Chủ động đảm bảo an toàn giao thông khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu
(ĐCSVN)- Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải tập trung phòng chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị chủ động đảm bảo an toàn giao thông khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu. Ảnh: ITN |
Bộ Giao thông vận tải vừa có công điện gửi các Cục: Đường bộ Việt Nam, Đường cao tốc Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Đường sắt Việt Nam và các Sở Giao thông vận tải: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tập trung khắc phục hậu quả lũ quét tại Lào Cai và chủ động ứng phó mưa lũ ở miền núi, trung du Bắc Bộ.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, những ngày qua, ở một số địa phương khu vực Bắc Bộ đã xảy ra mưa lớn với tổng lượng mưa 100mm – 200mm; đêm ngày 12/9/2023 xảy ra lũ ống, lũ quét tại Lào Cai gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 797/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 về việc tập trung khắc phục hậu quả lũ quét tại Lào Cai và chủ động ứng phó mưa lũ ở miền núi, trung du Bắc Bộ, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phạm vi quản lý tiếp tục triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc tập trung phòng chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.
Cùng đó, triển khai các kế hoạch, biện pháp, phương án phòng chống thiên tai; trong đó chỉ đạo các đơn vị kịp thời hướng dẫn tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng do mưa lũ; kịp thời khắc phục sự cố công trình giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Cần rà soát các vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, ngập sâu. Ảnh: ITN |
Đồng thời, thường xuyên rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu để có phương án chủ động đảm bảo giao thông và an toàn giao thông, đặc biệt là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các trục giao thông chính. Chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố sạt lở trên các trục giao thông chính.
Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, máy móc, thiết bị, vật tư để chủ động khắc phục sự số sạt lở, thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo giao thông trong thời gian nhanh nhất; đặc biệt chú ý việc bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình trong quá trình triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai và đảm bảo giao thông.
Tổ chức duy trì trực ban 24/24h khi có sự cố, thiên tai và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Giao thông vận tải./.