Chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khu vực các tỉnh Tây Nguyên
(ĐCSVN) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh, nhất là các khu vực đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian vừa qua.
Chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực các tỉnh Tây Nguyên (Ảnh minh họa: B.T) |
Ngày 18/8/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công văn số 315/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh Tây nguyên về việc ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất khu vực các tỉnh Tây Nguyên.
Theo bản tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 19/8 đến 21/8/2023, khu vực Tây Nguyên có thể có mưa to, có nơi mưa rất to trên 150mm, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhất là các khu vực đã xảy ra mưa lớn thời gian vừa qua, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Tây Nguyên theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh, nhất là các khu vực đã xảy ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất trong thời gian vừa qua.
Khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến mưa lớn đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.