Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 3,16%

Thứ Sáu, 29/09/2023 16:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tại họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2023, sáng 29/9, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý III/2023 tăng 2,89% so với quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ 2022.

Trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,99%; giáo dục tăng 5,95%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 5,9%; đồ uống và thuốc lá tăng 3,05%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,59%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,03%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,86%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,47%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,58%. Có 2 nhóm có chỉ số giá giảm so với cùng kỳ 2022 là bưu chính viễn thông giảm 1,12%; giao thông giảm 2,28%.

 Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương thông tin chung tại họp báo (Ảnh: PV)

Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ 2022. Lý giải về nguyên nhân, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, do loạt các chỉ số đều tăng, trong số đó chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân 9 tháng tăng 71,56% so với cùng kỳ 2022, chủ yếu do giá nhiên liệu bay ở mức cao, tỉ giá, lãi suất đều tăng khiến chi phí của các hãng tăng. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,28% so với cùng kỳ 2022 do một số địa phương tăng học phí năm học 2023 - 2024 theo lộ trình của Nghị định số 81 ngày 27/8/2021. CPI chung tăng còn do chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,73% so với cùng kỳ 2022; giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao; chỉ số giá nhóm lương thực tăng 4,85%; chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,23%, tác động làm CPI chung tăng do nhu cầu sử dụng điện tăng và từ ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%....

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Hương cũng cho biết, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng năm 2023, như chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước 9 tháng giảm 15,26%; giá dầu hỏa giảm 11,26%. Chỉ số giá nhóm gas trong nước giảm 10,21% theo giá thế giới. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,62% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm.

Đáng chú ý, lạm phát cơ bản tháng 9/2023 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2022. Bình quân 9 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022.

 
 Nông sản Việt tham gia Hội chợ tại Hà Nam, Trung Quốc (Ảnh: PV)

Phân tích thêm về chỉ số giá, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2023 có nhiều yếu tố hậu thuẫn khiến mặt bằng giá cả khó tăng cao, nhưng thị trường cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố có khả năng tác động tới lạm phát. Theo bà Oanh, hiện tại, giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới vẫn ở mức cao; giá năng lượng, vật tư chiến lược tiếp tục diễn biến phức tạp là hệ lụy của cuộc chiến tại Ukraine. Sự phục hồi của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu đầu vào sản xuất tăng. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên sẽ nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Tuy nhiên, bà Oanh cũng khẳng định, với tốc độ CPI 9 tháng tăng 3,16% thì lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4,5%./.

Hà Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN