Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao kỷ lục

Thứ Hai, 24/04/2023 15:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo báo cáo do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 24/4, chi tiêu quân sự toàn cầu vào năm 2022 đã tăng 3,7% theo giá trị thực, lên mức 2,24 nghìn tỷ USD với mức tăng cao nhất ghi nhận ở châu Âu trong 30 năm qua.

 Ảnh minh họa: AP Photo/Alex Brandon

Theo số liệu của tổ chức có trụ sở tại Thụy Điển trên, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2022 đã tiếp nối đà tăng 8 năm liên tiếp, lên mức 2,24 nghìn tỷ USD (tương đương 2,2% Tổng sản phẩm nội địa -GDP của thế giới).

Các nước gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Ả rập Xê út là những nước dẫn đầu về chi tiêu quân sự khi lần lượt chiếm 39%, 13%, 3,9%, 3,6% và 3,3% chi tiêu quân sự của thế giới. Tình hình bất ổn ở Ukraine và căng thẳng ở Đông Á trở thành những yếu tố đưa mức chi tiêu quân sự toàn cầu lên mức cao kỷ lục. Đáng chú ý, chi tiêu quân sự của châu Âu vào năm 2022 đã tăng 13%, đạt 480 tỷ USD - đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong 30 năm gần đây. Con số thống kê này không tính tỷ lệ lạm phát mạnh và do vậy chi tiêu trên thực tế có thể còn cao hơn. 

Nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI – ông Nan Tian cho rằng: “Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an… Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh đang xấu đi, trong khi họ không thấy trước được những tín hiệu cải thiện trong tương lai gần”.

Các tác giả của báo cáo lưu ý rằng chi tiêu quân sự của các nước Trung và Tây Âu đã trở lại mức ghi nhận được ở thời Chiến tranh Lạnh. Ở Trung Âu, chi tiêu quân sự đã lên tới 345 tỷ USD vào năm 2022.  Xét về mặt thực tế, mức chi tiêu này đã lần đầu tiên vượt qua mức chi năm 1989 và cao hơn 30% so với năm 2013. Một số quốc gia đã tăng chi tiêu quốc phòng, trong khi một số khác lại tuyên bố ý định thực hiện điều này "trong khoảng thời gian kéo dài khoảng một thập kỷ”.

Theo các chuyên gia của SIPRI, cuộc xung đột ở Ukraine đã tác động “tức thời” đến việc chi tiêu quân sự ở Trung và Đông Âu.  Ông Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình sản xuất vũ khí và Chi tiêu quân sự thuộc SIPRI dự báo trong những năm tới, chi tiêu quân sự ở Trung và Tây Âu sẽ tiếp tục tăng liên quan đến các kế hoạch dài hơi của chính phủ một số nước về tăng chi tiêu quân sự.

Các số liệu thống kê của SIPRI cho thấy, chi tiêu quân sự của Nga ước tính đã tăng 9,2%, lên mức 86,4 tỷ USD, trong khi chi tiêu quân sự của Ukraine đã tăng hơn sáu lần lên 44 tỷ USD vào năm 2022 và đây cũng mức tăng chi tiêu quân sự trong một năm cao nhất của một quốc gia từng được ghi nhận trong dữ liệu SIPRI.

Mỹ vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất thế giới, với mức tăng 0,7% (lên mức 877 tỷ USD vào năm 2022) — chiếm 39% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. Theo ông Nan Tian thì mức gia tăng này chủ yếu là do “các hoạt động viện trợ quân sự tài chính chưa từng có mà Mỹ dành cho Ukraine”. Theo số liệu từ SIPRI, chi phí cho các hoạt động viện trợ quân sự mà mỹ dành cho Ukraine ước tính lên tới 19,9 tỷ USD vào năm 2022.

Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí là nước chi tiêu quân sự nhiều thứ hai thế giới, với phân bổ ước tính 292 tỷ USD vào năm 2022. Con số này cao hơn 4,2% so với năm 2021 và là mức tăng liên tục trong 28 năm liên tiếp.

Trong khi đó, Nhật Bản đã chi 46 tỷ USD cho các hoạt động của quân đội nước này vào năm 2022, tăng 5,9% so với năm trước. SIPRI cho biết đây là mức chi tiêu quân sự cao nhất của Nhật Bản kể từ năm 1960./.

T.Lan (Theo TASS, aljazeera, Reuters)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN