Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chung tay giải quyết “bài toán” đổi mới sáng tạo, nâng cao thương hiệu doanh nghiệp

Thứ Sáu, 07/06/2024 10:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng EPU nêu rõ: Hội nghị là cơ hội để các bên kết nối, tạo ra những ý tưởng mới, và đưa ra những giải pháp đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững.

Quang cảnh Hội nghị. 

Sáng 7/6 tại Hà Nội, Trường Đại học Điện lực  (EPU) tổ chức Hội nghị kết nối trình bày giải pháp cho các bài toán đặt hàng của doanh nghiệp năm 2024.

Hội nghị kết nối trình bày giải pháp cho các bài toán đặt hàng của doanh nghiệp năm 2024 là hoạt động nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao năng lực của cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu về đào tạo, truyền thông, cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Dự sự kiện có TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, PGS.TS Vũ Đình Ngọ, Chủ tịch Hội đồng EPU, PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng EPU cùng các chuyên gia, cán bộ giảng viên của EPU và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, xây dựng đặt hàng với EPU nhằm tìm kiếm giải pháp trong quá trình sản xuất và phát triển của doanh nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết: Vừa qua nhà trường đã tổ chức thành công “Hội nghị đặt hàng giải quyết các bài toán thực tiễn của Doanh nghiệp năm 2024”. Tại Hội nghị này, EPU và các đại biểu đã được lắng nghe các doanh nghiệp đặt hàng những bài toán điển hình để cùng nhau trao đổi, thảo luận và cùng nhau tháo gỡ những vấn đề vướng mắc còn tồn tại trong các doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Văn Châu nêu rõ: “Hội nghị kết nối trình bày giải pháp cho các bài toán đặt hàng của doanh nghiệp năm 2024” có ý nghĩa rất quan trọng đối với đội ngũ làm công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường. Đây không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức mà còn là nền tảng để xây dựng mối quan hệ, tạo ấn tượng mạnh mẽ về thương hiệu và thúc đẩy sự đổi mới. Đồng thời, là cơ hội để các bên kết nối, tạo ra những ý tưởng mới, và đưa ra những giải pháp đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững.

Để đáp ứng yêu cầu lan toả các giá trị, gia tăng tính bền vững cho việc đào tạo đội ngũ giảng viên, cố vấn viên/huấn luyện viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Điện lực liên tục bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, luôn chú trọng tạo cơ hội, môi trường cho các cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp được tăng cường cọ xát thực tế, nắm bắt nhu cầu đa dạng của các nhà khởi sự doanh nghiệp tiềm năng, cải tiến chương trình và phương pháp đào tạo linh hoạt và đáp ứng nhu cầu của người học.

PGS.TS Đinh Văn Châu phát biểu tại hội nghị. 

Thông qua sự kiện lần này, Trường Đại học Điện lực mong muốn tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân lực làm công tác khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao các hoạt động, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thông qua việc trao đổi, giải đáp các bài toán thực tiễn còn tồn tại tại các doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Văn Châu chia sẻ: Hoạt động này sẽ là tiền đề để Trường Đại học Điện lực duy trì tổ chức các Hội nghị kết nối hợp tác doanh nghiệp thường niên của Nhà trường, nhằm tạo nguồn doanh nhân khởi nghiệp trẻ có tư duy mới, sáng tạo, bản lĩnh và được trang bị, bồi dưỡng đầy đủ kiến thức, kỹ năng quản trị kinh doanh hiện đại nhằm nâng cao chất lượng các dự án khởi nghiệp sáng tạo.

Cũng theo PGS.TS Đinh Văn Châu, hiện EPU có mạng lưới gần 250 doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, đây là nguồn lực quan trọng đồng hành cùng với EPU trong quá trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia đánh giá cao ý tưởng của EPU khi xây dựng nhiệm vụ tham gia vào Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.

 TS. Đàm Quang Thắng phát biểu tại Hội nghị.

TS Đàm Quang Thắng khẳng định, EPU là trường tiên phong có cách tiếp cận mới trong đổi mới sáng tạo. “Cách tiếp cận của nhà trường đơn giản, gần gũi trong sản xuất của doanh nghiệp. Cách tiếp cận trực tiếp này sẽ giúp tối ưu nguồn lực nghiên cứu khoa học của các nhà trường, đối với sinh viên đây cũng là môi trường lý tưởng để sinh viên có thể đưa ra các ý tưởng sáng tạo. Thay vì nghĩ ra các đề tài nghiên cứu, các bạn sinh viên đã có sẵn đề tài từ thực tiễn của doanh nghiệp đặt hàng để từ đó nghiên cứu, tìm giải pháp”- TS Đàm Quang Thắng nêu.

Tại hội nghị các cán bộ, giảng viên của EPU đã trình bày giải pháp theo các bài toán đặt hàng của doanh nghiệp như: Công ty CP Ứng dụng và Phát triển công nghệ thông tin (AIT) với: Phần mềm điều khiển hệ thống điện không nối lưới; Công ty TNHH Giải pháp lưới điện thông minh SES: Xác định công suất điện mặt trời mái nhà tối ưu về kinh tế; Công ty TNHH Cơ khí và Tự động hóa Công nghiệp: Triển khai hệ thống theo dõi giám sát tình hình sử dụng năng lượng tại nhà máy; Công ty Lưới điện Cao thế TP Hà Nội: Ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác kiểm tra lưới cao thế…

Căn cứ các giải pháp được cán bộ, giảng viên EPU trình bày, các doanh nghiệp và chuyên gia đã cùng nhau thảo luận, làm rõ một số vấn đề cũng như thực tiễn mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua thảo luận, trao đổi các giải pháp sẽ tiếp tục được hoàn thiện sao cho giải pháp đó khi sử dụng sẽ mang lại hiệu quả tối ưu cho doanh nghiệp…./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN