Chủ động sử dụng chính sách tài khóa thúc đẩy động lực tăng trưởng kinh tế
(ĐCSVN) – Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng giai đoạn 2024 - 2025.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến tại hội trường Quốc hội sáng 25/5. (Ảnh: QH) |
Sáng 25/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đến với người dân là điểm sáng
Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát. Đại biểu nêu rõ, đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.
Theo đại biểu Mai Văn Hải, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đã đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường…Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, theo đại biểu quá trình tổ chức thực hiện bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số địa phương chưa áp dụng cơ chế đặc thù trong đầu tư hạ tầng y tế; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn chậm; tiến độ giải ngân một số dự án không bảo đảm theo thời gian của Nghị quyết dù đã được cho phép kéo dài; một số chính sách thực hiện không đạt mục tiêu đề ra. Đến hết năm 2023 còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, chưa phục hồi, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể. Một số chính sách hỗ trợ người dân, người lao động triển khai còn chậm, còn lúng túng.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, mặc dù triển khai quyết liệt, nhưng một số chính sách có kết quả thực hiện thấp, số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy, có 07 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết số 43 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch đề ra. Báo cáo của Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều tồn tại hạn chế, nêu những nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Đại biểu đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43 như Dự thảo trình Quốc hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn
Để Nghị quyết 43 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu đề xuất đến Quốc Hội, Chính Phủ cần nhanh chóng nghiên cứu đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại hạn chế nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát. Ngay sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho địa phương, bộ ngành. Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện biết để tham gia.
Thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế
Theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, trong bối cảnh kinh tế xã hội giai đoạn 2024 - 2025 có vai trò quan trọng để hoàn thành việc phát triển kinh tế xã hội.
Giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội (Nguồn: vtvgo.vn) |
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, chính sách tài khóa cần các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế, cần tiếp tục các chính sách nhằm kích thích tiêu kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu. Trên thực tế việc giảm thuế và phí 2 năm qua nhưng tổng thu ngân sách vẫn hầu như không ảnh hưởng. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đánh giá rất cao vì Quốc hội đã xem xét cho ý kiến Luật Thuế giá trị gia tăng tại Kỳ họp thứ 7 này, đồng thời kiến nghị xem xét chính sách thuế về thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính luôn là hết sức cần thiết. Đặc biệt cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng “no dồn đói góp” trong chi đầu tư, trong đó cần tháo gỡ các quy định ảnh hưởng đến giải ngân chi đầu tư nói chung và chi đầu tư từ nguồn vốn ODA nói riêng. “Có thể xem xét điều chỉnh các khoản đầu tư cho nhà ở xã hội sang hình thức hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp và hỗ trợ xây nhà cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất xem xét mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội”, đại biểu đề xuất.
Cuối cùng, đại biểu kiến nghị để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng giai đoạn 2024 - 2025. Tuy nhiên, theo đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, chính sách tài khóa cần phải được sử dụng chung với các chính sách kinh tế khác và với quá trình cải cách thể chế nói chung, kích thích đầu tư, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể phát huy hiệu quả.
Quan tâm tới chính sách tài khoá, khái quát một số mục tiêu chính của Nghị quyết số 43, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, GDP phải tăng 6,5-7%; nợ công dưới 60% GDP, mức cảnh báo là 55% GDP; tiết giảm chi phí hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân;...
Trong Báo cáo giám sát đã phân tích rất rõ về những mặt tích cực cũng đã chỉ rõ một số hạn chế như tiến độ giải ngân chậm. “Phải phân tích rõ hơn nội dung này, chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên. Nếu chỉ rõ được từng lý do gây ra tiến độ giải ngân chậm thì sẽ đưa ra được giải pháp cụ thể hơn’, đại biểu cho biết./.