Chính sách cần phù hợp thực tiễn
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển của thời đại số, yêu cầu đặt ra đối với mỗi cá nhân nói chung, mỗi cán bộ công chức, viên chức nói riêng cũng ngày càng cao hơn. Bản thân người thầy cũng cần không ngừng học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn nghề nghiệp đặt ra cho giáo viên cũng phải xuất phát từ thực tiễn.
Bộ GD&ĐT mới đây đã ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thay thế các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV do Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015. Các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các trường mầm non, phổ thông công lập. Theo đó, từ ngày 20/3 tới, giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.
Quy định này đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là của đội ngũ nhà giáo. Nhiều ý kiến cho rằng việc đặt ra các tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp giống như một loại “giấy phép con” làm khó người thầy, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc trong khi hiệu quả thực tế mang lại không cao.
Ảnh minh họa (Nguồn: KT) |
Thực tế, không phải đến Thông tư của Bộ GD&ĐT, các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới được đặt ra. Khoản 1 Điều 8 Luật Viên chức đã có quy định về chức danh nghề nghiệp. Sau khi Luật Viên chức 2010 có hiệu lực, nhiều bộ, ngành phải xây dựng hệ thống chức danh nghề nghiệp cho viên chức, công chức của ngành mình, trong đó có ngành giáo dục.
Tuy nhiên trước đây, với quy định của các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22 năm 2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, chứng chỉ chỉ cần thiết đối với những giáo viên có nhu cầu thăng hạng cao hơn. Đến các Thông tư 01, 02, 03 năm 2021 của Bộ GD&ĐT thì giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên, để có chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp, các thầy cô phải tham gia vào các lớp học bồi dưỡng. Việc học lấy chứng chỉ này hoàn toàn do nhu cầu của giáo viên và giáo viên phải tự bỏ tiền ra trả. Về hình thức tổ chức lớp học, có nơi lớp học được tổ chức theo thức học trực tuyến qua phần mềm với số lượng 200-300 học viên/một lớp. Một lớp học được tổ chức với sĩ số lớp đông theo hình thức học trực tuyến như vậy, hẳn là giảng viên dù cố gắng cũng rất khó sâu sát chất lượng học viên.
Chưa kể, các yêu cầu đặt ra đối với chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng còn cứng nhắc. Ví dụ yêu cầu về ngoại ngữ. Đối với một người ở vị trí việc làm không yêu cầu quá cao thì chỉ cần yêu cầu trình độ ngoại ngữ cơ bản. Nhưng nếu làm ở vị trí đối ngoại, làm công việc liên quan nước ngoài thì bắt buộc ngoại ngữ phải giỏi.
Mặt khác, khi quy định được ban hành, nhiều giáo viên chưa được hướng dẫn đầy đủ, thống nhất từ các cơ quan chức năng. Trước đây đã có tình trạng giáo viên đua nhau bỏ tiền đi học chứng chỉ nghề nghiệp, thậm chí nhiều giáo viên do không nắm rõ nên học nhầm loại chứng chỉ…
Những bất cập này vô hình trung làm giáo viên có tâm lý chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vừa tốn công vừa tốn kém, không mang lại hiệu quả thực tiễn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức-Viên chức (Bộ Nội vụ) cho hay, điều cần thiết bây giờ không phải là bỏ hay không bỏ một loại chứng chỉ nào đó mà cần phải rà soát lại tất cả những yêu cầu về điều kiện bắt buộc của từng loại chứng chỉ và đặc biệt là nội dung, chương trình của các loại chứng chỉ xem có xuất phát từ đúng yêu cầu của tiêu chuẩn, vị trí việc làm hay không để tránh lãng phí, tốn kém cho xã hội. Để làm được việc này, cái gốc là cơ quan quản lý nhà nước phải đưa ra được quy định về tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp. Trong từng chức danh nghề nghiệp thì đâu là tiêu chuẩn đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp, từ đó mới xây dựng hệ thống bồi dưỡng theo quy định.
Suy cho cùng, các chứng chỉ cũng chỉ là quy định đảm bảo các tiêu chuẩn, kiến thức cơ bản cần thiết đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm. Mỗi giai đoạn có thể có những đòi hỏi khác nhau về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Dưới góc nhìn quản lý, các loại chứng chỉ có thể cần thiết hoặc không. Nhưng với đòi hỏi ngày càng cao của một xã hội luôn vận động, phát triển thì sự học là không ngừng nghỉ dù với bất cứ ai. Học để có kiến thức và học để đạt đến trình độ kiến thức chuyên môn nhất định chứ không phải học để có bằng cấp. Bản thân mỗi giáo viên do vậy phải không ngừng học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết của nhà giáo đứng trên bục giảng để đem lại hiệu quả giảng dạy cao nhất.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn đặt ra cho giáo viên cũng phải xuất phát từ thực tiễn và làm thế nào để thực thi có hiệu quả trên thực tiễn. Các cơ quan quản lý cần dựa trên tình hình thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng tác động đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc phát sinh để có những điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Thực tế, thời gian qua Bộ GD&ĐT cũng đã bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với giáo viên và điều này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, phản hồi tích cực từ xã hội./.