Chuyển đổi số ngành Tòa án: Những con số “biết nói”
(ĐCSVN) - 300 triệu lượt truy cập; 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác… là phần nhỏ trong loạt thành tựu mà nỗ lực chuyển đổi số ngành Tòa án mang lại thời gian qua.
Những bước ngoặt trong chuyển đổi số ngành Tòa án
Tham dự Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành Tòa án Nhân dân tổ chức giữa tháng 6 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án 06 - một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc của người dân và doanh nghiệp dựa trên công nghệ số. Đánh giá công tác xây dựng toà án điện tử luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng ghi nhận và kỳ vọng tòa án điện tử sẽ trở thành phong trào, xu thế trong thời gian tới.
Trong khi đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng: “Cuộc sống đòi hỏi, Nhân dân đòi hỏi, yêu cầu từ Đảng càng cao, buộc chúng tôi phải làm. Trước áp lực công việc tăng lên, biên chế giảm xuống, đòi hỏi của xã hội ngày một cao hơn cho nên không có cách nào khác, lối thoát duy nhất chính là chuyển đổi số. Tập thể cùng nhau làm”.
Để đạt được những thành tựu này, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của ngành Tòa án, sự đồng hành của các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng mang lại nhiều đóng góp quan trọng, giúp tiến trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi.
Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình chia sẻ về mô hình chuyển đổi số thành công bằng kinh nghiệm của ngành Tòa án (Ảnh: Lê Vân) |
Cụ thể, trong 3 năm qua, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao đưa vào vận hành Trung tâm dữ liệu ngành Tòa án Nhân dân với trang thiết bị số hiện đại, thiết kế theo hướng mở, cho phép nâng cấp tuỳ từng giai đoạn, góp phần tạo ra bước ngoặt về phát triển hạ tầng số.
Hệ thống quản lý công việc và công tác chỉ đạo điều hành giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý hồ sơ công việc của cán bộ, công chức, viên chức Tòa án dễ dàng thực hiện bất kỳ thời điểm nào mà không nhất thiết phải có mặt tại cơ quan. Mọi quy trình nhận văn bản, chỉ đạo và truyền thông tin cho cấp dưới chỉ bằng một thao tác nhấp chuột thay vì cần vài ngày.
Việc công khai minh bạch các hoạt động của Toà án cũng được đầu tư bài bản và phát huy hiệu quả. Người dân có thể truy cập vào các cổng thông tin điện tử của Tòa án Nhân dân tối cao để xem các bản án và nhiều nội dung có giá trị khác. Theo thống kê, các trang thông tin điện tử của Tòa án đã phục vụ 300 triệu lượt truy cập đọc, tra cứu; 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác…
Mỗi thẩm phán một trợ lý ảo và những con số đáng kinh ngạc
Trong tiến trình chuyển đổi số ngành Tòa án, trí tuệ nhân tạo cũng đã được ứng dụng để hỗ trợ thẩm phán nâng cao hiệu quả giải quyết công việc. Năm 2023, thế giới choáng ngợp rồi chuyển sang hào hứng với ChatGPT bởi những gì mà hệ thống trí tuệ nhân tạo này làm được. Tuy nhiên, với các thẩm phán tham gia tiến trình chuyển đổi số, ngay từ đầu năm 2022, họ đã có một trợ lý ảo ứng dụng AI do kỹ sư Viettel xây dựng.
Trợ lý ảo của ngành Tòa án đang giúp việc đắc lực cho các Thẩm phán (Ảnh: Lê Vân) |
Trợ lý ảo này có thể đáp ứng nhiệm vụ hỏi đáp về các nội dung văn bản pháp luật, án lệ, công bố bản án hay hướng dẫn giải đáp pháp luật và các tình huống khẩn cấp. Hệ thống còn tự động tìm các bản án tương tự hay lập kế hoạch giải quyết vụ án. Đúng với vai trò của một trợ lý, trợ lý ảo có thể hỗ trợ thẩm phán quản trị công việc, đưa ra các cảnh báo, thông báo, nhắc việc cần làm để đảm bảo thời hạn tố tụng giải quyết các vụ việc được phân công hay tậm chí tạo ra các văn bản mẫu…
“Trợ lý ảo giúp giảm 30% khối lượng công việc hành chính so với thao tác truyền thống. Chỉ riêng chức năng hỗ trợ Thẩm phán mã hóa bản án, quyết định và đăng tải công khai theo quy định đã giúp rút ngắn thời gian thực hiện từ 1-2 tiếng xuống còn vài giây”, bà Nguyễn Ngọc Mai, Phó Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Bình Dương, chia sẻ về những hiệu quả của trợ lý ảo trong công việc thực tế.
Theo thống kê từ Toà án Nhân dân Tối cao, trợ lý ảo đã được tích hợp 168.242 văn bản pháp luật; 24.080 câu hỏi giải đáp tình huống pháp lý; 1.420.379 bản án, 18.436 câu hỏi giải đáp tình huống được các thẩm phán đóng góp đã được phê duyệt; 24.347 chủ đề trao đổi về các tình huống pháp lý.
Trợ lý ảo tư pháp cũng đã có 14.936 tài khoản thuộc sở hữu của các cán bộ công chức có chức danh tư pháp; 5.780.190 lượt hỏi đáp (trung bình 10.000 - 15.000 lượt/ngày); và 500 lượt sử dụng tính năng mã hoá bản án mỗi ngày.
Để người dân thực sự là trung tâm
Trước đây, mỗi khi có nhu cầu trích sao bản án, ông Hưng cũng như người dân ở bán đảo Hải Minh, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phải tới tận toà án để làm thủ tục với nhiều lần đi lại. Giờ đây, với dịch vụ cấp sao bản án trực tuyến của Toà án, ông Hưng chỉ cần ngồi ở nhà và thực hiện thao tác xin cấp sao trực tuyến. Khi được phê duyệt, ông có thể tới nhận hoặc được nhân viên bưu điện gửi tới tận nhà.
“Ngày trước, mỗi lần xin cấp sao bản án tôi phải bỏ công bỏ việc, đi lại rất mất công vì cách trở giữa đảo và đất liền. Bây giờ, mọi thứ được thực hiện nhanh gọn lắm. Tôi chỉ cần đăng ký qua điện thoại là có thể nhận được bản sao”, ông Hưng chia sẻ.
Lợi ích mà những người dân như ông Hưng được hưởng xuất phát từ thay đổi của ngành tòa án trong việc cung cấp các dịch vụ tư pháp công theo hướng số hóa. Các dịch vụ này được xây dựng theo phương châm lấy người dân làm trung tâm để phát triển.
Ngoài ra, người dân cũng có thể gửi, nhận đơn tư pháp, tài liệu, chứng cứ và thực hiện cấp, tống đạt, thông báo văn bản của toà án thông qua phương tiện điện tử. Việc nộp án phí, lệ phí, tiền phạt cũng có thể diễn ra theo hình thức trực tuyến, giúp tiết kiện thời gian và công sức…
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, bài học chuyển đổi số thành công của ngành Toà án một lần nữa chứng minh năng lực của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
“Việt Nam chúng ta có nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc, có đủ năng lực để giúp các bộ, ngành và địa phương chuyển đổi số thành công. Chỉ cần các bộ, ngành, địa phương biết mình muốn gì, cung cấp chuyên môn và dữ liệu thì doanh nghiệp công nghệ số sẽ giúp chuyển đổi số thành công. Ngoài ra, những lĩnh vực mà Nhà nước khó đầu tư thì có thể để doanh nghiệp đầu tư sau đó thuê lại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.