Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chợ cửa khẩu quốc tế Na Mèo – nơi gắn kết nhân dân hai nước Việt Nam - Lào

Thứ Ba, 22/10/2024 10:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nằm trên địa bàn xã Na Mèo, cách cột mốc biên giới Việt Nam - Lào chừng 300m, chợ cửa khẩu quốc tế Na Mèo không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Chợ Na Mèo được hình thành từ cuối năm 1989, ban đầu chỉ là một khu chợ nhỏ lẻ của đồng bào Thái, Mông, xã Na Mèo. Đến năm 1999, chợ được nâng cấp, xây dựng thành khu chợ kiên cố, sạch sẽ. Năm 2004, Cửa khẩu Na Mèo được nâng cấp thành Cửa khẩu quốc tế, chợ Na Mèo ngày càng nhộn nhịp hơn, hàng hóa phong phú hơn, lượng người giao thương cũng ngày một nhiều hơn.

 Chợ Na Mèo là khu chợ biên giới độc đáo nhất xứ Thanh, chủ yếu phục vụ người dân các vùng giáp ranh biên giới của hai huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) và Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào).

Hiện nay, chợ Na Mèo là khu chợ biên giới độc đáo nhất xứ Thanh, chủ yếu phục vụ người dân các vùng giáp ranh biên giới của hai huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) và Viêng Xay (Hủa Phăn, Lào). Khi đến chợ, người dân khu vực biên giới nước Lào cần phải có giấy qua lại biên giới do Bộ Công an Lào cấp. Khi qua cửa khẩu sẽ được Bộ đội Biên phòng cấp thẻ ra vào chợ giao lưu, mua bán hàng hóa. Việc đi lại đều nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng chức năng hai nước Việt - Lào.

Chợ được tổ chức một ngày duy nhất vào thứ Bảy hàng tuần. Không nhiều mặt hàng công nghiệp hiện đại và sầm uất như những khu chợ biên giới khác, chợ Na Mèo vẫn giữ được nét mộc mạc, gần gũi đúng hiệu miền sơn cước khi phần nhiều món đồ bày bán đều là sản vật của bà con dân tộc hai nước Việt - Lào. Các mặt hàng được bày bán ở đây chủ yếu là sản vật địa phương và giá thường khá rẻ như: chuột rừng phơi khô, chuột rừng nướng, cá suối nướng, vải thổ cẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, chiếu, dưa chuột Lào, măng rừng, rau, cơm nắm, thịt bò... (của người Lào) và các mặt hàng gia dụng, giày dép, quần áo…

 Chợ Na Mèo không chỉ dành cho mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước Việt - Lào.

Một nét đặc trưng nữa của phiên chợ là cùng lúc lưu thông hai loại tiền: tiền Việt Nam đồng và tiền Kíp (Lào). Người mua, người bán là đồng bào dân tộc hai nước, có khi không hiểu ngôn ngữ của nhau, chỉ cần ra hiệu là có thể mua bán, đôi khi, họ vẫn trao đổi sản phẩm với nhau mà không cần dùng tiền mặt. Chợ không mua bán các loại chim rừng hay thú hoang dã quý hiếm. Vào những ngày giáp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nên những phiên chợ cuối năm thường đông đúc và nhộn nhịp hơn ngày thường.

Trước kia, chợ chủ yếu là nơi giao thương, buôn bán của cư dân vùng biên hai nước Việt-Lào, ngày nay, giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 217 được nâng cấp, mở rộng đã thu hút người dân, du khách từ khắp nơi đến chợ tham gia trao đổi hàng hóa, tạo không khí giao thương sôi nổi, nhộn nhịp. Du khách không biết tiếng cũng chớ lo bởi luôn có người sẵn sàng phiên dịch hộ.

Hiện nay, chợ Na Mèo đang được chính quyền địa phương đầu tư sửa chữa, nâng cấp với diện tích 7.000m2, vốn đầu tư 25 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành. Trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu và có kế hoạch xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo thành trung tâm giao thương hàng hóa giữa Thanh Hóa với Lào, nhất là các tỉnh Bắc Lào và vùng phụ cận.

Chợ Na Mèo không chỉ dành cho mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, thể hiện tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước Việt - Lào và thu hút du khách trải nghiệm vẻ đẹp vùng cao biên giới. Đến huyện Quan Sơn, cùng với tham quan động Bo Cúng, tắm suối Xia, du lịch cộng đồng ở bản Ngàm thì chợ phiên Na Mèo là điểm đến tuyệt vời để trải nghiệm và mua về những món quà của núi rừng. Chợ Na Mèo đang góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Lào, đồng thời tạo nên động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và cả tỉnh Hủa Phăn./.

Duy Bách

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN