Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chưa có văn bản quy định phải đổi bằng lái xe máy bản giấy sang thẻ nhựa

Thứ Ba, 10/10/2023 21:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chưa có văn bản quy định phải đổi bằng lái xe máy bản giấy sang thẻ nhựa; Hà Nội: Xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại trường Mầm non; WHO kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để hỗ trợ người dân tại Dải Gaza… là những tin tức đáng chú ý diễn ra ngày 10/10.

Chưa có văn bản quy định phải đổi bằng lái xe máy bản giấy sang thẻ nhựa

Cắt góc bằng lái xe cũ sau khi thu hồi. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/Báo Tin tức 

Chiều 10/10, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, hiện nay chưa có văn bản nào quy định người dân phải đổi bằng lái xe máy bản giấy sang thẻ nhựa (PET).

Trước thông tin bắt buộc người sử dụng phương tiện xe mô tô (xe máy) phải đổi giấy phép lái xe, từ thể giấy sang thẻ nhựa (PET), lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, hiện nay chưa có văn bản nào quy định người dân phải đổi bằng lái xe máy bản giấy sang thẻ nhựa (PET). Việc đổi này đang được Bộ Công an đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Hiện tại Luật chưa được thông qua nên quy định đổi bằng cũng chưa có hiệu lực.

“Trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng nêu rõ giao Chính phủ quy định lộ trình, phương thức đổi và các chính sách liên quan. Những điều này chỉ được thực hiện khi Luật được ban hành với những thông tư, nghị định hướng dẫn có hiệu lực thực hiện”, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Cũng theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, khi Luật được ban hành sẽ có những văn bản hướng dẫn; trong đó có thể cân nhắc cách thức thực hiện như: Đổi hay chỉ cần người dân đến khai thông tin sau đó cập nhật trên hệ thống VNeID.

Trước tình trạng người dân ồ ạt đi đổi giấy phép lái xe ở TP Hồ Chí Minh những ngày vừa qua, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam khuyến cáo chủ phương tiện cần phải hiển thị thông tin trên tài khoản VNeID có thể đi đổi ngay, trong trường hợp chưa cần thiết thì chờ Luật ban hành.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), giấy phép lái xe được cấp trước tháng 7/2012 là dạng giấy bìa, còn sau thời điểm trên là dạng PET. Giấy phép lái xe đổi sang dạng PET được cập nhật trong hệ thống của Cục Đường bộ Việt Nam. Hệ thống này sẽ là dữ liệu để tích hợp vào định danh điện tử VNeID. Việc đổi sang giấy phép lái xe mới sẽ theo lộ trình do Chính phủ quy định.

Tại Điều 81 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu: "Giấy phép lái xe không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 phải được đổi sang giấy phép lái xe mới theo lộ trình do Chính phủ quy định". Hiện nay, giấy phép lái xe vật liệu PET đã được tích hợp vào VNeID để liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý 55,6 triệu giấy phép lái xe ô tô và xe máy. Trong đó, có khoảng 23,6 triệu giấy phép lái x ô tô, xe máy chưa thể tích hợp trên VNeID do không đồng bộ dữ liệu cư dân. Nếu dự thảo Luật được thông qua thì khoảng 22 triệu giấy phép lái xe sẽ phải làm thủ tục đổi mới.

Hà Nội: Xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại trường Mầm non

Bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám, theo dõi sức khỏe cho một trẻ mắc bệnh tay chân miệng. (Ảnh: T.G/Vietnam+) 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trên địa bàn thành phố xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại trường Mầm non. Riêng số ca mắc tay chân miệng trong tuần đầu tiên của tháng 10/2023 tăng gấp đôi so với cuối tháng 9 và tăng hơn 3,5 lần so với cuối tháng 8. Riêng 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tăng lên khoảng 140 ca/tuần, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng ghi nhận từ đầu năm đến nay lên 2.063 ca mắc (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong.

Các quận, huyện ghi nhận nhiều ca mắc như Sóc Sơn, Cầu Giấy, Hoài Đức, Hà Đông… Hiện nay đang giai đoạn thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học sau thời gian nghỉ hè khiến số ca tay chân miệng gia tăng. Đặc biệt trên địa bàn ghi nhận ổ dịch tại các trường Mầm non, mẫu giáo. Dự báo, trong các tuần tới, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội khuyến cáo, để phòng, chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường Mầm non, Tiểu học cần tăng cường vệ sinh lớp học, đồ chơi, khăn mặt của học sinh... Đồng thời, hướng dẫn giáo viên biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng như: Rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn…

Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng sốt, đau họng, nổi bọng nước tập trung ở tay, chân, miệng. Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể tử vong nếu không can thiệp kịp thời. Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nhằm hạn chế lây lan…

WHO kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để hỗ trợ người dân tại Dải Gaza

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 7/10. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Ngày 10/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi thiết lập hành lang nhân đạo để ra vào Dải Gaza trong bối cảnh xung đột leo thang tại khu vực này.

Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn của WHO Tarik Jasarevic nêu rõ WHO kêu gọi chấm dứt bạo lực và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một hành lang nhân đạo để giúp người dân tại Dải Gaza tiếp cận y tế thiết yếu.

Theo người phát ngôn, WHO đã ghi nhận 13 vụ tấn công vào các cơ sở y tế tại Dải Gaza kể từ cuối tuần qua và số vật tư y tế tại đây đã được sử dụng hết.

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk cho rằng việc Israel bao vây Dải Gaza khiến người dân ở vùng lãnh thổ này không tiếp cận được nhu yếu phẩm là hành vi bị cấm theo luật quốc tế.

Trong tuyên bố, Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền kêu gọi các bên giảm căng thẳng, đồng thời nhấn mạnh theo luật nhân đạo quốc tế, các bên xung đột có nghĩa vụ phải tránh các mục tiêu dân thường. Ông nêu rõ bất kỳ hành vi nào hạn chế người đi lại và hàng hóa lưu thông  trong việc thực hiện lệnh bao vây đều phải có lý do chính đáng về quân sự, nếu không sẽ phải đối mặt với biện pháp trừng phạt tập thể.

Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính gần 200.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza kể từ khi xung đột nổ ra giữa lực lượng Hamas và Israel. Họ đang đối mặt với tình trạng thiếu nước và thiếu điện do lệnh phong tỏa.

Người phát ngôn của OCHA Jens Laerke cho biết số người rời bỏ nhà cửa tại Dải Gaza đã lên tới hơn 187.500 người, trong đó phần lớn đang tạm trú tại các trường học. Ông cảnh báo con số này sẽ còn tăng do xung đột vẫn đang tiếp diễn.

Theo thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaza, ít nhất 770 người Palestine đã thiệt mạng và 4.000 người bị thương trong các cuộc không kích của Israel vào vùng lãnh thổ này kể từ ngày 7/10 vừa qua. Trong khi đó, tại khu Bờ Tây bị chiếm đóng có 18 người thiệt mạng và 100 người bị thương…/.

PC (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN