Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Chứng nhận chất lượng" cho cái ác?

Thứ Ba, 17/05/2016 17:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Sai phạm tại 11 đơn vị sản xuất được Cục Trồng trọt chỉ định hoạt động chứng nhận chất lượng và thử nghiệm phân bón vừa qua, đang khiến dư luận hết sức bức xúc. Sự việc không chỉ xâm hại đến quyền lợi người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước.

Lực lượng quản lí thị trường kiểm tra chất lượng phân bón. Ảnh minh họa

Chứng nhận tràn lan

Theo Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 trung tâm được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chỉ định hoạt động chứng nhận chất lượng và thử nghiệm phân bón, đã có những sai phạm khá phổ biến như: Những người hành nghề tại những trung tâm này không có kinh nghiệm trong lĩnh vực phân bón; được giao cấp phép chứng nhận hợp quy nhưng lại không có đăng ký trong lĩnh vực hoạt động chứng nhận; phòng thử nghiệm không được chỉ định thử nghiệm đối với lĩnh vực phân bón, không đủ điều kiện và năng lực theo quy định; thậm chí tại Công ty cổ phần Giám định và khử trùng FFC còn không lấy mẫu phân bón để kiểm nghiệm, nhưng vẫn cấp chứng nhận sản phẩm hợp quy…. Đặc biệt, có biểu hiện gian lận trong việc đánh giá chứng nhận hợp quy khi không thực hiện đánh giá theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng lấy kết quả của hoạt động khác để làm hồ sơ hợp quy cho 40 sản phẩm phân bón lưu thông trên thị trường…

Những việc làm nêu trên dẫn đến việc cấp phép bừa, chứng nhận ẩu cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón một cách tràn lan mà chẳng biết những doanh nghiệp sản xuất phân bón sử dụng những giấy chứng nhận này làm gì sau khi được cấp phép.

Điển hình cho những sai phạm trên là: Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón vùng Nam Bộ. Trung tâm này được Bộ Công Thương chỉ định là tổ chức chứng nhận phân bón DAP và phân lân nung chảy, nhưng trong thời gian qua cơ sở này đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 1.274 sản phẩm phân bón vô cơ không phải là phân bón DAP và phân lân nung chảy. Từ khi được Cục Trồng trọt chỉ định là đơn vị được cấp phép sản phẩm phân bón hợp quy, trung tâm này đã chứng nhận hợp quy cho 496 sản phẩm phân bón không nằm trong danh mục phân bón được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghiêm trọng hơn, sau khi cấp giấy hợp quy cho 276 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón xong, trung tâm này không thực hiện việc giám sát nên doanh nghiệp đưa ra thị trường loại phân bón có chất lượng như thế nào, có đảm bảo như cam kết hay không thì chẳng có công cụ kiểm soát. Sau khi thực hiện việc chứng nhận chất lượng sản phẩm, trung tâm này cũng không lưu mẫu nên không có công cụ đối chứng.

Tại Công ty cổ phần Giám định cà phê và hàng hóa XNK (CAFECONTROL), đây là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cà phê, không hề có nhân viên chuyên ngành về phân bón, không có phòng thử nghiệm phân bón, đồng thời cũng không có đăng ký lĩnh vực hoạt động chứng nhận chất lượng cũng như hoạt động thử nghiệm phân bón, và thực tế là đơn vị không hoạt động gì trong lĩnh vực phân bón. Vậy mà, Cục Trồng trọt vẫn ban hành quyết định chỉ định cho đơn vị này được hoạt động chứng nhận chất lượng cho các mặt hàng phân bón.

Tại Công ty cổ phần chứng nhận và giám định Vinacert, đoàn thanh tra phát hiện Vinacert đã đóng dấu chứng nhận hợp quy cho 36 sản phẩm phân bón, nhưng không hề có hồ sơ đánh giá chứng nhận hợp quy cho 36 sản phẩm này. Vinacert còn cấp giấy chứng nhận chất lượng cho 2 sản phẩm phân không nằm trong danh mục phân bón được sản xuất kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

                                       TS. Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: BA

Ai bồi thường, bảo vệ nông dân?

Với việc chứng nhận ẩu, tràn lan chất lượng phân bón, sẽ dẫn đến khả năng nhiều mặt hàng phân bón kém chất lượng được đưa ra thị trường. Người hứng chịu hậu quả, không ai khác chính là nông dân. Họ vốn đã rất khó khăn vất vả, nay lại thêm nguy cơ thiệt hại mùa màng từ phân bón được chứng nhận bừa về chất lượng. Như vậy có thể nói rằng, khó khăn của nông dân một phần được tạo ra từ sự tắc trách của một số "công bộc" trong cơ quan quản lý nhà nước- Cục Trồng trọt.

Trao đổi với phóng viên, TS.Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), cho biết: Cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm định lại những mặt hàng phân bón đã được 11 cơ sở trên kiểm định xem có đúng tiêu chuẩn chất lượng không. Nếu không đúng, chứng tỏ người tiêu dùng đã bị lừa, người tiếp tay cho hành vi lừa chính là 11 đơn vị do Cục Trồng trọt chỉ định và quản lý.

Cơ quan chức năng cũng cần điều tra, xác minh xem có hành vi “bắt tay” giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón và các đơn vị kiểm định, để biến phân bón kém chất lượng thành phân bón đảm bảo chất lượng (qua việc chứng nhận) không? Nếu có thì cần nghiêm khắc xử lý.

Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất ra sản phẩm kém chất lượng chính là người phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng (nông dân). Tuy nhiên, sai phạm hiện nay lại do hành vi chứng nhận ẩu, tràn lan của trung tâm kiểm định. Vậy ai là người phải bồi thường cho nông dân?

Cũng theo TS.Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký VINASTAS, tình trạng chứng nhận ẩu, tràn lan nói trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người dân đối với cơ quan quản lý nhà nước. Và, người bị hại lớn nhất chính là nông dân./.

Bùi An

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN