Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 

Cây chè Thái Nguyên tựa như một bản tình ca của đất trời, hòa quyện giữa những giọt sương mai trong trẻo và nắng vàng dịu nhẹ của miền trung du Bắc Bộ. Vùng đất của những đồi chè xanh mướt, trải dài bất tận, lưu dấu sự kết tinh của tự nhiên, văn hóa và những nỗ lực lao động, sáng tạo không ngơi nghỉ của người dân nơi đây.

Được chế biến qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, mỗi búp chè đều mang trong mình hương vị của tình đất, tình người, của bao công sức và niềm tự hào của người làm chè. Thưởng thức chén trà Thái Nguyên, với mỗi người không chỉ cảm nhận được vị đắng, ngọt, mà còn cảm nhận được cả cái tâm huyết và tình yêu của những người ngày đêm gìn giữ và phát triển một thương hiệu đã trở thành niềm tự hào của cả nước.

CÂY CHÈ THÁI NGUYÊN, TỪ KHỞI ĐẦU GIAN KHÓ ĐẾN NIỀM TỰ HÀO QUỐC GIA

Cây chè đã có mặt tại Việt Nam từ lâu đời, nhưng việc trồng chè tại Thái Nguyên chỉ thực sự phát triển mạnh từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Người dân địa phương bắt đầu nhận thấy tiềm năng của đất đai và khí hậu ở đây rất phù hợp để trồng chè. Vào thời kỳ này, các giống chè đầu tiên được trồng chủ yếu là giống chè ta, có nguồn gốc từ các tỉnh miền núi phía Bắc.

Những năm 1920-1930, cây chè Thái Nguyên bắt đầu được chú ý nhiều hơn nhờ chất lượng vượt trội của lá chè, tạo nên những sản phẩm trà thơm ngon. Các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người Pháp bắt đầu thành lập các đồn điền chè và phát triển ngành công nghiệp chè tại đây. Họ mang đến những giống chè mới, kỹ thuật trồng và chế biến hiện đại hơn, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chè.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngành chè Thái Nguyên tiếp tục phát triển trong nền kinh tế tập trung bao cấp, sau đó là thời kỳ đổi mới. Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất chè, mở rộng diện tích trồng chè và phát triển các hợp tác xã chè. Các giống chè mới như chè cành, chè shan tuyết cũng được đưa vào trồng thử nghiệm và nhanh chóng phổ biến.

Hiện nay, Thái Nguyên là một trong những vùng chè nổi tiếng nhất Việt Nam, đặc biệt với sản phẩm chè xanh. Chè Thái Nguyên không chỉ là sản phẩm nông sản mà còn là một biểu tượng văn hóa, được biết đến trong và ngoài nước. Nhiều làng nghề chè ở Tân Cương, Trại Cài, La Bằng... đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng. Ngành chè tại Thái Nguyên cũng không ngừng cải tiến kỹ thuật, bảo tồn các giống chè quý và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Cây chè không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình mà còn gắn liền với đời sống văn hóa của người dân địa phương. Các lễ hội, sự kiện liên quan đến chè được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh giá trị của cây chè và sản phẩm trà.

Anh Lê Ngọc Cường – Giám đốc công ty chè Thái Hoa, thành phố Thái Nguyên cho biết, thương hiệu chè Thái được biết đến rộng rãi, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Người dân ở đây coi chè Thái Nguyên là biểu tượng văn hóa của địa phương, là niềm tự hào của cả vùng đất và con người nơi đây. Sự thành công của chè Thái Nguyên trên thị trường đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân và tăng cường vị thế của Thái Nguyên trên bản đồ nông sản Việt Nam.

Ngành chè Thái Nguyên dù đang đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, cạnh tranh quốc tế và nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của người dân và chính quyền, cây chè Thái Nguyên vẫn giữ được vị thế quan trọng và tiếp tục phát triển bền vững. Lịch sử cây chè Thái Nguyên đang là minh chứng cho sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên, tạo nên một sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa và kinh tế của Việt Nam. 

 Người dân canh tác chè tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.
 Thu hoạch chè nõn tôm tại xã Tân Cương (Thái Nguyên).

XỨ SỞ TRÀ XANH, ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC

Chè Thái Nguyên là sự kết tinh của tự nhiên, văn hóa, và sự khéo léo trong quá trình dài canh tác nông nghiệp của người dân nơi đây. Trong định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, cây chè sẽ là sản phẩm nông nghiệp gắn kết với du lịch “Xanh” mang dấu ấn đặc trưng ở địa phương.

Chè Thái Nguyên nổi tiếng với hương vị đậm đà, hậu ngọt và hương thơm dịu nhẹ, đặc trưng. Đặc điểm này có được nhờ điều kiện tự nhiên lý tưởng của vùng Thái Nguyên, nơi có khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, và nguồn nước sạch dồi dào. Các loại chè nổi tiếng như chè Tân Cương thường được người thưởng trà nhắc đến như những biểu tượng của hương vị trà Việt.

Quy trình sản xuất chè Thái Nguyên, từ thu hái, sao chè cho đến lên men, đều được thực hiện với sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Mỗi bước trong quy trình đều đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm, nhằm giữ được hương vị và chất lượng tốt nhất của lá chè. Người dân nơi đây vẫn giữ gìn các phương pháp truyền thống, kết hợp với những cải tiến hiện đại để tạo ra sản phẩm chè hoàn hảo.

Chè Thái Nguyên là một phần của đời sống văn hóa và lịch sử của người dân Thái Nguyên. Các làng nghề chè ở huyện Tân Cương đã tồn tại qua nhiều thế hệ, truyền lại không chỉ kỹ thuật sản xuất mà còn cả tình yêu và niềm tự hào về nghề làm chè. Những giá trị văn hóa này làm cho chè Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp, còn là một biểu tượng của tinh thần và lối sống của người Việt.

Người dân chế biến chè tại cơ sở Thủy Toán, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.

 Người dân vùng chè Tân Cương mê mải với công việc thường nhật. Từ những động tác hái chè như múa, cách thức sao vò chè khéo léo mang tính nghệ thuật, nhiều người làm chè đã được tôn vinh là nghệ nhân.

Anh Nguyễn Văn Toán chủ cơ sở chế biến chế Thủy Toán, xóm Hồng Thái 2, Tân Cương tự hào cho biết: “Không phải chè vùng nào cũng giống nhau, từ lâu, giới thưởng trà đã truyền tụng về địa danh trà Tân Cương, nơi cung cấp những loại trà nổi tiếng. Cây chè có ở đất này đã từ lâu, và trở thành đặc sản lừng danh khoảng trăm năm”.

Khi chế biến chè, người nông dân đã thực sự trở thành nghệ nhân. Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào chè cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi, điều chỉnh lồng sấy, quá lửa chè sẽ khét còn không đủ nhiệt, chè có vị ngái rất khó uống. Nhiều nghệ nhân cho biết chỉ cần nghe tiếng cánh chè chuyển động và mùi hương của chè trong lò sấy tỏa ra đã có thể biết độ nóng của lò. Dù họ không giấu nghề, tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng khách không dám đến sát lò lửa chứ đừng nói đến chuyện đảo vò chè bằng tay trần trong lò nóng bỏng. Nhiệt độ có thể lên tới 1.800 độ C nhưng người Tân Cương cha truyền con nối bí quyết cảm nhận độ nóng qua bàn tay.

 Chế biến chè tại xóm Hồng Thái 2, huyện Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.

Cây chè xanh trên đất Thái được trồng và phát triển trong môi trường tự nhiên, nơi con người và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa. Người dân trồng chè luôn coi trọng việc bảo vệ môi trường, từ việc sử dụng nguồn nước sạch cho đến việc giữ gìn độ phì nhiêu của đất. Sự gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên này không chỉ tạo nên chất lượng của sản phẩm mà còn góp phần bảo tồn và phát triển bền vững ngành chè.

Chè Thái Nguyên đã xây dựng được thương hiệu mạnh mẽ không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế. Thương hiệu này gắn liền với chất lượng cao, sự uy tín và lòng tin từ người tiêu dùng. Chè Thái Nguyên được coi là một trong những niềm tự hào của nền nông nghiệp Việt Nam, là đại diện tiêu biểu cho tinh hoa trà Việt.

Cây chè ở đất này còn là biểu tượng của sự gắn bó cộng đồng, việc trồng chè và sản xuất chè là hoạt động chung của cả làng, cả vùng. Các lễ hội, sự kiện liên quan đến chè như Lễ hội chè Thái Nguyên, đều là dịp để cộng đồng tụ họp, chia sẻ và tôn vinh nghề chè, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Các làng nghề chè ở Tân Cương, Trại Cài... đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm và tìm hiểu về quy trình sản xuất chè, thưởng thức văn hóa trà Việt. Điều này không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

Chị Nguyễn Thị Hoa, giáo viên trung học phổ thông, tỉnh Thái Nguyên cho biết, cây chè không chỉ là sản phẩm thương mại mà còn là một phần quan trọng của văn hóa địa phương. Hằng năm chúng tôi tổ chức các lễ hội, sự kiện liên quan đến chè để tôn vinh nghề truyền thống và giới thiệu văn hóa trà đến với bạn bè trong và ngoài nước. Nhiều người dân Thái Nguyên yêu thích việc thưởng trà, coi đó là cách để thư giãn, trò chuyện, và kết nối với nhau.

 Nghệ thuật thưởng trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa trà Việt, đặc biệt là với vùng đất Thái Nguyên.

Từ chén trà, người ta cảm nhận được sự gắn kết giữa con người, thiên nhiên và triết lý sống.

Trà Thái Nguyên đã trở thành một đặc trưng trong văn hóa trà Việt. Mỗi chén trà không chỉ chứa đựng hương vị tự nhiên mà còn là sự kết nối giữa các thế hệ, gia đình và bạn bè, từ đó thể hiện tinh thần đoàn kết và tấm lòng hiếu khách.

Thưởng trà được xem như một hành động tìm về sự tĩnh lặng trong tâm hồn, khoảng thời gian để suy ngẫm, lắng đọng, và nuôi dưỡng tinh thần. Đó là triết lý sống chậm, sống hài hòa với thiên nhiên, và giữ gìn những giá trị truyền thống.

Văn hóa trà đã thấm sâu vào đời sống hàng ngày của người dân Thái Nguyên. Từ những buổi sáng bên tách trà nóng cho đến những cuộc trò chuyện thân mật, trà là cầu nối trong mọi sinh hoạt đời thường, thể hiện sự tôn trọng và tấm lòng mến khách. Trà Thái Nguyên không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn là một phần di sản văn hóa phi vật thể của địa phương. Nghề trồng và chế biến trà đã được truyền qua nhiều thế hệ, góp phần bảo tồn nét văn hóa đặc trưng và thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa.

Bản sắc chè Thái Nguyên là sự kết hợp của thiên nhiên ưu đãi, văn hóa truyền thống, và sự chăm chỉ, khéo léo của người dân. Không chỉ là một loại nông sản, nó còn là biểu tượng văn hóa, tinh thần của một vùng đất và của cả nước.

 

Cây chè đất Thái đang đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế địa phương, tạo nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong vùng. Sản phẩm chè không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung. Ngành chè đã tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương, từ trồng trọt, chăm sóc đến chế biến và kinh doanh. Nhờ đó, đời sống của người dân ở các vùng chè được cải thiện, giúp giảm tỷ lệ nghèo đói và nâng cao mức sống của họ.

Tính đến năm 2023, tỉnh Thái Nguyên có khoảng 22,2 nghìn ha chè chuyên canh, sản lượng khoảng 240.000 tấn, trên 65 hợp tác xã chè, hơn 120 công ty sản xuất trà, gần 200 làng nghề chè từ 6 vùng đặc sản của tỉnh. 9 huyện, thành, thị của tỉnh là 9 vùng chè lớn, trong đó có quy hoạch các vùng chè tập trung theo diện tích, tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình sản xuất, tính chất thổ nhưỡng, khí hậu...

Nhiều vùng sản xuất chè lớn ở địa phương đang tạo nên những mũi nhọn kinh tế từ nông nghiệp như vùng chè tại Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Phổ Yên, Sông Công, Đại Từ… Riêng huyện Đại Từ có diện tích canh tác trên 6.600 ha chè (chiếm trên 30% tổng diện tích chè toàn tỉnh) tập trung tại các xã Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên… các giống chè chất lượng cao, năng suất cao cũng đã được người trồng đưa vào thâm canh ở đây như: LDP1, TRI777, Long Vân, Bát Tiên… Diện tích chè giống mới có diện tích khoảng 5.300 ha, chiếm trên 80% tổng diện tích chè toàn huyện Đại Từ. Từ năm 2022, bình quân chè búp tươi thu hoạch ước đạt gần 80.000 tấn; giá trị sản xuất sản phẩm chè gần 2.000 tỷ đồng.

Đại Từ có diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ước đạt 1.636 ha, trong đó 15ha chè trồng tại xã Phú Xuyên và La Bằng đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 1104-2:2017, TCVN 1104-6:2018. Có 24 sản phẩm chè OCOP, trong đó 10 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao, 14 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 4 sao.

4 vùng trồng chè nổi tiếng khác ở Thái Nguyên là Tân Cương, Trại Cài, La Bằng, Khe Cốc, được mệnh danh là “Tứ đại danh trà”. Riêng Tân Cương có khoảng 400 ha chè đặc sản; La Bằng (huyện Đại từ) trên 220 ha; xã Trại Cài (huyện Đồng Hỷ) trên 460 ha chè; vùng chè Khe Cốc (huyện Phú Lương) gần 280 ha. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Một trọng điểm trồng chè khác của Thái Nguyên đó là vùng chè Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô (huyện Phú Lương) có diện tích lớn trên 2.000 ha. Vùng chè Tức Tranh chiếm khoảng 12% diện tích chè toàn tỉnh Thái Nguyên với năng suất cao nhất toàn tỉnh là gần 100 tạ/ha.

Ứng dụng công nghệ cao trong các công đoạn chế biến, đóng gói chè tại Tân Cương, Thái Nguyên. 
Chế biến chè ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên. 
 Sản phẩm chè chất lượng cao ở xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.

Trong những năm tới, để phát triển cây chè theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và gia tăng sức cạnh tranh cho loại cây nông nghiệp chủ lực, tỉnh Thái Nguyên xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích chè đạt 23.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 273.000 tấn; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng chè đạt 350 triệu đồng.

Hướng tới hình thành các vùng trồng nguyên liệu chè tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao, tỉnh đang tập trung triển khai nhiều đề án phát triển sản phẩm chè, nâng cao năng suất và chất lượng chè, áp dụng các quy trình canh tác, trồng chè hiện đại, hỗ trợ máy móc, sử dụng quy trình chế biến hiện đại để bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng. Từ việc cải tiến các quy trình canh tác, chế biến hiện đại, các hướng đi này đang mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.

Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 có tổng kinh phí thực hiện là 833,6 tỷ đồng, Thái Nguyên trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao.

Một số mục tiêu trong Đề án cũng được tỉnh xác định, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 10%/năm; đón 3.250.000 lượt khách, trong đó khách du lịch nội địa đạt 3.150.000 lượt và khách du lịch quốc tế đạt 100.000 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/năm; công nhận 5 điểm du lịch cấp tỉnh, xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn; xây dựng, hình thành các tuyến điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ có sức hấp dẫn cao như phố đêm, sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn…

Trong định hướng phát triển đó, cây chè được nhìn nhận là sản phẩm du lịch trọng tâm, thể hiện rõ nét đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở Thái Nguyên. Hiện nay, chè Thái Nguyên đã có thương hiệu vững chắc, không chỉ trên thị trường nội địa mà còn ở quốc tế. Sự thành công của sản phẩm này đã giúp nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên thế giới, mở rộng thị trường và tạo cơ hội cho các sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế.

Các đồi chè xanh mướt trên vùng đất Thái không chỉ duy trì độ phì nhiêu của đất mà còn góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái trong vùng. Cây chè đã góp phần vào chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp trong việc cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, và đảm bảo an ninh lương thực. Nhờ những đóng góp đa dạng này, cây chè Thái Nguyên không chỉ là một sản phẩm nông sản quan trọng mà còn là một phần không thể thiếu trong sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Thái Nguyên và nền kinh tế đất nước.

 Không gian giới thiệu văn hóa trà Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên.
 
Thế Dương
18/08/2024 20:25
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN