Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyển đổi số mang đến các hình thức du lịch mới cho di sản

Thứ Tư, 21/12/2022 16:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu, hướng đi đúng đắn, hiệu quả giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng như mang đến các hình thức du lịch mới.

Chuyển đổi số đang là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Riêng ở lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản. Đây chính là cầu nối đưa các di tích, di sản đến gần hơn với cộng đồng, đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Theo số liệu từ Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 14 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, cùng 123 di tích quốc gia đặc biệt, 3.591 di tích quốc gia, 417 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và hơn 4 triệu hiện vật đã đăng ký kiểm kê tại 187 bảo tàng trên cả nước. Cùng với đó là gần 300 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, bao gồm các lễ hội truyền thống, di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, tiếng nói, chữ viết và ngữ văn dân gian. Ðây chính là tiềm năng di sản rất lớn mà nếu được số hóa đồng bộ sẽ mở rộng không gian tương tác của di sản, gia tăng hiệu quả bảo tồn, khai thác bền vững giá trị di sản, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, du lịch…

Giao diện không gian ảo quảng bá du lịch Thừa Thiên - Huế (Ảnh chụp màn hình) 

Trong Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Trong đó, mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2030: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, đến nay, hơn 90% số tỉnh/thành phố đã được trang bị cơ bản về hạ tầng cơ sở, gồm: phòng làm việc, máy tính, đường truyền internet, các ổ sao lưu, một số tỉnh còn được trang bị máy chủ (Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh…).

Nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số di sản, nhiều địa phương, đơn vị sở hữu di sản bước đầu có những nỗ lực trong tiếp cận các thành quả công nghệ mới để tạo ra giá trị gia tăng cho di sản. Tiêu biểu như: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành. Tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn xây dựng sản phẩm du lịch trực tuyến thông qua hệ thống thế giới ảo Metaverse. Đây là hệ thống dựa trên 3 nền tảng công nghệ gồm không gian trải nghiệm bằng VR360, Metaverse spy và Map 3D... Thanh Hóa cũng áp dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường trên ứng dụng điện thoại thông minh để tái hiện sinh động Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thành nhà Hồ… Tại Hà Nội, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội đã xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ hấp dẫn với những người yêu di sản mà với rất nhiều du khách muốn khám phá Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Hà Nội về đêm. Đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, du khách có dịp tiếp cận hệ thống Bảo tàng ảo/trưng bày ảo 3D. Đây là phương thức tiếp cận công chúng thông qua việc số hóa, ứng dụng công nghệ, sáng tạo các hình thức trải nghiệm… Những thành tựu bước đầu này đang tạo cơ sở cho việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn di tích.

Tuy vậy, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản vẫn còn nhiều khó khăn như xây dựng kho dữ liệu chưa thường xuyên, liên tục và bền vững; chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng được nhu cầu phát triển. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa mới chỉ dừng ở mức tiếp cận ban đầu như số hóa các dữ liệu, tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin, bản chụp hình ảnh, một số công trình di tích, cổ vật, bảo vật đã được số hóa, quét hình ảnh 3D nhưng rất ít, mới chỉ mang tính thử nghiệm, chưa có mô hình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực văn hóa di sản. Phần mềm dùng chung có hạn chế chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, quản lý và khai thác riêng, chưa có liên kết và phân cấp quản lý, khai thác.

Màn trình diễn 3D mapping tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. (Ảnh: cand.com.vn)

Nguyên nhân của vấn đề trên là do nguồn nhân lực còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn lực đầu tư quá ít, không đảm bảo sự đồng bộ. Ngoài ra, sự tham gia của các tổ chức, cá nhân liên quan chưa chặt chẽ, thiếu quy chế liên kết triển khai hiệu quả.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, hướng tới mục tiêu hình thành bản đồ di sản số, cần sớm có cơ chế, chính sách và quy định liên quan về định mức tài chính để các địa phương, đơn vị có thể từng bước chủ động thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, cần xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số, về ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin; ban hành các quy định chuẩn hóa hệ dữ liệu hiện vật để các đơn vị có thể thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin một cách thuận lợi, hiệu quả; đồng thời xây dựng cơ chế khai thác và sử dụng thông tin đối với các đơn vị quản lý di sản văn hóa.

Cùng với đó là đầu tư phát triển nguồn lực con người. Bên cạnh đội ngũ có trình độ chuyên môn về khảo cổ, lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cần đào tạo một đội ngũ nhân lực công nghệ riêng, có khả năng nắm bắt, thực hành các thành tựu, xu hướng mới của công nghệ. Đặc biệt cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ./.

H.N

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN