyển đổi số đã được xác định là một trong những đột phá chiến lược mà Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội XIV.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận là yêu cầu cấp thiết
Tại Hội thảo, các ý kiến, tham luận trình bày, với các chủ đề và góc nhìn phong phú, đa dạng, đều thống nhất khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận là yêu cầu cấp thiết, phù hợp mục tiêu xây dựng xã hội số hiện nay ở Việt Nam.
Hội thảo đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chuyển đổi số, thực trạng chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay, đánh giá các ưu điểm, hạn chế và phân tích nguyên nhân, từ đó làm rõ thêm những vấn đề đặt ra, đề xuất các định hướng, giải pháp, khuyến nghị nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam trong thời gian tới.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng phát biểu tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: KL) |
Phát biểu tham luận tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho biết, với vị thế Thủ đô của đất nước, công tác chuyển đổi số còn góp phần đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tạo sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Cụ thể, thành phố đã triển khai công tác thông tin hiệu quả trên các nền tảng số như: Zalo, Facebook, các trang tin điện tử; khảo sát lấy ý kiến người dân và dư luận xã hội qua ứng dụng chuyển đổi số.
Cùng với đó, hệ thống tuyên giáo của Thủ đô cũng đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Sổ tay đảng viên điện tử; thực hiện các cuộc họp trực tuyến, hội nghị báo cáo viên với cả triệu người cùng tham gia một lúc.
Trung tướng, GS, TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân, chia sẻ Học viện đã và đang xây dựng, hoàn chỉnh về mục tiêu, chiến lược đào tạo, hình thức và phương pháp đào tạo, nhất là đối với các môn lý luận chính trị với ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Học viện đã triển khai hệ thống quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo qua mạng nội bộ, xây dựng bài giảng điện tử, thực hiện chuyển đổi số ở các khâu tổ chức đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số. Hệ thống phòng máy tính, phòng học chuyên dùng cho các môn lý luận chính trị, thư viện phục vụ nghiên cứu giáo trình, tài liệu, hệ thống phòng đọc các môn lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số…
Học viện cũng đã xây dựng nền tảng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu số, nguồn tài nguyên học liệu từng bước được số hóa, xây dựng các phòng học chuyên dùng tổ chức các hình thức học tập, trao đổi chuyên môn trực tuyến trong và ngoài Học viện. Với sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và cố gắng của cán bộ, giảng viên, 100% giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và sinh viên đã có đủ công cụ, phương tiện để giảng dạy và học tập theo phương pháp hiện đại, thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số.
Theo Trung tướng, GS, TS Trần Minh Hưởng, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy các môn lý luận chính trị là một việc làm hết sức cần thiết trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học lý luận chính trị là một xu hướng hiện đại hóa quá trình dạy và học, làm thay đổi cách dạy và cách học, giúp người học tham gia học tập một cách chủ động, tích cực và sáng tạo, tăng cường tính trực quan, góp phần nâng cao chất lượng lĩnh hội và nắm vững kiến thức, phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo của người học.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu kết luận Hội thảo. (Ảnh: KL) |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá cao 87 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia… của các cơ quan, đơn vị trong cả nước gửi đến Hội thảo cũng như các tham luận trực tiếp tại Hội thảo. Đặc biệt, những ý kiến đóng góp, kiến nghị tại Hội thảo đã cung cấp những luận cứ khoa học quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn về chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia thời gian tới.
Các tham luận thêm một lần nữa cho thấy yêu cầu nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ về sự cần thiết và cấp bách phải chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong công tác tư tưởng, lý luận nói riêng./.