Chủ động ứng phó với diễn biến bất thường của thiên tai
Năm 2017, nhiều kinh nghiệm phòng, chống và khắc phục sự cố sau thiên tai đã được các đơn vị triển khai hiệu quả. Trước mùa mưa bão năm nay, PV có cuộc trao đổi với ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về công tác này.
PV: Xin ông cho biết kinh nghiệm và những bài học nào của EVN trong ứng phó thiên tai 2017 được áp dụng cho năm 2018?
Ông Ngô Sơn Hải: Năm 2017, tình hình thời tiết diễn biễn phức tạp bất thường, đã có 16 cơn bão và nhiều áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề đến lưới điện các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Tuy nhiên, công tác PCTT & TKCN của các đơn vị trong Tập đoàn đã được tập trung chỉ đạo, điều hành với tinh thần chủ động tích cực nhất, nên đã góp phần giảm thiệt hại, khắc phục nhanh sự cố, đảm bảo an toàn trong công tác khắc phục. Một số kinh nghiệm áp dụng cho năm 2018 là:
Sự bất thường, khó đoán, cực đoan của thời tiết không theo quy luật ngày càng nhiều. Điều này cho thấy càng phải chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của thời tiết, khí hậu, không được chủ quan. Việc quán triệt thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai là đặc biệt quan trọng. Để khôi phục cung cấp điện khi lưới điện bị thiệt hại nặng trên phạm vi rộng, các đơn vị phải tập trung lực lượng xử lý khắc phục theo trình tự, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, cần ưu tiên cung cấp điện trở lại an toàn và nhanh nhất cho cơ quan chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, cơ sở y tế, cung cấp nước sạch, viễn thông, phát thanh, truyền hình…
Ngoài vật tư, thiết bị dự phòng của nội bộ từng đơn vị, phải tính đến việc huy động vật tư, thiết bị của các đơn vị khác ngoài EVN (có sự thoả thuận nguyên tắc trước mùa mưa bão). Phải có phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ điều hành hệ thống điện trong tình huống lưới điện bị mất, kể cả trong tình huống cực đoan khi siêu bão đổ bộ.
Công tác chỉ huy điều hành, ứng phó trong PCTT phải cụ thể, quyết liệt, sát với tình hình diễn biễn từng cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Sau khi cơn bão lớn, siêu bão đổ bộ, các đơn vị thuộc EVN cần đánh giá, xác định nhanh sự ảnh hưởng, từ đó, đưa ra các giải pháp khắc phục kịp thời…
PV: Ông đánh giá như thế nào về đội xung kích PCTT&TKCN của các đơn vị trong việc hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai?
Ông Ngô Sơn Hải: Năm 2017, bão số 10 gây thiệt hại nặng nề cho lưới điện tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã huy động lực lượng xung kích từ 7 đơn vị kết hợp với lực lượng tại chỗ của Công ty Điện lực Quảng Bình và các đơn vị thi công xây lắp tại địa phương lên đến hơn một nghìn người và 130 phương tiện các loại. Đợt khắc phục bão số 12, EVNCPC đã huy động 21 đội xung kích cùng máy móc, dụng cụ thi công, vật tư thiết bị lớn nhất từ trước đến nay với 1.230 người cùng 139 phương tiện xe, máy các loại từ 11 Công ty Điện lực thành viên để sớm khôi phục lưới điện bị thiệt hại.
Việc huy động tổng lực các lực lượng từ các đơn vị trong Tổng công ty và Tập đoàn đến hỗ trợ khắc phục thiệt hại lớn do thiên tai tại một khu vực là một giải pháp cần thiết, quan trọng và có hiệu quả thiết thực cùng với sự chủ động, nỗ lực của đơn vị tại chỗ. Vai trò của Tổng công ty trong việc chỉ huy, điều phối, huy động lực lượng có ý nghĩa quyết định đến việc khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, đặc biệt là trong các tình huống mức độ ảnh hưởng nặng nề trên phạm vi rộng tại địa bàn một tỉnh.
Cách làm này sẽ được duy trì, nhân rộng và nâng cao tính hiệu quả trong năm 2018. Một trong các nội dung chính Chỉ thị của EVN trong việc triển khai công tác PCTT năm 2018 là phải nâng cao mức độ sẵn sàng và tính chuyên nghiệp của các Đội xung kích PCTT tại các đơn vị.
PV: Có ý kiến cho rằng, miền Trung thường xuyên có mưa bão gây thiệt hại lớn đến ngành Điện. Vì vậy, cần ngầm hóa lưới điện khu vực này. Xin ông cho biết quan điểm của EVN về vấn đề này?
Ông Ngô Sơn Hải: Lưới điện của EVN được thiết kế, vận hành đảm bảo hài hòa mọi lợi ích cho nền kinh tế của Việt Nam. Trong thời gian vừa qua, EVN đã từng bước hiện đại hóa lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn liên tục, hiệu quả.
Hàng năm, nhu cầu cải tạo, nâng cấp lưới điện của EVN rất lớn, nhất là lưới điện nông thôn mà EVN tiếp nhận. Để lưới điện của EVN nói chung và lưới điện nông thôn nói riêng ngày càng an toàn và hiệu quả hơn, trong thời gian tới, EVN sẽ bố trí nguồn vốn hợp lí, cải tạo, nâng cấp, đảm bảo vận hành an toàn và tin cậy hơn. EVN cũng sẽ từng bước cải tạo lưới điện ở những khu vực thành phố, thị xã của các tỉnh từ dây dẫn trần sang dây dẫn bọc cách điện, với mục tiêu vận hành an toàn và tin cậy hơn trong mọi tình huống, kể cả khi có mưa bão xảy ra, xem xét hạ ngầm lưới điện tại các khu vực trung tâm thành phố, các địa điểm du lịch...
Tuy nhiên, do việc cải tạo, ngầm hóa lưới điện cần nguồn vốn rất lớn, nên EVN phải cân đối, xem xét, thực hiện từng bước, trước tiên một số phụ tải quan trọng trong khu vực này.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa của các nhà máy thủy điện thời gian qua? Quan điểm chỉ đạo của Tập đoàn với các nhà máy thủy điện trực thuộc trước mùa mưa bão năm nay?
Ông Ngô Sơn Hải: Trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa của các lưu vực sông trong cả nước. Trong đó, đã giao nhiệm vụ cho Trưởng ban chỉ huy PCTT&TKCN của các tỉnh thực hiện công tác chỉ huy vận hành xã lũ các hồ chứa thủy điện. EVN đã chỉ đạo các Công ty Thủy điện luôn tuân thủ các chỉ đạo của BCH PCTT&TKCN địa phương.
Một mặt, EVN cũng chỉ đạo các Công ty Thủy điện chủ động tham mưu cho BCH PCTT&TKCN địa phương thường xuyên và liên tục, trong mùa lũ và trong mùa khô, đảm bảo sử dụng tốt nguồn nước, phục vụ phát triển kinh tế, giảm thiệt hại cho nhân dân hạ du khi có mưa lũ lớn xảy ra, sử dụng hiệu quả nguồn nước trong mùa khô phục vụ trưới tiêu nông nghiệp của địa phương.
Để thực hiện tốt quy trình vận hành liên hồ chứa, EVN đã và đang sử dụng hệ thống tự động đo mực nước tại tất cả các hồ thủy điện phục vụ cho điều tiết xả lũ theo Quy trình. Đồng thời, EVN đang nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc đo mực nước, lượng mưa, dòng chảy... cùng với phần mềm tính toán để đưa ra quy trình vận hành hợp lý các hồ chứa trên các lưu vực sông. Trước mắt triển khai hoàn chỉnh hệ thống quan trắc lưu vực sông Đà, sau đó triển khai sang các lưu vực các sông khác.
PV: Xin cảm ơn ông!