Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật

Thứ Tư, 03/11/2021 17:16 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật; kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ, trừ trường hợp đột xuất,…

Sau một buổi sáng làm việc tích cực, khẩn trương, Hội nghị trực tuyến toàn quốc khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp.

Hội nghị đã nghe Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng quán triệt và chỉ đạo triển khai Kết luận 19 của Bộ Chính trị; nghe giới thiệu tổng quan một số nội dung cơ bản về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và các ý kiến tham luận của đại diện các cơ quan Trung ương, địa phương.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả giai đoạn 2021 -2030. Thể chế và hiệu lực của thể chế có vai trò quan trọng và quyết định đối với sự phát triển của tất cả các quốc gia.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TL. 

Vì lẽ đó, theo Chủ tịch Quốc hội, với 08 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã bám sát chủ trương, đường lối Đại hội XIII và các văn kiện khác của Đảng, đề ra 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV nhằm hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống pháp luật, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Các định hướng và nhiệm vụ lập pháp được đề ra trong Đề án đã bao quát toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, có “ưu tiên xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội”…

Tán thành các ý kiến được Thường trực Ban Bí thư quán triệt trong bài phát biểu thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và nhất trí với nhiều nội dung trong các tham luận trình bày tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan từ Trung ương đến địa phương, các vị đại biểu Quốc hội cần chú trọng nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp. Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng Đề án.

Bên cạnh đó, tiếp tục tìm tòi, đổi mới, cải tiến quy trình, thủ tục để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, ban hành pháp luật; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức tham gia quy trình lập pháp để nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội.

Kiên quyết không trình những dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng, tiến độ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý: Trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết theo yêu cầu của các nhiệm vụ lập pháp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục luật định, nhất là trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị đưa dự án luật vào chương trình xây dựng pháp luật, công tác soạn thảo, lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu sự tác động.

 “Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ

Chủ tịch Quốc hội : Cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật. Ảnh: Quang Khánh.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu  kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ, trừ trường hợp đột xuất, có chủ trương của Đảng; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc không hoàn thành nhiệm vụ để báo cáo Quốc hội, cấp có thẩm quyền và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Ngay từ bây giờ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần hết sức quan tâm việc triển khai nghiên cứu, thực hiện các nhiệm vụ lập pháp, nhất là trong năm 2022, có thể coi là năm bản lề triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Theo tiến độ xác định trong Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, có 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong thời gian từ nay đến hết năm 2022, trong đó có 40 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022, 55 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

“Đây là một thách thức không nhỏ, vì trong thời gian ngắn (khoảng hơn 1 năm) phải hoàn thành số lượng nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu rất lớn, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Để hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, các cơ quan, nhất là người đứng đầu, cần trực tiếp chỉ đạo và khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ lập pháp được giao”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Hiện nay, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022 đều đã được Quốc hội thông qua, nhưng số lượng các dự án trình Quốc hội còn khá khiêm tốn, nhất là các dự án để “gối đầu” cho năm tiếp theo. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị quan tâm chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành công tác rà soát, nghiên cứu đúng tiến độ, nếu được thì đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để kịp thời đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và cho việc lập Chương trình năm 2023, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

“Việc triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Cần một sự đột phá trong tư duy, chính sách

Trước đó, phát biểu thảo luận, các ý kiến thống nhất cao với nội dung Đề án của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021- 2026). Đề án đã được chuẩn bị công phu, đánh giá rõ nét kết quả đạt được cũng như một số hạn chế trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đề ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và yêu cầu đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quang Khánh. 

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Để hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Chính phủ số trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm sau: Hoàn thiện hành lang pháp luật về Giao dịch điện tử; Hoàn thiện hành lang pháp luật về nền tảng số, kinh tế nền tảng; Hoàn thiện hành lang pháp luật về Kinh tế số.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra thì tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự.

“Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cả hệ thống thể chế, pháp luật đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận, để đưa nước ta vượt lên, thành một quốc gia số, thịnh vượng, hùng cường, sánh vai với các cường quốc khắp năm châu”, ông Tuấn nói.

Để nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện pháp luật, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng, cần coi trọng sự tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, coi đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Đối với nguồn lực về con người, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để khuyến khích đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Bảo đảm các điều kiện cần thiết về kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội nói chung và trong lĩnh vực xây dựng pháp luật nói riêng của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội./.

Vy Thảo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN