Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chỉ 10% người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng thực phẩm

Thứ Hai, 05/06/2017 16:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, sáng nay 5/6, các đại biểu Quốc hội đã bước vào phần thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm. Theo đó, đa số đại biểu thống nhất quan điểm cho rằng để giải quyết tình trạng an toàn thực phẩm cần quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành liên quan.

Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là một vấn đề đã được lên tiếng từ nhiều năm nay, trong đó năm 2009 Quốc hội khóa XII đã thực hiện giám sát tối cao về an toàn thực phẩm, cũng như ban hành một nghị quyết riêng về đẩy mạnh chính sách pháp luật về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này an toàn thực phẩm vẫn là một vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận. Theo kết quả khảo sát do Văn phòng Quốc hội tiến hành cho thấy, chỉ có 10 % người được hỏi yên tâm với thực phẩm, trong khi có tới 59% chưa yên tâm lắm và hơn 27% khẳng định không yên tâm. Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ giai đoan 2011-2016, với 3 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh thì có trên 20% số cơ sở vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Các hành vi và hiện tượng vi phạm thường thấy là thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng, sử dụng các loại hóa chất bị cấm trong sản xuất chế biến thực phẩm…Cũng theo báo cáo này, cả nước có 1.700 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 30 nghìn người mắc và 164 người chết. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng “ngộ độc thực phẩm” vì thực tế xảy ra còn nhiều hơn con số này rất nhiều.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Ảnh: KS)

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chính của thực tế trên xuất phát từ việc quản lý bị cắt khúc, phân đoạn trong chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, qua đó tạo khoảng trống cho các cơ sở sản xuất thực phẩm không an toàn. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành còn thiếu và yếu; nguồn chi cho công tác an toàn thực phẩm còn phân tán; công tác tuyên truyền còn mang tính chất phong trào.

Về các giải pháp, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đề xuất: "Các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có một “nhạc trưởng” để điều hành và phối hợp về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, chúng ta cần thiết lập đường dây nóng với dãy số như 113,115 đề người dân dễ dàng phản ánh các vị phạm về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần nghiêm túc xem xét quy định về an toàn thực phẩm và coi đây là tiêu chí đánh giá về phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới".

Đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, thực phẩm không an toàn đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Đặc biệt, chỉ cách đây ít ngày, một vụ ngộ độc tập thể đã xảy ra tại Đà lạt, điều này cho thấy an toàn vệ sinh thực phẩm đang xảy ra hết sức phức tạp. “Tôi đồng tình với các ý kiến cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khi xảy ra vấn nạn thực phẩm bẩn. Mặc dù chúng ta đã nêu ra trách nhiệm trong quản lý an toàn thực phẩm thuộc về Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, song cụ thể như thế nào thì không rõ”, đại biểu lưu ý.

Đề giải quyết triệt để tình hình an toàn thực phẩm hiện nay, đại biểu đề nghị cần bổ sung vai trò của nhân dân trong đấu tranh và phát hiện các hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu và bổ sung một số chỉ tiêu định lượng cụ thể về an toàn thực phẩm để mỗi địa phương lấy đó làm tiêu chí đánh giá cuối năm như quy định về tỷ lệ số ca liên quan đến an toàn thực phẩm, tỷ lệ cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…Bên cạnh đó, việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm là rất quan trọng, đặc biệt là những vụ việc cấu thành tội phạm để lại hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Ảnh: KS)

Đánh giá cao và nhất trí với báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cho biết, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề quan trọng, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Thời gian qua, hệ thống chính sách pháp luật được ban hành đầy đủ, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, tiêu dùng có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ sự lo lắng trước thực tế thực phẩm không đủ điều kiện an toàn hay không an toàn đang được lưu thông với thực phẩm sạch. Tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm khá phổ biến, diễn ra hàng ngày trong tất cả các khâu từ sản xuất, nuôi trồng, bảo quản, lưu thông trước khi đến tay người tiêu dùng. Tình hình ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu xảy ra nhiều vụ nghiêm trọng, gia tăng ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người dân. Thực phẩm không an toàn đã thành mối lo, bức xúc của người dân nhưng chưa có giải pháp căn cơ.

“Tôi đề nghị, chúng ta phải khẩn trương tổng kết mô hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, trên cơ sở đó sớm quyết định đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước về an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Thứ hai, xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Duy trì thường xuyên, thực chất công tác thanh tra, kiểm trra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm cũng như cá nhân bao che, dung túng cho thực phẩm bẩn. Thứ ba, tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề bức xúc an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân; kiểm soát sử dụng chất cấm trong sản xuất; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung...Bốn là, ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cũng như bố trí sử dụng 100% nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”, đại biểu kiến nghị./.

Kim Sơn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN