Chính sách phải gắn liền với thực tiễn
(ĐCSVN) – Phát biểu tại phiên họp toàn thể Quốc hội sáng 31/5, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho biết, hiện vẫn còn một số chính sách đã hơn 3 năm ban hành chưa có nguồn lực để triển khai thực hiện...
Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục phiên họp toàn thể về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Những nỗ lực, sự cố gắng, quyết liệt của Chính phủ trong việc triển khai điều hành các mục tiêu, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội đề ra tiếp tục nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên họp.
Đối với vùng đồng bào dân tộc, các đại biểu nêu rõ, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cả xã hội đã dành sự quan tâm sâu sắc chăm lo phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt. Các chính sách này đã góp phần đáng kể giúp cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an sinh xã hội được bảo đảm, chính sách chính trị được ổn định, đồng bào cũng nỗ lực thực hiện tốt các chính sách góp phần không nhỏ vào phát triển KT-XH hàng năm trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Tuy nhiên, theo đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang), mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang tác động tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là, khu vực này đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động kinh tế phi chính thức gây bức xúc trong đồng bào dân tộc. Đại biểu phân tích, ai cũng biết, đất rừng và nước ngầm là tư liệu sản xuất, phát triển KT – XH, tạo sự sống, tồn tại của các đồng bào dân tộc, là vị trí chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ lãnh thổ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Nhưng hiện nay một số nơi, đất rừng tự nhiên đang bị tàn phá trầm trọng, khai thác bừa bãi không đúng quy định ngày càng tăng. Rừng quý hiếm của cả nước đang mất dần. Đất bị phong hóa, xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, nguồn nước mặt và nước ngầm phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt đang ngày càng cạn kiệt. Môi trường bị ô nhiễm ngày càng nặng dẫn đến hệ lụy thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường. Hạ tầng KT – XH, hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, giao thông đi lại khó khăn, hiểm trở. Cuộc sống của đồng bào thiếu điều kiện sinh kế. Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống để tạo sinh kế của đồng bào; điển hình, cả nước hiện nay còn 221.754 đồng bào thiếu đất sản xuất, đồng bào đã canh tác lâu đời từ đất nông lâm trường hiện nay còn vướng mắc, chưa được giải quyết kịp thời.
“Chính sách ban hành với mục tiêu thì lớn, nhưng thực tế chính sách trực tiếp đến người dân thì nhỏ giọt, như người dân thường nói “đầu voi, đuôi chuột”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Leo Thị Lịch cho biết, hiện vẫn còn một số chính sách đã hơn 3 năm ban hành chưa có nguồn lực để triển khai thực hiện. Đồng bào chờ đợi, mong mỏi không khác gì một loại quả đẹp chỉ để ngắm, không ăn được.
Đại biểu dẫn chứng, Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2086 đã được phê duyệt năm 2016, đến nay 2019 mới được ghi phân bổ nhưng vẫn chưa được bố trí nguồn lực thực hiện. Đây là chính sách hỗ trợ cho đồng bào đặc biệt khó khăn vì đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt giai đoạn 2016 – 2020 chỉ còn 1 năm là hết thời hạn đầu tư theo quyết định. Như vậy, bà con sản xuất theo thời vụ nên không đáp ứng được kịp thời, các yếu tố trên ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tổ chức sản xuất, tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần, thu nhập của đồng bào miền núi. Khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng
Đại biểu Bạch Thị Hương Thuỷ (Hòa Bình) đề cập tới các loại tội phạm bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em xu hướng gia tăng, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Theo bà, nạn nhân của loại tội phạm này thường không có khả năng tự bảo vệ, nhỏ tuổi (3-4 tuổi), có những vụ án sau khi thực hiện hành vi đồi bại, kẻ phạm tội còn đánh đập nạn nhân, giết người phi tang. "Đây là vấn đề báo động về sự xuống cấp đạo đức, nhân cách trong xã hội hiện nay", bà Thuỷ nhận xét.
Hậu quả của loại tội phạm này, theo bà, hết sức nặng nề cho gia đình bị hại và nạn nhân. Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em thì 60% trẻ em sau các vụ xâm hại tình dục trẻ em bị tổn thương ở các mức độ khác nhau, luôn mặc cảm, lo sợ và xa lánh mọi người.Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tăng cường giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời, kiên quyết với loại tội phạm nêu trên.
Vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn “nhức nhối”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) băn khoăn trước vấn nạn an toàn thực phẩm. Ông nhắc lại một số vụ việc nổi cộm gần đây như trường hợp phát hiện lợn gạo vào trường học; rồi hàng ngàn phụ huynh ở Bắc Ninh đưa con về Hà Nội xét nghiệm sán lợn... gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.
"Lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm đang gióng lên hồi chuông nhức nhối. Bộ Y tế cần quan tâm mạnh mẽ hơn", ông nhấn mạnh.
Về giải pháp, ông Trí đề nghị, ngoài hàng rào hành lang pháp lý, cơ quan quản lý cần lập hệ thống phòng lab hiện đại, xét nghiệm, kiểm tra đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Phải có “bộ lọc” thu hút FDI
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lâu nay đã mang lại nhiều lợi ích, song thực tế phát sinh nhiều vấn đề như: chuyển giá, trốn thuế; năm 2017 hụt thu từ khu vực này khoảng 28.000 tỷ đồng và tăng lên 36.000 tỷ đồng vào năm 2018.
Cũng băn khoăn về chuyển giá tại các doanh nghiệp khu vực FDI, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nói, nếu không đưa ra giải pháp thì đây sẽ là nguồn thất thu lớn của ngân sách.
Vì thế, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị trong điều kiện hiện nay, khi dòng vốn nước ngoài đang tiếp tục được đổ vào Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ cần phải tạo ra những bộ lọc để chọn được những dự án có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn về môi trường của Việt Nam./.