Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Thứ Năm, 30/09/2021 17:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đợt bùng phát dịch lần thứ tư bắt đầu từ cuối tháng 4/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã chịu rất nhiều áp lực từ các đợt sóng dịch bệnh trước thì đợt sóng lần thứ tư càng khiến cho khó khăn thêm chồng chất. Do vậy, rất cần đến sự can thiệp kịp thời thông qua các chính sách thiết thực, cụ thể.

Doanh nghiệp đối mặt với thách thức trong thực hiện mục tiêu kép…

 Dịch bệnh kéo dài đã "vắt kiệt" sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: H Ng)

Để chống sự lây lan của dịch bệnh, từ ngày 19/7, đã có 19/22 tỉnh/thành phố ở khu vực phía Nam đã áp dụng Chỉ thị 16, trong khi đó một số tỉnh/thành phố khác trên cả nước áp dụng các biện pháp thấp hơn. Trong thời gian thực hiện giãn cách, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí giải thể, thiệt hại là vô cùng lớn. Phần lớn trong số 19 tỉnh phía Nam có chỉ số sử dụng lao động vào tháng 8/2021 thấp hơn tháng 7/2021 và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

 Theo Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 15/9, có 558 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động (với 491.725 lao động) gồm 81 doanh nghiệp da giày; 76 doanh nghiệp dệt; 34 doanh nghiệp may mặc; 57 doanh nghiệp cơ khí; 47 doanh nghiệp chế biến gỗ; 40 doanh nghiệp điện-điện tử; và 275 doanh nghiệp có dưới 100 lao động. Báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 15/9, có 284 doanh nghiệp với 80.657 lao động vẫn tạm ngừng sản xuất và chưa khởi động lại do có ca nhiễm. UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tính đến ngày 15/9, chỉ có 12 doanh nghiệp với 3.013 lao động (chiếm tương ứng 6% tổng số doanh nghiệp và chưa tới 3% tổng số lao động trong khu công nghiệp của tỉnh) đang hoạt động theo phương thức “ba tại chỗ”… Một số địa phương khác cũng cho phép doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh theo mô hình “ba tại chỗ”, “một cung đường – hai địa điểm”. Tuy nhiên, việc phục hồi sản xuất, đặc biệt là ở các doanh nghiệp thâm dụng lao động, còn chậm nên còn rất nhiều thách thức trong thực hiện “mục tiêu kép”.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021 đã có 90.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. 

Như vậy bình quân một tháng, có 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - tương đương mỗi ngày là hơn 300 doanh nghiệp.

Nhờ vào các nỗ lực đẩy mạnh tiêm chủng và phòng ngừa hiệu quả, đến nay, dịch bệnh đang có dấu hiệu được kiểm soát tích cực. Nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Long An, Đồng Nai… đã nới lỏng các biện pháp chống dịch để dần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Trong đó, từ ngày 20/9/2021, có 25 tỉnh đã cho các công sở, trường học, các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh … quay trở lại hoạt động bình thường, trong khi một số tỉnh thực hiện mở cửa trở lại chậm hơn để tránh dịch bùng phát. Mới đây nhất là vào sáng 30/9, TP.HCM tổ chức họp báo công bố chỉ thị của UBND TP về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. 

Dịch bệnh đang được kiểm soát, cho phép người dân dần nối lại các hoạt động và doanh nghiệp quay trở lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới để kịp cho mùa sản xuất cuối năm. Những tín hiệu mở cửa trở lại nền kinh tế đang được người dân và cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi sau một thời gian dài chịu áp lực chống dịch. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh như thế nào để hoạt động sản xuất, kinh doanh được an toàn, hiệu quả vẫn là bài toán khó.

…và sự sát cánh, đồng hành của Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc ) 

Sáng ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đây là Hội nghị lần thứ 5 của Chính phủ kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, thể hiện sự sát cánh đồng hành của chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm Đảng và Nhà nước luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp. Quan trọng nhất là các bên cầu thị, khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhau, phát hiện các vướng mắc để tiếp tục cùng chung tay tháo gỡ.

“Không có gì hơn là sự đoàn kết, thống nhất, chung tay. Lợi ích thì hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, khi có rủi ro thì mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn. Còn không ai có thể làm được tất cả. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa”, Thủ tướng phát biểu.

Những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao từ cộng đồng doanh nghiệp. Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT bày tỏ: “COVID – 19 sẽ kéo dài, cho nên chúng ta phải thống nhất ý kiến là bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn đến đâu chúng ta vẫn tiếp tục sản xuất theo phương châm an toàn, linh hoạt, hiệu quả”.

Duy trì hoạt động sản xuất cần được coi là chủ trương thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, là giải pháp duy trì nền kinh tế và sau đó là phục hồi nền kinh tế khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn. Duy trì sản xuất cũng là để đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động và gia đình, giảm bớt gánh nặng về an sinh xã hội cho các địa phương.

Tuy nhiên, việc duy trì sản xuất phải gắn liền với đảm bảo các điều kiện, yêu cầu về phòng chống đại dịch, an toàn và sức khoẻ của người lao động và gia đình. Nói cách khác, thực hiện các chính sách an sinh xã hội chủ động với vai trò là cầu nối giữa duy trì sản xuất với phòng, chống đại dịch là cách tiếp cận bền vững về cả kinh tế-xã hội và y tế.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động và người dân vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, mục tiêu giờ đây đã thay đổi, từ “Zero COVID-19” chuyển sang “sống chung với COVID-19”, vì thế, chính sách can thiệp cũng cần thay đổi linh hoạt.

Với sự quyết tâm cao của chính phủ, cùng sự hưởng ứng, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta vẫn duy trì tốt nền kinh tế, không để sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu… Đây cũng là tiền đề để chúng ta phát huy, tận dụng mọi nguồn lực để biến thách thức thành cơ hội sau đại dịch. Điều này không chỉ giúp củng cố niềm tin từ người dân, doanh nghiệp mà còn giúp khôi phục và khẳng định vị thế của Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Mỹ Vân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN