Chủ tịch ECB cảnh báo còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát
(ĐCSVN) - Ngày 21/11, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde khẳng định, hiện tại chưa đến lúc để tuyên bố đã chiến thắng lạm phát, đồng thời cảnh báo các nhà hoạch định chính sách có thể lại phải hành động cho đến khi lạm phát quay trở lại mức mục tiêu 2%.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde. (Ảnh: Bloomberg) |
Phát biểu tại một sự kiện ở Đức, Chủ tịch ECB Christine Lagarde thừa nhận, lạm phát đã "giảm đáng kể". Tuy nhiên, ECB vẫn "cảnh giác" và dự đoán lạm phát có thể tăng trở lại trong những tháng tới. Khi đó, ECB có thể lại phải hành động nếu nhận thấy có nguy cơ không đạt được mục tiêu lạm phát.
Bà Lagarde cho biết, trong khi các cú sốc về năng lượng và chuỗi cung ứng thúc đẩy giá cả hiện đang giảm bớt, thị trường lao động vẫn đang điều chỉnh và tiền lương đang tăng lên.
“Chúng tôi đã phải đối mặt với một cú sốc lạm phát lớn và chúng tôi đã thực hiện một sự điều chỉnh chính sách lớn để ứng phó. Tác động của sự điều chỉnh đó ngày càng được cảm nhận rõ ràng và áp lực lạm phát đang giảm bớt”, bà Christine Lagarde nói.
Chủ tịch ECB nhắc lại rằng lãi suất cao "được duy trì trong thời gian đủ dài sẽ góp phần đáng kể trong việc đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu trung hạn một cách đúng lúc". Tuy nhiên, quá trình này đến nay vẫn chưa kết thúc.
Ngày 26/10 vừa qua, ECB đã quyết định duy trì mức lãi suất cơ bản hiện tại, chấm dứt chuỗi 10 lần tăng liên tiếp để kiểm soát giá tiêu dùng tăng nhanh.
Với quyết định này, lãi suất tiền gửi của ECB vẫn ở mức cao kỷ lục 4% trong khi lãi suất cơ bản ở mức 4,5%. ECB đã nâng lãi suất tổng cộng 4,5% kể từ tháng 7/2022 để chống lại sự tăng giá quá nhanh. Tuy nhiên, Ngân hàng này cho biết sẽ tạm dừng khi chi phí đi vay cao kỷ lục đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Tháng 10 vừa qua, tỷ lệ lạm phát Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống mức 2,9%. Tuy nhiên, thị trường dự báo, lạm phát có thể sẽ tăng trở lại trong những tháng tới do sự biến động của giá năng lượng trên thị trường. Bên cạnh đó, tiền lương cũng được coi là rủi ro chính có thể khiến áp lực giá tăng cao khi thị trường lao động vẫn kiên cường trước sự yếu kém của nền kinh tế nói chung.
“Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ tăng nhẹ trở lại trong những tháng tới, chủ yếu do một số tác động cơ bản. Điều này phản ánh sự sụt giảm đáng kể về chi phí năng lượng được quan sát vào đầu năm ngoái và sự đảo ngược của một số biện pháp tài chính đã được đưa ra để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng”, bà Christine Lagarde cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì “kỷ luật chính sách tài khóa” để giúp giảm lạm phát. Ông ca ngợi sự tập trung của ECB vào việc giảm áp lực giá cả khi nhắc lại “tác động tai hại” của siêu lạm phát ở Đức vào những năm 1920 khi thu nhập của nhiều người “không đủ tiền mua bánh mỳ”./.