Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiến thắng Trảng Bom trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm

Thứ Ba, 23/04/2024 19:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975-27/4/2024), ngày 23/4, tại Đồng Nai, Viện Lịch sử quân sự, Bộ Tổng Tham mưu chủ trì, phối hợp với Quân khu 7, Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 (Quân khu 4) và tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm".

 Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Chi Mai)

Tới dự và chỉ đạo hội thảo có các đồng chí: Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai.

Tham gia đoàn chủ tịch điều hành hội thảo có các đồng chí: Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Sơn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Trung tướng Trần Anh Vinh, nguyên Cục trưởng Cục tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 341; Đại tá Nguyễn Trần Long, Phó chính ủy Quân đoàn 4, Phó trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Đại tá Lê Thế Soái, Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 341, Quân khu 4.

Hội thảo cũng là dịp để tri ân, tôn vinh công lao của cán bộ, cũng đã làm nên thắng lợi trận tiến công Trảng Bom nói riêng, và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói chung; khơi dậy niềm tự hào tự tôn dân tộc; góp phần vào công tác giáo dục truyền thống cách mạng, xây dựng và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết, ngược dòng thời gian, vào những ngày cuối tháng 4/1975, trên mọi miền đất nước, nhân dân ta sống trong không khí hết sức sôi động và hào hùng. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dồn sức cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26/4 - 30/4/1975) - đòn tiến công chiến lược vào sào huyệt cuối cùng đập tan chính quyền, quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi chặng đường 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Giữa toàn bộ bức tranh quyết chiến oai hùng vang dội ấy, trận tiến công tiêu diệt Yếu khu Trảng Bom (27/4/1975) của Sư đoàn 341 Quân đoàn 4, có sự giúp sức của quân dân địa phương Đồng Nai, giữ vị trí, vai trò quan trọng.

Trong trận đánh này, ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực địch (bao gồm toàn bộ Sư đoàn 18, 2 chi đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn và 1 đại đội pháo binh, 1 tiểu đoàn và 2 đại đội bảo an), giải phóng gần 10.000 dân, làm chủ một đoạn đường dài 14km từ Ngã ba Sông Thao đến tây Trảng Bom. Đây là một trong những trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao trong toàn bộ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng Trảng Bom đã đập tan một “mắt xích cứng” trên Đường số 1 thuộc hệ thống phòng thủ trọng yếu phía đông Sài Gòn của địch, mở đường cho Quân đoàn 4 cùng lực lượng cơ động của Bộ tiến quân phát triển thế chiến dịch, kịp thời tham gia giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn vào ngày 30/4/1975.

Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử to lớn, trận đánh Trảng Bom còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đặc biệt là những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự (như nghệ thuật chọn hướng và sử dụng lực lượng; nghệ thuật phối hợp hiệp đồng binh chủng phát huy sức mạnh binh đoàn chủ lực; nghệ thuật tổ chức chia cắt thọc sâu...).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chiến thắng Trảng Bom. Đó là chủ trương, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4; trình độ tổ chức, chỉ huy đúng đắn, chính xác, kiên quyết, linh hoạt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 341; tinh thần chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ đơn vị; sự ủng hộ, giúp đỡ của lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương Trảng Bom (Đồng Nai)...

Các đại biểu dự Hội thảo. (Ảnh: CM)

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Hồ Thanh Sơn Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Đồng Nai, Đồng Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo cho rằng, 49 năm trôi qua, chiến thắng Trảng Bom ngày 27/4/1975 vẫn luôn là niềm tự hào của quân và dân tỉnh Đồng Nai, huyện Trảng Bom và trong cả nước; là nguồn động viên, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương tiếp tục chiến đấu, quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm được đúc kết từ chiến thắng Trảng Bom ngày 27/4/1975 sẽ tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Những năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những bất ổn, xung đột vũ trang trên thế giới, song với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần tự hào từ chiến thắng Trảng Bom, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Nai luôn đoàn kết, thống nhất, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020-2025) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 đạt 246.448 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt trên 139 triệu đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 58 nghìn tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước đạt 17.617 tỷ đồng, đạt dự toán được giao; các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đa số đạt và vượt kế hoạch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành 35 khu công nghiệp, trong đó, tại 33 Khu Công nghiệp Đồng Nai đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với tổng số 2.117 dự án; trong đó, 1.464 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 30.020 triệu USD, vốn thực hiện 23.187 triệu USD và 653 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 80.328 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh có 105/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 34 khu dân cư kiểu mẫu. Công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được tỉnh Đồng Nai tập trung chỉ đạo quyết liệt; môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; công tác an sinh xã hội được quan tâm chỉ đạo; chất lượng giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ có nhiều chuyển biến rõ nét; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, chất lượng tổ chức đảng và đảng viên tiếp tục được nâng lên.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: tiếp tục khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh - nhân tố đóng vai trò quyết định để làm nên chiến thắng đầu tiên của chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu. Mặt khác phân tích, làm sáng tỏ sự chủ động, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Sư đoàn 341 trong chỉ đạo tiến hành công tác chuẩn bị và thực hành trận Trảng Bom; nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong quá trình thực hành trận đánh của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 341. Cùng với đó làm rõ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ tham gia trận đánh, qua đó góp phần bồi đắp ý chí tiến công, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ cho các bộ, chiến sĩ; góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân; khẳng định vị trí, ý nghĩa, giá trị to lớn của Chiến thắng Trảng Bom với Chiến dịch Hồ Chí Minh; đúc rút những kinh nghiệm quý để vận dụng xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại; vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7 đề nghị, các đại biểu tập trung phân tích làm rõ hơn, sâu sắc hơn 5 nội dung cơ bản như: Sự chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của cấp chiến lược, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 là cơ sở, là nhân tố đóng vai trò quyết định để Sư đoàn 341 hạ quyết tâm chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao… tiếp tục khẳng định, vai trò, ý nghĩa của chiến thắng Trảng Bom trong tổng thể Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tại Hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được gần 70 bài tham luận của các đồng chí đã và đang giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội; của các tướng lĩnh, sỹ quan, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các nhà khoa học, các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng mở màn trên hướng Đông chiến dịch Hồ Chí Minh.

Các tham luận đề cập tương đối toàn diện, hệ thống về Chiến thắng Trảng Bom (27/4/1975), trong đó tập trung vào một số nội dung: Chủ trương, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 - Nhân tố có ý nghĩa quyết định làm nên chiến thắng Trảng Bom; Chiến thắng Trảng Bom - Minh chứng thực tiễn cho tư tưởng “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” và phát huy sức mạnh binh đoàn chủ lực; Chiến thắng Trảng Bom - Những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự; Ý nghĩa và bài học kinh nghiệm vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; Đóng góp của Đảng bộ và quân dân Đồng Nai với chiến thắng Trảng Bom, những thành tựu sau chặng đường gần nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới, phát triển./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN