Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi

Thứ Tư, 29/05/2019 11:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chính phủ đề xuất tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động...

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, sáng 29/5, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: ĐT

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã kế thừa Bộ luật Lao động hiện hành, đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định nhận diện về hợp đồng lao động, mở rộng diện bao phủ của Bộ luật. Theo đó, bất kỳ thỏa thuận về việc làm nào mà có đủ 3 dấu hiệu về: Công việc phải làm; tiền lương; có sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động thì dù được thể hiện bằng tên gọi hoặc hình thức hợp đồng nào, ở khu vực kinh tế chính thức hay phi chính thức cũng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động. 

Dự thảo Bộ luật được bố cục gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành); trong đó: đã sửa đổi, bổ sung 162 Điều, sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm

Theo Tờ trình, Dự thảo Bộ luật quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: Tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Lý giải về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng giờ làm thêm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển lao động mới mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ.

Để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo Bộ luật quy định 4 vấn đề: Chỉ khi người lao động đồng ý thì doanh nghiệp mới được huy động làm thêm giờ; Bảo đảm tổng số giờ làm việc trong một ngày không quá 12 giờ kể cả làm bình thường và làm thêm giờ; Trả lương cao hơn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết. Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định hai bên thỏa thuận trả lương lũy tiến cao hơn mức trên để bảo đảm ổn định và phát triển của doanh nghiệp cũng như bảo vệ quyền lợi tiền lương của người lao động và thúc đẩy thương lượng về tiền lương phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp.

Cùng với đó, Nghị định quy định chi tiết của Chính phủ sẽ quy định 3 nguyên tắc tổ chức làm thêm quá 200 giờ: Doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh; không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ; quy định rõ các ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như một số ngành nghề gia công (dệt, may, da, giày...) và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ (như chế biến nông, lâm, thủy sản).

Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án tăng tuổi nghỉ hưu nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi

Về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, sửa đổi Bộ luật Lao động lần này nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội: "Từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thất nghiệp; không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hoá dân số; tính chất, loại hình lao động và giữa các ngành nghề, lĩnh vực".

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến:

Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định: Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

“Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với Phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn Phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026  và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Chính phủ đề xuất lựa chọn Phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Dự thảo Bộ luật còn đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung khác như: Vấn đề nghỉ Tết Âm lịch, bổ sung ngày nghỉ lễ hàng năm, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày; điều chỉnh tiêu chí xác định và điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tăng cường tính linh hoạt, tự chủ của doanh nghiệp trong việc thương lượng, thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng; quyền của người lao động trong việc chấm dứt hợp đồng lao động; bảo đảm tốt hơn nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử trong lao động; bảo đảm quyền lợi của lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới; thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng giữa các bên trong quan hệ lao động; đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp lao động trên cơ sở tăng cường việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài; quy định hợp lý về đình công, bảo đảm đình công là phương thức cuối cùng để giải quyết tranh chấp lao động mà người lao động có thể thực hiện một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật khi cần thiết; tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về lao động thông qua việc tăng cường khả năng hoạt động của Thanh tra lao động...

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án tăng tuổi nghỉ hưu nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Ảnh: ĐT

Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày nêu rõ, Dự án Bộ luật sửa đổi 162 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 49 điều ở tất cả các chương, đồng thời sửa đổi 02 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội song Tờ trình của Chính phủ mới tập trung thể hiện quan điểm về 06 nội dung cụ thể, còn nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng khác, một số nội dung được thể hiện theo hai phương án nhưng chưa được phân tích đầy đủ và thể hiện quan điểm của Chính phủ. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Bộ luật các nội dung: Giảm thời giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống còn không quá 44 giờ/tuần; quy định về thời giờ làm việc đối với một số công việc đặc thù như lái xe, bảo vệ...; quy định về tổ chức đại diện của người sử dụng lao động.

Để phù hợp với mục tiêu sửa đổi toàn diện, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Quốc hội, làm rõ ba vấn đề: Phạm vi và cơ sở của những nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; sự đồng bộ giữa việc nhận diện đầy đủ những vấn đề mới, những hạn chế, bất cập với việc đề xuất các giải pháp điều chỉnh pháp luật; các xu hướng ý kiến khác nhau và quan điểm của Chính phủ đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.

Cần được xem xét thấu đáo, thận trọng về tăng giờ làm thêm tối đa

Liên quan đến Điều 108 về mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, về vấn đề này có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị không tăng giờ làm thêm vì không phù hợp với xu hướng tiến bộ “tăng lương, giảm giờ làm” và các quan điểm chỉ đạo của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, có thể dẫn đến các hệ lụy xã hội và bất lợi cho người lao động trong bối cảnh các chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đang chững lại, hệ số bất bình đẳng thu nhập (GINI) có xu hướng tăng.

Loại ý kiến thứ hai, tán thành với đề xuất của Chính phủ mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm.

Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.

Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm; đồng thời, đánh giá tác động của việc bỏ quy định về giới hạn giờ làm thêm tối đa trong tháng, tác động của việc mở rộng thời gian làm thêm 100 giờ đối với khu vực công và nguồn lực ngân sách để chi trả.

Tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động

Về tuổi nghỉ hưu (Điều 170), Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh phân tích, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.

Để có đủ thông tin trình Quốc hội xem xét, thảo luận, đề nghị Chính phủ: Phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 với nam, 60 với nữ trên các yếu tố: Tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác; Đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”; Đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan; Lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; Rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo Danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu thực chất chỉ tác động đến khu vực công, nên cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong các dự án Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức... đang được trình Quốc hội, sẽ không dẫn đến việc phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật.

Cũng trong sáng nay, sau phiên làm việc tại Hội trường, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020./.

Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN