Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương: Thực hiện nghiêm công tác bảo vệ khu vực đê trọng yếu

Thứ Sáu, 12/08/2022 21:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSV) - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng yêu cầu thực hiện nghiêm công tác bảo vệ khu vực đê trọng yếu trong mùa mưa bão; xử lý nghiêm hành vi vi phạm điều, bảo đảm hành lang thoát lũ thông thoáng; chủ động các phương án “4 tại chỗ”…

 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng kiểm tra điểm sạt kè Thanh Hải ở xã Thanh Hải (Thanh Hà).

Chiều 12/8, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiểm tra một số trọng điểm đê điều và công trình cải tạo, nâng cấp đê bằng nguồn xã hội hóa ở các huyện Thanh Hà, Tứ Kỳ. Cùng đi có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Trần Văn Quân, Nguyễn Minh Hùng và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.   

Đoàn đã đi kiểm tra kè Thanh Hải đoạn K39+850 đến K40+563, thuộc xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà chưa được tu bổ, đang tiếp tục có diễn biến hư hỏng, nguy cơ mất an toàn công trình đê điều. Đoạn kè có chiều dài 713m, khoảng cách từ chân đê đến mép bờ sông từ 12,5m đến 55m. Đây là địa điểm đã được xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa lũ năm 2022.

Đoàn cũng kiểm tra kè Thanh Kỳ tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ. Kè có tổng chiều dài 657m và được đầu tư xây dựng, tu bổ nhiều lần. Tuy nhiên, vào ngày 26/3/2022, tại vị trí từ K45+125 đến K45+145 đã xảy ra sự cố sạt lở với chiều dài 20m, cung sạt lấn sâu vào mái kè 3,4m. Điểm gần nhất của cung sạt chỉ cách chân đê phía sau 10m. Ngày 29/3, kè tiếp tục diễn biến sạt lở, lấn sâu vào 1,45m sát đến đỉnh kè và toàn bộ mái kè. Đỉnh kè đoạn từ K45+125 đến K45+145 đã bị sạt tụt. Trước tình hình sạt lở, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định xử lý cấp bách. Đến thời điểm hiện tại, Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đang trình Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật để triển khai xây dựng. 

Sau khi kiểm tra thực tế các kè là trọng điểm phòng chống lụt bão năm 2022 và 2 vị trí đắp, mở rộng mặt đê hữu sông Thái Bình sử dụng nguồn xã hội hóa, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng đánh giá cao sự chủ động của các cấp, các ngành trong việc xây dựng phương án bảo vệ các điểm xung yếu và tu bổ đê điều.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng kiểm tra thực tế điểm sạt kè Thanh Kỳ (Tứ Kỳ). 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để sẵn sàng triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm trong trường hợp cấp bách. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm điều, bảo đảm hành lang thoát lũ thông thoáng, tuyệt đối không để phát sinh sự cố khi xảy ra mưa lớn, bão lũ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động ngoài bãi sông chấp hành nghiêm các quy định về đê điều. Thời gian tới, tỉnh sẽ kiểm tra toàn diện hoạt động bến bãi tại các địa phương, trên cơ sở đánh giá thực trạng để đưa ra biện pháp quản lý phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm an toàn đê điều. Các cấp, các ngành không được chủ quan trước tình trạng khai thác cát trái phép.

Đối với việc xử lý bằng biện pháp công trình để xóa các trọng điểm đê điều, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải vào cuộc khẩn trương nhưng vẫn bảo đảm đúng trình tự, quy trình. UBND tỉnh sẽ xem xét việc đầu tư các công trình theo thứ tự ưu tiên, những vị trí xung yếu, cấp bách được lựa chọn triển khai trước.

Các giải pháp phòng chống thiên tai được các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và huyện chỉ đạo theo phương châm "4 tại chỗ". 

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng hoan nghênh việc xã hội hóa để nâng cấp, cải tạo các tuyến đê để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai và phục vụ đời sống dân sinh. Các công trình xã hội hóa đê điều trước mắt cần tập trung vào việc mở rộng mặt đê, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Từ đó nghiên cứu để hình thành trục phát triển kinh tế ven sông trên cơ sở bảo đảm các quy định về đê điều và phòng chống thiên tai. UBND tỉnh khuyến khích các địa phương vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp xây dựng công trình đê điều. Tuy nhiên, cần xây dựng cơ chế xã hội hóa phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trên tinh thần tôn trọng pháp luật./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN