Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chính thức đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7

Thứ Tư, 29/05/2024 20:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chính thức đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7; Bắt tạm giam Phó Cục trưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường do nhận hối lộ; 4 ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp tới người dân; Thủ đô Ấn Độ hứng chịu nắng nóng kỷ lục gần 50 độ C,… là những tin đáng chú ý hôm nay (29/5).

Chính thức đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7

Dự thảo đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).  

Ngày 29/5, Bộ Tư pháp công bố hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang được tổ chức thẩm định.

Dự thảo đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng giảm thuế GTGT 2% từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2024.

Bộ Tài chính cho biết Luật Thuế GTGT hiện nay quy định 2 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT).

Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh thuế GTGT phải nộp.

Với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế 10% sẽ phát sinh số thuế phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế đầu vào).

Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế 10% tương tự tại Nghị quyết 43/2022, Nghị quyết 101/2023, Nghị quyết 110/2023 của Quốc hội và đã thực hiện ổn định trong năm 2022, 2023 và 6 tháng đầu năm nay.

Bắt tạm giam Phó Cục trưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường do nhận hối lộ

Từ trái qua: Bị can Cao Đại Nghĩa, Khương Thanh Tùng, Đoàn Ngọc Phương 

Ông Đoàn Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) bị bắt để điều tra về tội "Nhận hối lộ".

Mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan", ngày 28/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 3 bị can.

3 người này bị bắt, khám xét để điều tra về tội "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Cụ thể, ông Đoàn Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ TN&MT bị khởi tố, bắt giam để điều tra về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Các ông Cao Đại Nghĩa, Phó trưởng phòng giá đất Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (hiện là bị can trong vụ án tại Tập đoàn Phúc Sơn), thành viên Thường trực Hội đồng kiêm Tổ trưởng Tổ giúp việc Hội đồng và ông Khương Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá Thăng Long bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ Luật hình sự.

Hiện, cơ quan điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Tập đoàn Cao su Việt Nam và các đơn vị, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã (C03) đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị liên quan.

Vụ án liên quan đến các sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, P12, quận 4, TP.HCM. Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 9 người, trong đó có ông Lê Quang Thung, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

4 ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp tới người dân

4 ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ bán vàng trực tiếp tới người dân 

Từ ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán vàng cho 4 ngân hàng để bán trực tiếp cho người dân.

Sau khi tổ chức 9 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước công bố dừng đấu thầu vàng và quyết định sẽ bán trực tiếp vàng cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước để bán cho người dân là Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank.

Ông Phạm Quang Dũng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ bán vàng cho các ngân hàng vào thứ 2 tới, tức ngày 3/6. Mức giá được xác định theo giá thế giới. Mục tiêu của nhà điều hành là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới về mức phù hợp và bền vững.

Phó thống đốc nhận định, bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung - cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi phạm pháp, thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đơn vị này đang phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Thanh tra Chính phủ tổ chức thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng đối với các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật nếu có.

Về việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng thương mại, phó thống đốc cho biết các ngân hàng thương mại Nhà nước với mạng lưới rộng khắp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.

Thủ đô Ấn Độ hứng chịu nắng nóng kỷ lục gần 50 độ C

Người phụ nữ dội nước lên đầu để làm mát trong ngày hè oi bức tại New Delhi, Ấn Độ, hôm 21/5. Ảnh: Reuters 

Vùng thủ đô Delhi trải qua mức nhiệt cao kỷ lục 49,9 độ C và được dự đoán tiếp tục chịu nắng nóng tương tự trong những ngày tới.

Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) ngày 28/5 ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục 49,9 độ C tại hai trạm đo ở Narela và Mungeshpur, ngoại ô Delhi. Các nhà dự báo khí tượng dự đoán khu vực sẽ trải qua mức nhiệt tương tự trong ngày hôm nay.

Ấn Độ thường xuyên trải qua mùa hè oi bức, nhưng nhiệt độ chưa từng cao đến vậy. Các nghiên cứu chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, với tần suất thường xuyên và gay gắt hơn.

Giới chức New Delhi cũng đã cảnh báo về nguy cơ thiếu nước trong lúc thủ đô đối mặt với đợt nắng nóng gay gắt, có thể dẫn tới cắt giảm nước sinh hoạt cho một số khu vực. Quan chức thủy lợi Delhi Atishi Marlena kêu gọi người dân phát huy trách nhiệm tập thể, ngăn tình trạng lãng phí nước…./.

Trung Anh (tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN