Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chiến khu Ngọc Trạo, nơi hội tụ bản sắc Mường Xứ Thanh

Thứ Sáu, 01/11/2024 09:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, tại làng Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo (Huyện Thạch Thành, Thanh Hoá), Ban tổ chức lễ hội và nhân dân làng Ngọc Trạo đã long trọng, hân hoan tổ chức ngày Hội của ngôi làng từng là căn cứ của cách mạng, là cái nôi của chiến khu du kích Ngọc Trạo chống thực dân Pháp năm xưa.

Từ vùng đất của những câu chuyện từ thuở khai hoang, lập ấp

Theo các tài liệu sử sách ghi lại, năm 1810 (Thời nhà Nguyễn) Ông Quách Công Chạch đã cùng gia quyến từ Hòa Bình gồng gánh đi theo hướng Đông Nam đến thung lũng cuối cùng giáp vùng người Kinh thì dừng lại khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp, chủ yếu là phá núi, trồng ngô, đó là nguồn lương thực chính nuôi sống dòng họ. Cái tên làng Khậu cũng từ đó mà ra ("Khậu" theo tiếng Mường nghĩa là ngô).

Đơn vị hành chính lúc này chưa rõ ràng. Mối bang giao với bên ngoài cũng chưa được mở rộng, mới mang tính chất “Trại” của một nhóm người di cư. Sau dòng họ Quách Công là dòng họ Tôn, dòng họ Bùi, họ Quách Văn hợp thành một cộng đồng người Mường về sinh sống tại Trại Khậu.

Nhà sinh hoạt cộng đồng của làng Ngọc Trạo được xây dựng khang trang, rộng rãi theo kiến trúc nhà sàn của người Mường 

Đời Minh Mạng thứ 18 (năm 1838) lúc này tại trại Khậu đã có các dòng họ: Quách Công, Quách Văn, Bùi, Tôn mỗi dòng họ có cát cứ một vùng. Quách Văn ở Đồng cày, Quách Công ở Mộ cuội và đồi Khậu. Họ Bùi ở Ba chạc, Bái đình. Họ Tôn ở giữa làng. Cùng với sự ra đời các tên gọi chòm trên, chòm dưới - Chòm Bái đình, chòm Ba chạc, đồng cày. Với bàn tay lao động của các dòng họ, các khu đồng lần lượt được ra đời như khu ruộng gò tròi của dòng họ Quách Công; khu ruộng Bái đình của dòng họ Bùi; Khu Đồng cày, ma tiệp của dòng họ Quách Văn và các xứ đồng được hình thành: Bụm bịm, Mã nàng, Đồng bông, Gốc lai, Đánh khẳng, Đồng chiêm, Thầu đâu, Ao cá ... lần lượt được hình thành đưa vào sản xuất.

Với sự phát triển lớn mạnh của các dòng họ cùng với mức sống ngày càng được nâng lên đặt ra một yêu cầu tất yếu của lịch sử: Đất phải có chủ, Mường phải có lang đạo. Những người có uy tín, già cả trong các dòng họ ở trại Khậu đã bàn bạc thống nhất đệ đơn lên phủ đường xin đổi tên trại thành làng Ngọc Trạo. Chiểu theo nguyện vọng của làng được phủ đường phê chuẩn và đổi tên từ trại Khậu thành làng Ngọc Trạo. Cái tên gọi làng Ngọc Trạo (phát âm theo tiếng dân tộc là làng Ngọc Trào) bắt đầu được chính thức ghi vào bản đồ hành chính của chế độ phong kiến vào năm 1842.

Các hoạt động tưởng nhớ công ơn của các chiến sĩ du kích Ngọc Trạo tại đài tưởng niệm và phòng truyền thống chiến khu Ngọc Trạo. 

Năm 1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa Quyết định thành lập chiến khu du kích, hưởng ứng Bắc Sơn, Nam Kỳ khởi nghĩa thì từ đó đến nay vẫn gọi là Chiến khu du kích Ngọc Trạo.

Đến ngôi làng văn minh, đổi mới nhưng luôn gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc

Làng Ngọc Trạo trước đây là một vùng hoang sơ, bạt ngàn đồi núi, không đường đi lối lại, không ruộng không vườn, con người đã đến đây bằng bàn tay lao động, chắn khe, lập khoảnh tạo thành những khu ruộng chạy dài theo thung lũng. Với bản tính cần cù, chịu khó của người nông dân xứ Mường, thêm đức tính kiên cường, bất khuất, không chịu lùi bước trước khó khăn, hiểm nguy của cha ông là những người chiến sĩ du kích chiến khu Ngọc Trạo năm xưa, người dân làng Ngọc Trạo hôm nay đã không ngừng học tập, lao động, phấn đấu vươn lên để xây dựng quê hương ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Chương trình nghệ thuật tự biên, tự diễn của các tầng lớp nhân dân trong thôn, tái hiện những hoạt động sản xuất nông nghiệp, văn hoá của người dân xứ Mường 

Trong ngày hội làng đã diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao đặc sắc, mô tả lại các hoạt động trong lao động sản xuất của người Mường xưa như: Các trò chơi đánh mảng, đi cà kheo, ném còn, đánh cồng chiêng. Những câu hát, điệu múa của người Mường cùng với tiếng cồng chiêng ngân xa trong ngày hội như đưa chúng ta về lại với những hoạt động tỉa ngô, làm rẫy, ru con trên nương… để thấy được những vất vả của cha ông ta trước kia trong lao động, sản xuất nhưng cũng rất đỗi lãng mạn. Các nghề truyền thống của làng như: Nghề rèn, nghề mộc, nghề trồng bông, ươm tơ dệt vải, nghề đan lát, nghề làm điếu cày... tuy không còn phát triển mạnh như trước nhưng các sản phẩm từ nghề này vẫn luôn có giá trị cao, được nhân dân khắp nơi yêu thích, tin dùng.

Ngày hội làng là dịp để bà con xa quê trở về gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau ôn lại kỉ niệm từ thuở ấu thơ, cái thời cùng nhau băng qua những cánh đồng, ngọn đồi, con suối để đến trường, lên rẫy. Cùng nhau chia sẻ những cơ hội, kết nối con em làng Ngọc Trạo đang sinh sống ở khắp nơi, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thành công. Đây cũng là cơ hội để các thế hệ con cháu được bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, sự tri ân với các thế hệ cha ông trải qua bao gian khổ, hiểm nguy đã khai hoang, bảo vệ và xây dựng quê hương tươi đẹp như ngày hôm nay.

Dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhân dân trong làng luôn thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, quyết tâm xây dựng, phát triển Ngọc Trạo từ một làng miền núi khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt, cùng với các làng trong xã, nỗ lực phấn đấu vươn lên, góp phần làm cho toàn xã Ngọc Trạo đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024.

Ông Bùi Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Trạo cho biết: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã rất vui mừng và tự hào về những thành tích đạt được của nhân dân thôn Ngọc Trạo trong nhiều năm qua, cũng như sự sáng tạo, đoàn kết và công tác tổ chức ngày hội làng của Chi uỷ, nhân dân trong thôn Ngọc Trạo hôm nay. Hội làng là dịp để con cháu nhớ về làng, hiểu rõ về lịch sử của làng, của xã. Từ đó, mỗi người con trên quê hương Ngọc Trạo dù ở bất cứ nơi đâu cũng nguyện gắn bó, đoàn kết, nỗ lực cố gắng hết mình làm giàu cho bản thân, gia đình, xây dựng quê hương làng xóm ngày càng phồn thịnh, văn minh, xứng đáng với làng quê cách mạng anh hùng./.

Thanh Huệ

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN