Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền Thể dục Thể thao Việt Nam

Thứ Tư, 05/10/2022 15:20 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 27/3/1946, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã viết bài Thể dục và sức khỏe, qua đó kêu gọi toàn dân tập thể dục, đăng trên báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh (1). Người nhấn mạnh: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công.

Bác Hồ chơi bi-a với bác sỹ Nhữ Thế Bảo (ảnh: bqllang.gov.vn) 

Bác đặt vấn đề và nêu rõ vị trí của Thể dục thể thao trong đời sống xã hội: “Mỗi một người dân yếu ớt tức làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. Bác khẳng định: “Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Bác chỉ dẫn: “Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”.

Bác Hồ là người sáng lập nền thể dục thể thao cách mạng Việt Nam. Có thể các tài liệu, tư liệu “Bác Hồ nói về Thể dục thể thao” tập hợp chưa được thật đầy đủ, nhưng với các bài viết, một số phát biểu của Người trong các cuộc đến thăm đồng bào các tỉnh, bà con xã viên hợp tác xã nông nghiệp, công nhân các nhà máy, công trường, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, bộ đội, dân quân tự vệ, học sinh, sinh viên, các đoàn vận động viên từ năm 1946 đến tháng 9/1969 trước ngày Người đi xa... đã cho thấy sự quan tâm của Bác với công tác thể dục thể thao và vai trò của nó trong lao động, công tác, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Sau lời kêu gọi tập thể dục ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn viết “Thư gửi Hội nghị Cán bộ thể dục thể thao toàn miền Bắc” vào tháng 3/1960, Thư gửi Đại hội Thể thao Lực lượng mới trỗi dậy (GANEFO Jakarta Indonesia 1963). Trước đó, Bác đến thăm trường Trung cấp Thể dục thể thao Trung ương ngày 14/12/1961, tiếp đón đoàn thể thao quốc gia (miền Bắc) thi đấu thắng lợi ở Đại hội Thể thao châu Á lần thứ nhất (GANEFO Phnom Penh tháng 11) tại Phủ Chủ tịch ngày 19/12/1966. Trong các tác phẩm viết về Bác Hồ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước ta, những thước phim tư liệu, tấm ảnh của các nhà báo cũng đã ghi lại những hoạt động thể dục thể thao của Bác, phần nào nói lên sự quan tâm đặc biệt của Người với công tác Thể dục thể thao nước nhà.

Bác từng căn dặn: “Muốn lao động sản xuất tốt, công tác và học tập tốt thì cần có sức khỏe. Muốn giữ gìn sức khỏe thì nên thường xuyên tập thể dục thể thao”. Lớp huấn thị của Bác được truyền đi trong những ngày đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, thời kỳ sản xuất xây dựng rất khẩn trương, cả nước nỗ lực xây dựng củng cố quốc phòng, hồ hởi học tập văn hóa tiến vào khoa học kỹ thuật đang là một đòi hỏi cấp bách mà sức khỏe của nhân dân là mối quan tâm lớn của Bác hồi bấy giờ.

 Ảnh Báo Thừa Thiên Huế

Tết Tân Tỵ (1941), sau gần 30 năm xa Tổ quốc, Bác về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong Chương trình Việt Minh, Bác viết: “Khuyến khích và giúp đỡ nền thể dục quốc dân, làm cho nòi giống ngày thêm mạnh” và “Trẻ em được chính phủ đặc biệt săn sóc về thể dục, trí dục và đức dục” (2). 14 năm sau, khi hòa bình năm 1954, tại hội nghị sản xuất tháng 7/1955 Bác dạy: “Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng, chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và chính phủ có lỗi. Vì vậy cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân”.

Bài nói chuyện của Bác tại Hội nghị cán bộ Công đoàn tháng 3/1959, Bác dạy: “Chúng ta phải quý trọng con người”. Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III đã nói: “Con người là vốn quý nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của con người là mục tiêu cao quý của các ngành y tế và thể dục thể thao (Văn kiện Đại hội Đảng tập I, tr 77, Nxb Sự thật).

Tháng 1/1946, tức là 4 tháng sau khi nắm chính quyền, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác ký Sắc lệnh số 14/SL ngày 30/1/1946 về công tác thể dục thể thao với mục đích: “Xét vấn đề thể dục rất cần để tăng cường sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống (Sự nghiệp TDTT của Đảng và Nhà nước tr.24, Nxb Y học và TDTT). Sắc lệnh 14/SL xác định trách nhiệm của Nhà nước ta và các ngành liên quan đối với công tác TDTT, cụ thể là các bộ: Nội vụ, Y tế, Thanh niên, Tài chính, Giáo dục. Các ngành phải giúp đỡ Hội đồng chính phủ nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục thể thao trong toàn quốc.

Bác nhấn mạnh: “Luyện tập thể dục bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước”. Lời dạy của Người vô cùng thiêng liêng vì đó là Lời kêu gọi của non sông đất nước, kêu gọi lòng yêu nước, trách nhiệm với đất nước của mỗi người dân đất Việt. Bác đã chỉ cho chúng ta khái niệm rất mới về hoạt động thể dục thể thao. Theo Bác, Thể dục thể thao không chỉ là giải trí đơn thuần, không phải dành riêng cho một ai mà là của tất cả mọi người. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và công tác thể dục thể thao, “cũng là một công tác trong những công tác cách mạng” (Thư gửi Hội nghị Cán bộ TDTT toàn miền Bắc ngày 31/3/1960). Bác muốn truyền cảm hứng là người dân yêu nước thì phải cố gắng tập thể dục, bồi bổ sức khỏe. Hay nói cách khác: Tập luyện thể dục thể thao bồi bổ sức khỏe là một việc ích nước lợi dân. Dân cường thì quốc mới thịnh.

Bác Hồ cũng là người công dân số 1 gương mẫu tập luyện thể dục bồi bổ sức khỏe từ thời thanh niên cho đến những năm tháng bôn ba xứ người. Người thường xuyên tập luyện thể dục, tập võ dân tộc, bơi lội, đi bộ, leo núi... Bác là tấm gương sáng trong tập luyện giữ sức khỏe.

“Tự tôi ngày nào tôi cũng tập”, đó không chỉ là sự khẳng định của Bác về bản thân, mà còn là lời hiệu triệu cho những người con đất Việt.

(1) - Báo Cứu quốc số 199 ra ngày 27/3/1946.

(2) - Chương trình Việt Minh tháng 10/1941- Bản in lito Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội). Văn kiện Đảng toàn tập. Tập 7, Tr.466-471.

Vũ Hòa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN