(LTS) - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện; được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế (BHYT); không vì lợi nhuận và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân.
Ra đời từ năm 2008, chặng đường 13 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện đã để lại những hành trang quý báu tạo nên những dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện chính sách, bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội. Đặc biệt, ngay từ năm 2020, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 2,31% - vượt xa mục tiêu đề ra đến hết năm 2021 tại Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Chặng đường phát triển tiếp theo của BHXH tự nguyện sẽ là thử thách lớn, trong quá trình thực hiện các mục tiêu sẽ có không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Để có thể “cán đích” mục tiêu về phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện đặt ra đến năm 2025, xa hơn là đến năm 2030 theo Nghị quyết 28-NQ/TW, cần có những “đột phá”, có những “cú hích” mạnh mẽ hơn nữa trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện để tăng diện bao phủ BHXH tự nguyện.
Bài 1: "CỦA ĐỂ DÀNH" CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TỰ DO
(ĐCSVN) - Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện thể hiện tính nhân văn, ưu việt và sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống Nhân dân. BHXH tự nguyện đang trở thành một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội hiện nay.
"TẤM LƯỚI" AN SINH
Hệ thống bảo hiểm xã hội là một trong những trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội của bất kỳ một quốc gia nào. Hệ thống BHXH ở Việt Nam đã được hình thành và đang từng bước hoàn thiện nhằm hướng tới mục tiêu chung là bao phủ an sinh xã hội (ASXH) toàn dân và gia tăng độ bao phủ theo chiều cả chiều rộng và chiều sâu cho người lao động ở Việt Nam.
Chính sách BHXH tự nguyện đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già |
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.
Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được hưởng các quyền lợi như: hưởng lương hưu hằng tháng khi về già; được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia; lương hưu được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng; được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp thu nhập của bản thân; thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời.
Phải khẳng định rằng, BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, do Nhà nước tổ chức thực hiện; được Nhà nước bảo hộ, hỗ trợ mức đóng, cấp miễn phí thẻ BHYT; không vì lợi nhuận và mục đích duy nhất là vì cuộc sống của người dân.
BHXH tự nguyện được áp dụng đối với những người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, hiện đang được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Do không có quan hệ lao động theo hợp đồng nên trách nhiệm đóng góp thuộc về người lao động.
Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già. Đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.
Người tham gia BHXH tự nguyện có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình. Hiện mức thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn (700.000 đồng/tháng, khi đó mức đóng chỉ là 154.000 đồng/người/tháng) và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng (với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng, mức đóng là 6.556.000 đồng/người/tháng). Người tham gia cũng có thể lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm.
Ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ.
Đặc biệt, từ ngày 01/01/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, với ba mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo; và 10% đối với các đối tượng còn lại. Và căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp.
Đáng chú ý, Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và thực hiện các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ; bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Những quy định trên cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện thực sự là một chính sách ưu việt của Nhà nước ta.
BỨT PHÁ "NGOẠN MỤC"
Ra đời từ năm 2008, trong chặng đường 13 năm triển khai, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện từng bị "hờ hững”, rất khó khăn để thuyết phục người dân tiếp nhận.
Trong vòng 10 năm đầu thực hiện, số người tham gia rất khiêm tốn. Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia. Đến đến hết năm 2018 số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng mới đạt hơn 270.000 người.
Tưởng chừng cứ dậm chân tại chỗ, nhưng từ nửa cuối năm 2018 đến nay chính sách này được thổi “luồng gió” mới khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) ra đời, với những nội dung mang tính cải cách, tiến bộ, tiệm cận dần các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trên thế giới. Nghị quyết đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH.
Cán bộ BHXH đến nhà vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện |
Những nội dung về cải cách chính sách BHXH được đặt ra tại Nghị quyết số 28 không chỉ mở rộng diện bao phủ đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức - “khoảng trống” chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Mục tiêu đến năm 2025, trong số 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Ngay sau khi Nghị quyết số 28 được ban hành, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương và Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28 (Nghị quyết số 125).
Điều này tiếp tục khẳng định, việc bảo đảm ASXH là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, điều hành đất nước; chính sách BHXH tiếp tục là một trong những trụ cột chính trong hệ thống ASXH có vai trò quan trọng trong công tác chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội.
Có thể khẳng định, việc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 28 và các Nghị quyết của Chính phủ đã được các địa phương thực hiện tích cực, với sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, trong đó có ngành BHXH Việt Nam.
Minh chứng rõ nét nhất là số người tham gia BHXH tự nguyện đã không ngừng gia tăng, với những con số ấn tượng. Cụ thể, năm 2019 - năm đầu tiên ngành BHXH phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, số người tham gia đã tăng lên gần 574.000 người, tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018, chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 đã bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại, đánh dấu bước ngoặt mới trong công tác phát triển người tham gia BHXH của ngành BHXH Việt Nam.
Năm 2020 được xem là năm bản lề để phát triển, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra những khó khăn không nhỏ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó lĩnh vực BHXH cũng không ngoại lệ. Dù vậy, ngành BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục gặt hái thành công lớn trong thực hiện chính sách BHXH tự nguyện.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2020, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,128 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gấp 2 lần so với năm 2019.
Đáng nói, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 2,31% - vượt xa mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW (theo Nghị quyết, đến hết năm 2021 có 1% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện).
Và chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 1.205.961 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 361.220 người (42,76%) so với cùng kỳ năm 2020.
Đây là thành quả từ sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội. Thành công này cũng thể hiện tính cộng đồng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Hơn thế, việc mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện đặt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội có một ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, đời sống khó khăn, đặc biệt những lao động tự do. Trong bối cảnh ấy, người lao động càng hiểu rõ hơn những lợi ích, tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chính là "điểm tựa vững chắc" để người lao động tự do an tâm cho tương lai.
HIỆN THỰC HÓA ƯỚC MƠ "CÓ LƯƠNG HƯU" CỦA LAO ĐỘNG TỰ DO
Không nguồn thu nhập ổn định, lại có thể gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ngày càng có nhiều người dân khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình và người thân.
Chị Ngô Thị Bích Hà (39 tuổi, Thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ rất phấn khởi khi được nhân viên đại lý thu BHXH đến tư vấn chính sách BHXH tự nguyện trực tiếp tại nhà. Ngay sau khi được tư vấn, chị đã chủ động đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho hai vợ chồng, có kế hoạch đăng ký thêm cho cả mẹ mình.
Chị Ngô Thị Bích Hà ở Thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ. |
“Trước đây, tôi chỉ biết đến lợi ích của tấm thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh chứ không biết đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Với người làm lao động như chúng tôi, trước khi biết đến BHXH tự nguyện thì nghĩ được hưởng lương hưu hàng tháng tưởng chỉ là mơ ước. Tôi quyết định tham gia với số tiền bỏ ra không phải là quá lớn, coi đó như là một hình thức tiết kiệm, trước hết là vì mình, sau này giảm bớt gánh nặng cho con cháu, lại có thêm tấm thẻ BHYT khi nghỉ hưu để yên tâm vì được chăm sóc sức khỏe lúc già. Nhất là từ năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến công việc thì tôi càng cho rằng mình tham gia BHXH tự nguyện là quyết định đúng đắn” – chị nói.
Chị Huỳnh Thị Thảo, ở khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cũng như nhiều người dân Sa Đéc cũng biết đến chính sách BHXH tự nguyện khi được nhân viên đại lý thu BHXH đến tư vấn trực tiếp tại nhà. Ngay sau khi được tư vấn, chị đã chủ động đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình và sau đăng ký thêm cho cả con gái. Chị Thảo tâm sự: “Hằng tháng, tôi chỉ cần dành dụm một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH tự nguyện, sau này khi hết tuổi lao động tôi cũng có lương hưu, không phải lo vướng bận tới con cháu, lại có thêm tấm thẻ BHYT khi nghỉ hưu để yên tâm vì được chăm sóc sức khỏe lúc già. Rất hữu ích!”.
Hiểu được lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, chị Thảo còn tích cực tuyên truyền với người thân, bà con hàng xóm để ngày càng có nhiều người tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu và chăm sóc sức khỏe khi về già.
Trong khi đó, ông Bùi Minh Nhật (ở Mai Hắc Đế, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sau khi dừng tham gia BHXH bắt buộc đã tiếp tục lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu và có thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe khi về già.
Nhờ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện nên dù là lao động tự do, ông Bùi Minh Nhật vẫn có lương hưu và được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe khi về già. |
Ông Nhật cho biết: “Trước đây, tôi làm tự do, mãi gần 45 tuổi mới xin làm bảo vệ ở một trường mầm non và bắt đầu tham gia BHXH bắt buộc. Đầu năm 2021, tôi đủ 60 tuổi, nhưng thời gian tham gia BHXH mới chỉ được hơn 15 năm. Một số người khuyên tôi rút BHXH một lần, nhưng tôi nghĩ lấy BHXH một lần cũng chỉ trang trải cuộc sống trước mắt, lúc tôi không còn khả năng lao động thì trông chờ vào đâu. Con cháu có phận của con cháu, mà nó cũng đủ khó khăn rồi. Nên tôi đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện thêm gần 5 năm để đủ điều kiện được nhận lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt quá trình hưởng lương hưu”.
Với sự lựa chọn, đầu tư hiệu quả ấy, hiện ông Nhật đã được gặt hái “trái ngọt” với số tiền lương hưu gần 1.500.000 đồng mỗi tháng. Ông Nhật nói: “Số tiền tuy không lớn nhưng ít nhất cũng giúp tôi có được sự độc lập về tài chính, không phụ thuộc vào ai, chưa kể lại được phát thẻ BHYT miễn phí giúp tôi an tâm hơn, bởi với tuổi già bệnh tật cũng chả báo trước. Hiện tại, tôi vẫn còn khỏe để đi làm, vợ tôi cũng có lương hưu hằng tháng nên cuộc sống an ổn lắm”.
Cũng giống chị Hà, chị Thảo, ông Nhật, nhiều người dân làm nghề lao động tự do như buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề nông, làm thuê… đang từng ngày chắt chiu thu nhập để tham gia BHXH tự nguyện nhằm tích lũy cho tương lai.
(Còn nữa)