Chợ phiên - nơi hội tụ văn hóa vùng cao
(ĐCSVN)- Chợ phiên vùng cao từ lâu được biết đến không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Ở Quảng Ninh, có chừng 7-10 chợ phiên ở vùng cao. Tuy nhiên, chỉ số ít ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ... còn lưu giữ được bản sắc địa phương.
Chợ phiên - nơi hội tụ văn hóa vùng cao |
Ngoài cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, các chợ phiên đậm bản sắc của bà con dân tộc là yếu tố tăng sức hấp dẫn cho hành trình của du khách. Đây là nguồn tài nguyên cần quan tâm, đầu tư, phát huy giá trị.
Đầu tiên phải kể đến là chợ phiên Hà Lâu (xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên) với gần 60 năm tuổi. Đến đây du khách được sống trong không gian văn hóa của người Dao với những nông sản bà con trồng tại địa phương, loại nông cụ sản xuất, các gian hàng bán trang phục truyền thống.
Tại chợ phiên Lương Mông (xã Lương Mông, Ba Chẽ), du khách được ngắm nhìn các sắc màu thổ cẩm, thưởng thức văn hóa ẩm thực của đồng bào Dao. Sôi động, giàu bản sắc là chợ phiên Bình Liêu ở thị trấn Bình Liêu với sự náo nhiệt, phong phú sản vật núi rừng, nét đẹp trang phục, sự chân chất của bà con các dân tộc. Cũng ở Bình Liêu có chợ phiên Đồng Văn mang nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Tày...
Ông Vi Ngọc Nhất, Phó Phòng VH-TT huyện Bình Liêu, cho biết: Nếu được quan tâm, nghiên cứu, tổ chức hợp lý, phiên chợ vùng cao có thể trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn. Ngoài thương mại, chợ phải kết hợp yếu tố văn hóa, du lịch, tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, định kỳ, sản phẩm đặc trưng địa phương và quảng bá cho du khách.
Theo ông Nhất, chợ phiên ở Bình Liêu có nhiều thuận lợi để trở thành sản phẩm du lịch từ chính đặc trưng, sự tự nhiên đã thành truyền thống của chợ vùng cao. Đó là vẻ nhộn nhịp sôi động, màu sắc văn hóa dân tộc kết hợp các ngày hội văn hóa của đồng bào Dao, Tày, Sán Chỉ...
Ông Trần Đăng An, Giám đốc Halotour (TP Hạ Long) chia sẻ: Những nét khác biệt về văn hóa, con người, đặc sản truyền thống, cách họp chợ… gợi sự tò mò với du khách. Tuy nhiên, cần nhiều hơn hoạt động chợ phiên để hấp dẫn và giữ chân du khách.
Chợ phiên vùng cao từ lâu được biết đến không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc ở Quảng Ninh |
Ở mặt này, phần nhiều các chợ phiên cần được quan tâm đầu tư hoặc mở rộng kết nối không gian để trở thành sản phẩm hoặc điểm đến đủ giữ chân du khách. Để tăng sức hút du khách tới chợ phiên, được biết huyện Bình Liêu đã có kế hoạch chỉnh trang, xây dựng lại chợ Đồng Văn; tổ chức các lễ Kiêng gió, Đông chí… thành những lễ hội lớn.
Chợ cũng được quan tâm kết nối với các tour biên giới, tham quan Sông Moóc, Khe Tiền, Cột mốc... Trong tương lai, chợ Đồng Văn được nghiên cứu quy hoạch thành chợ vùng cao biên giới, kết hợp du lịch biên giới với nước bạn và các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Giang.
Với chợ phiên thị trấn Bình Liêu, để tăng sức hấp dẫn, dự kiến huyện sẽ tổ chức thêm phiên chợ đêm, thêm các chương trình biểu diễn nghệ thuật đêm, các hoạt động vui chơi giải trí, thương mại nông, đặc sản… Hiện chợ đã trở thành điểm đến, kết nối được với các tour du lịch truyền thống Hạ Long - Bình Liêu tới các thắng cảnh, thôn bản.
Trên thực tế, có thể thấy nét đặc sắc chợ phiên đã được các địa phương quan tâm nhiều, tuy nhiên còn nhiều khó khăn. Đó là trường hợp một số chợ phiên ở Ba Chẽ, Tiên Yên dù đã được quan tâm nhưng do khoảng cách xa xôi, đi lại khó khăn nên việc tiếp cận hay kết nối với du lịch chưa thật hấp dẫn.
Như vậy, muốn hình thành điểm đến hay sản phẩm du lịch độc đáo từ phiên chợ vùng cao, để lại ấn tượng cho du khách, không những cần nỗ lực của địa phương mà còn cần sự chung tay của các công ty du lịch, lữ hành để kết nối, giữ chân du khách.