Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% trình Chính phủ
(ĐCSVN) - Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% trình Chính phủ; Danh sách trạm thu phí BOT tăng giá vé từ 29/12; Đón không khí lạnh liên tiếp, miền Bắc rét khô; EU ký thỏa thuận thương mại lịch sử với Kenya...là những tin trong nước và thế giới đáng chú ý trong ngày 20/12.
Chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% trình Chính phủ
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 để trình Chính phủ phê duyệt và áp dụng từ 1/7/2024.
Theo phương án này, vùng I sẽ tăng tăng thêm 280 nghìn đồng/tháng. |
Kết thúc phiên họp ngày 20/12, với đa số phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ 6%.
Nếu phương án này được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024 (cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước).
Với phương án tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7/2024, mức lương cụ thể sẽ là:
Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280 nghìn đồng).
Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220 nghìn đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200 nghìn đồng).
Tương tự, lương tối thiểu vùng theo giờ cũng tăng 6%, cụ thể: Vùng I tăng từ 22,5 nghìn đồng/giờ lên 23,8 nghìn đồng/giờ; Vùng II tăng từ 20 nghìn đồng lên 21,2 nghìn đồng/giờ; Vùng III tăng từ 17,5 nghìn đồng lên 18,6 nghìn đồng/giờ; Vùng IV tăng từ 15,6 nghìn đồng lên 16,6 nghìn đồng/giờ.
Lần gần nhất lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng là từ ngày 1/7/2022, với mức tăng bình quân cũng là 6%.
Danh sách trạm thu phí BOT tăng giá vé từ 29/12
Dự kiến từ ngày 29/12 tới đây, 41 dự án BOT đường bộ với 47 trạm thu phí sẽ thực hiện điều chỉnh tăng giá vé.
Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam và các doanh nghiệp dự án BOT chấp thuận việc điều chỉnh giá vé tại các hợp đồng BOT do Bộ quản lý.
Theo đó, căn cứ vào kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổng hợp số dự án điều chỉnh giá vé là 41 dự án với 47 trạm thu phí.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, chu kỳ điều chỉnh giá vé là 3 năm/lần (với mức tăng 6%/năm).
Mặc dù các dự án, trạm thu phí đã đến kỳ tăng giá vé từ năm 2019 - 2022, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần 2, nhưng vẫn chưa được tăng giá làm ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, với phương án tăng phí sử dụng cầu đường đề xuất, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT sẽ tăng khoảng 0,2 - 1,4% so với trước khi tăng giá vé BOT. Việc điều chỉnh này chỉ làm tăng giá cước vận tải khoảng 0,2-1,4% nên dự kiến sẽ tác động không đáng kể đến CPI.
Nhiều trạm thu phí sẽ tăng từ 29/12. |
Danh sách, mức thu của các trạm BOT dự kiến được áp dụng từ 29/12 gồm:
Trạm BOT QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang:
Xe loại 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng: tăng lên 40.000 đồng
Xe loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn): tăng lên 57.000 đồng
Xe loại 3 (xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn): tăng lên 86.000 đồng
Xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet): tăng lên 140.000 đồng
Xe loại 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet): tăng lên 200.000 đồng
Trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ: Biểu giá riêng chưa công bố.
Trạm Nam Cầu Giẽ (QL1 đoạn tránh TP. Phủ Lý): Mức giá lần lượt tăng lên 28.000 đồng (xe loại 1), 46.000 đồng (xe loại 2), 69.000 đồng (xe loại 3), 86.000 đồng (xe loại 4), 138.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Bến Thủy, Trạm Bến Thủy 2: Mức giá tăng lần lượt từng loại xe là 47.000 đồng (xe loại 1), 64.000 đồng (xe loại 2), 87.000 đồng (xe loại 3), 140.000 đồng (xe loại 4) và 200.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Tam Kỳ: Mức giá tăng lần lượt từng loại xe là 35.000 đồng (xe loại 1), 53.000 đồng (xe loại 2), 76.000 đồng (xe loại 3), 129.000 đồng (xe loại 4) và 200.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Km1212+550, tỉnh Bình Định và Phú Yên: Mức giá tăng lần lượt từng loại xe là 35.000 đồng (xe loại 1), 53.000 đồng (xe loại 2), 82.000 đồng (xe loại 3), 135.000 đồng (xe loại 4), 200.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Đèo Cả: Mức giá tăng lần lượt 110.000 đồng (xe loại 1), 160.000 đồng (xe loại 2), 200.000 đồng (xe loại 3), 210.000 đồng (xe loại 4) và 280.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Cù Mông: Mức giá tăng lần lượt 70.000 đồng (xe loại 1), 83.000 đồng (xe loại 2), 141.000 đồng (xe loại 3), 165.000 đồng (xe loại 4) và 259.000 đồng (xe loại 5).
Trạm thu Km2079+535 (đoạn Cần Thơ- Phụng Hiệp): Mức giá tăng lần lượt là 35.000 đồng (xe loại 1), 53.000 đồng (xe loại 2), 82.000 đồng (xe loại 3), 140.000 đồng (xe loại 4) và 200.000 đồng (xe loại 5).
Trạm tuyến tránh TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng): Mức giá tăng lần lượt là 29.000 đồng (xe loại 1), 41.000 đồng (xe loại 2), 47.000 đồng (xe loại 3), 82.000 đồng (xe loại 4) và 165.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Km2171 +200 (tỉnh Bạc Liêu): Mức giá tăng lần lượt là 29.000 đồng (xe loại 1), 41.000 đồng (xe loại 2), 47.000 đồng (xe loại 3), 82.000 đồng (xe loại 4) và 165.000 đồng (xe loại 5).
Trạm thu phí cầu Việt Trì (cầu Hạc Trì): Mức giá tăng lần lượt là 38.000 đồng (xe loại 1), 54.000 đồng (xe loại 2), 81.000 đồng (xe loại 3), 130.000 đồng (xe loại 4), 196.000 đồng (xe loại 5).
Trạm cầu Văn Lang (Ba Vì): Mức giá tăng lần lượt là 41.000 đồng (xe loại 1), 53.000 đồng (xe loại 2), 64.000 đồng (xe loại 3), 106.000 đồng (xe loại 4), 200.000 đồng (xe loại 5).
Trạm số 1 QL 5, Trạm số 2 QL 5: Mức giá tăng lần lượt là 45.000 đồng (xe loại 1), 65.000 đồng (xe loại 2), 87.000 đồng (xe loại 3), 140.000 đồng (xe loại 4), 200.000 đồng (xe loại 5).
Trạm thu phí kín trên cao tốc QL5: Mức giá chung (đ/km): 2.100 đồng/km (xe loại 1), 3.000 đồng/km (xe loại 2), 4.000 đồng/km (xe loại 3), 6.400 đồng/km (xe loại 4) và 8.251 đồng/km( xe loại 5).
Trạm Km41 (Quán Toan, Hải Phòng): Mức giá tăng lần lượt là 38.000 đồng (xe loại 1), 54.000 đồng (xe loại 2), 81.000 đồng(xe loại 3), 130.000 đồng (xe loại 4) và 196.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Đại Yên QL18 qua thị xã Uông Bí (TP Hạ Long): Mức giá tăng lần lượt là 35.000 đồng (xe loại 1), 47.000 đồng (xe loại 2), 59.000 đồng (xe loại 3), 94.000 đồng (xe loại 4), 188.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Ninh Xuân (tỉnh Khánh Hòa), Trạm Ea Đar (tỉnh Đắk Lắk): Mức giá tăng lần lượt là 29.000 đồng (xe loại 1), 35.000 đồng (xe loại 2), 47.000 đồng (xe loại 3), 70.000 đồng (xe loại 4), 141.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Yên Lệnh (QL38 từ cầu Yên Lệnh đến núi giao Vực Vòng): Mức giá tăng lần lượt là 35.000 đồng (xe loại 1), 47.000 đồng (xe loại 2), 76.000 đồng (xe loại 3), 123.000 đồng (xe loại 4) và 188.000 đồng (xe loại 5).
Trạm Hoàng Mai (Nghi Sơn- Cầu Giát), Trạm TASCO Quảng Bình (Km604), Trạm Quán Hà, Trạm Đông Hà - Quảng Trị (Km763+800), Trạm Km943+975 (thay Trạm Hòa Phước, Hải Vân), Trạm Km1064+730 Quốc lộ 1 (tỉnh Quảng Nam), Trạm Km1148+1300 (tỉnh Bình Định), Trạm Bàn Thạch (An Dân)- hầm Đèo Cả Quốc lộ 1, Trạm Ninh An (Ninh Lộc), Trạm Sông Phan, Trạm Km72+930 tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới, Trạm số 2 QL14 (Thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), Trạm thu phí Km1610+800 (Hàm Rồng, Thanh Hóa), Trạm thu phí từ Pleiku-cầu 110 (Km542 - Km607+850), Trạm Phả Lại (Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí), Trạm Km49+550 (địa phận Bình Định), Trạm Km124+720 (địa phận tỉnh Gia Lai), Trạm Liên Đầm (Quốc lộ 20 đoạn Km123 105,17-Km268 tỉnh Lâm Đồng), Trạm Km67+300 QL32 (Trạm Tam Nông, Phú Thọ), Trạm cầu Mỹ Lợi (Km34+826, QL50 - tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang), Trạm cầu Cổ Chiên (Quốc lộ 60, tỉnh Bến Tre và Trà Vinh), Trạm thu Km16+905 (Quốc lộ 91): Mức giá tăng lần lượt từng loại xe là 41.000 đồng (xe loại 1), 59.000 đồng (xe loại 2), 87.000 đồng (xe loại 3), 140.000 đồng (xe loại 4) và 200.000 (xe loại 5).
Đón không khí lạnh liên tiếp, miền Bắc rét khô
Miền Bắc tiếp tục rét đậm và rét khô. |
Dự báo thời tiết 10 ngày tới, miền Bắc khả năng đón tiếp 2 đợt không khí lạnh nữa, trời chuyển rét khô kéo dài. Trung Bộ duy trì mưa diện rộng. Nam Bộ nắng ráo xen kẽ mưa vài nơi.
Ngày 20/12, đại diện lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 10 ngày tới (20 - 30/12), không khí lạnh liên tục được tăng cường sẽ tạo ra các loại hình thời tiết khác nhau trên cả nước.
Cụ thể, Bắc Bộ sẽ chuyển khô ráo từ hôm nay (20/12) và có nắng hanh từ ngày mai. Nhiệt độ ban ngày tăng và nhiệt độ ban đêm giảm. Trời rét đậm, vùng núi Bắc Bộ rét hại. Khu vực trung du vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối đến khoảng ngày 25/12.
Khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to và giông; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế từ 20 đến khoảng 24/12 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Phía Bắc trời rét. Từ ngày 22/12, mưa lan vừa, mưa to lan dần xuống khu vực Nam Trung Bộ.
Đối với Tây Nguyên và Nam Bộ, có mưa vài nơi, ngày nắng và nhiệt độ khá cao, trời ấm áp trong giai đoạn từ 20-21/12 và từ 25-29/12. Giai đoạn 22-24/12 có mưa rào và giông rải rác. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Riêng thời tiết khu vực Hà Nội, sáng sớm 20/12 có thể có mưa nhỏ trước 7h, sau không mưa. Các ngày 21-29/12 rất ít khả năng mưa, trưa chiều hửng nắng. Nhiệt độ ban đêm ở mức thấp, phổ biến 13-14 độ trong ngày 20/12 và 10-12 độ trong giai đoạn từ 21-29/12.
Ngoài ra, trong bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết điểm 10 ngày (19-29/12) khu vực TP.HCM của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cũng cho biết, không khí lạnh tiếp tục tăng cường xuống phía Nam, đến khoảng ngày 22 và 27/12 được bổ sung thêm. Hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ áp thấp nhiệt đới di chuyển về phía đông nam Biển Đông và suy yếu dần.
Trên vùng biển phía đông Nam Bộ, gió Đông Bắc hoạt động với cường độ mạnh. Vùng biển phía tây gió Đông Bắc xu hướng tăng dần và đạt cường độ mạnh trong khoảng từ 22-25/12.
Thời tiết TP.HCM thời kỳ này ít mưa, ban ngày trời nắng nhiều, độ ẩm giảm thấp gây hanh khô.
EU ký thỏa thuận thương mại lịch sử với Kenya
Một Thỏa thuận Đối tác Kinh tế (EPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Kenya được ký kết nhằm thúc đẩy thương mại hàng hóa song phương, tăng dòng đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Đây là thỏa thuận thương mại (FTA) lớn đầu tiên giữa EU và một quốc gia châu Phi kể từ năm 2016.
EU ký thỏa thuận thương mại lịch sử với Kenya. |
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Kenya William Ruto cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu và Kenya ngày 18.12. Ảnh: Xinhua
Thỏa thuận Đối tác Kinh tế (EPA) giữa EU và Kenya được ký kết tại thủ đô Nairobi của Kenya vào ngày 18.12. Với thỏa thuận lịch sử vừa ký kết, EU và Kenya mong muốn tăng cường liên kết thương mại bền vững giữa châu Âu và châu Phi cũng như ngay tại châu Phi, từ đó đáp ứng các mục tiêu chính trong quan hệ EU - châu Phi cũng như thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết, ngay khi có hiệu lực, Thỏa thuận Đối tác Kinh tế EU - Kenya sẽ giúp mở cửa hoàn toàn thị trường châu Âu cho các sản phẩm từ Kenya. Chủ tịch Ursula von der Leyen cũng cho rằng, mối quan hệ đối tác giữa EU và Kenya là quan hệ "đôi bên cùng có lợi," đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Phi khác, như Tanzania, Uganda, Burundi... tham gia thỏa thuận.
"Cánh cửa đang rộng mở, không thuế quan, không hạn ngạch. Thỏa thuận sẽ góp phần giúp tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, mang lại cơ hội mới cho các công ty, vì lợi ích của người dân" - bà Ursula von der Leyen nói.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu đồng thời nhấn mạnh, việc thỏa thuận vừa được ký kết sẽ bao gồm cả các cam kết xã hội và khí hậu mạnh mẽ nhất so với bất kỳ thỏa thuận thương mại nào của EU với một quốc gia châu Phi khác.
Theo EU, EPA cung cấp một nền tảng để hỗ trợ tạo việc làm cho cả hai bên, cùng với đó là hoạt động hợp tác trọng điểm nhằm phát triển kinh tế Kenya.
“Đây là thỏa thuận thương mại tham vọng nhất từng được EU ký với một quốc gia đang phát triển xét về các điều khoản bền vững như bảo vệ khí hậu và môi trường, quyền lao động và bình đẳng giới” - EU nêu rõ.
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Kenya William Ruto nhấn mạnh, thỏa thuận là "sự khởi đầu của mối quan hệ đối tác lịch sử, cho một sự chuyển đổi lịch sử". Theo ông, thỏa thuận mà Kenya vừa ký với EU “sẽ kích thích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hoàn thiện, có giá trị gia tăng của Kenya ra bên ngoài”.
Thêm vào đó, việc ký thỏa thuận EPA cũng là một tín hiệu cho thế giới biết rằng, Kenya sẵn sàng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cao cấp có giá trị cao sang châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Thỏa thuận cũng sẽ khuyến khích đầu tư của EU vào Kenya nhờ sự ổn định và chắc chắn về mặt pháp lý ngày càng tăng.
"Sự đa dạng của hàng hóa được trao đổi giữa EU và Kenya nêu bật tiềm năng của khuôn khổ thương mại song phương này trong việc mang lại cơ hội thương mại và đầu tư với khối lượng lớn, sự đa dạng cao và đầy tính hứa hẹn" - Tổng thống Ruto cho biết.
Sau khi ký kết, thỏa thuận giữa EU - Kenya cần được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Kenya phê chuẩn.
Theo số liệu chính thức, thị trường EU chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Kenya với các mặt hàng chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp như: Trái cây, rau quả, trà và cà phê... Tổng kim ngạch thương mại giữa hai thị trường đạt mức 3,3 tỉ euro vào năm 2022, tăng 27% kể từ năm 2018.