Chiếc ghế may mắn của người Ê – Đê
(ĐCSVN) - K’pan là chiếc ghế mộc được làm từ gỗ nguyên khối dài khoảng 9-15m, tượng trưng cho sự giàu có, sung túc và thịnh vượng của cả gia đình, buôn làng Ê- Đê. Để làm ra chiếc ghế K’pan, gia đình cần được sự đồng ý, yêu mến của những người trong cộng đồng. Chính vì vậy, lễ K’pan được tất cả cộng đồng người Ê - Đê yêu mến, chú trọng và trở thành sự kiện đáng mong chờ.
ghế K’pan phải dùng gỗ nguyên khối, dài khoảng 15m - đây là nơi cả dàn chiêng có thể ngồi tấu theo chiều dài của gian nhà rông. |
K’pan là một chiếc ghế dài, mất nhiều công phu để làm ra, cần sự chung tay, đồng ý của cả buôn làng. Thông thường, thời gian làm mỗi chiếc ghế mất khoảng mười ngày, thậm chí lâu hơn. Trong thời gian đó, chủ nhà sẽ phải chuẩn bị thịt trâu, bò, lợn, gà để thiết đãi dân làng, ngoài ra, họ phải lo lễ lạc để cầu sức khỏe cho gia đình, buôn làng. Cho nên, gia đình người Ê – Đê được đân làng đồng ý làm ghế K’pan không chỉ cần tiềm lực về kinh tế, mà còn phải có tấm lòng hào hiệp, hay giúp đỡ xung quanh mới được cộng đồng ủng hộ cho tổ chức lễ hội làm K’pan.
Vì người Ê – Đê vẫn theo chế độ mẫu hệ, nên việc làm ghế K’pan phải được gia đình bàn bạc và thống nhất với người phụ nữ đứng đầu trong gia đình. Sau đó, thanh niên trai tráng trong nhà và bản làng (nếu gia đình thiếu người) sẽ chuẩn bị đi vào rừng để chọn gỗ làm ghế, thông thường sẽ có bảy người tham gia chuyến đi này, trong đó có cả thầy cúng để làm phép trừ tà ma cho cây.
Theo quan niệm người Ê – Đê, ghế K’pan phải dùng gỗ nguyên khối, dài khoảng 15m - đây là nơi cả dàn chiêng có thể ngồi tấu theo chiều dài của gian nhà rông, chính vì vậy, phải sử dụng những cây gỗ tốt, lâu năm, thân thẳng, vững chãi. Đây là công đoạn mất rất nhiều công sức bởi chỉ tìm được cây gỗ ưng ý mới làm ra những chiếc ghế có chất lượng hoàn hảo nhất.
K’pan là chiếc ghế mộc được làm từ gỗ nguyên khối tượng trưng cho sự giàu có, sung túc và thịnh vượng của cả gia đình, buôn làng Ê- Đê |
Từ sáng sớm tinh mơ, thanh niên trai tráng trong gia đình đã dậy để chuẩn bị lên rừng chặt cây, khi đi, họ phải tránh gây ra tiếng động và không được gặp các đám ma. Khi đã chọn được cây để đốn làm ghế K’pan, người chủ nhà sẽ vung nhát rìu đầu tiên, tiếp theo đó, những người trong đoàn mới bắt đầu đốn cây. Cây chặt được nếu đổ ngang dòng nước phải bỏ sao cho cây đổ dọc mới được. Sau khi cây được chặt sạch cành lá, chủ nhà và thầy cúng đi lên thân cây 7 lần để đuổi tà ma.
Để hoàn thành chiếc ghế K’pan cần bảy người thợ lành nghề, đục đẽo khối gỗ thành hình một chiếc thuyền dài, phải mấy người khiêng mới xuể. K’pan làm xong được chủ nhà cẩn thận phủ khăn, váy bằng thổ cẩm lên trên và tổ chức lễ rước ghế giống như đón thêm thành viên mới vào trong gia đình. Bà con trong buôn làng đến dự rất đông, hầu như nhà nào cũng được mời đến tham dự, vì đây là một buổi lễ quan trọng đối với gia đình người Ê - Đê làm ghế K’pan.
Đầu tiên, sẽ có một tốp người, chia làm hai hàng, mỗi bên tầm bảy đến tám người khiêng chiếc ghế K’pan được đặt trên các thanh tre xanh. Những người còn lại trong gia đình sẽ đứng dọc hai bên vỗ tay vui mừng đón ghế về nhà. Ghế đến đầu nhà, được thầy cúng đi ra làm phép để trừ tà ma, đuổi những “điềm gở” ra khỏi chiếc ghế cho gia chủ. Tiếp theo đó, thầy cúng và chủ nhà sẽ đưa ghế vào đặt vào gian khách, dọc theo bức vách phía Tây nhà, chuẩn bị làm lễ đặt tên và xác nhận chủ sở hữu cho chiếc ghế K’pan.
Thầy cúng sẽ dắt tay chủ nhà, đi lên, đi xuống ba lần trên chiếc ghế K’pan, để ghế có thể nhận chủ của mình. Sau đó, những người khác mới được ngồi lên K’pan. Cùng lúc đó, tiếng chiêng nổi lên, thầy cúng làm lễ khấn báo thần linh rằng Kpan đã có chủ. Kết thúc, buổi lễ, người dân trong làng nô nức vào nhà chiêm ngưỡng chiếc ghế K’pan và được chủ nhà thiết đãi rượu, thịt linh đình.
Lễ K’pan là một ngày vui của cộng đồng người Ê - Đê, đây là một dịp để họ có thể ăn mừng những người toàn tài, toàn đức được bản làng tin tưởng đồng hành làm ghế. Ngoài ra, gia đình được đồng ý làm ghế K’pan cũng trở thành niềm tự hào mọi thành viên trong dòng họ, gia đình, khi có được chiếc ghế tượng trưng cho lời chúc phúc của toàn bộ người Ê – Đê trong bản làng.