Chế độ thai sản cần được áp dụng cho tất cả phụ nữ
(ĐCSVN) - Theo đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang), sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này cần nghiên cứu, thiết kế chính sách để giúp tất cả phụ nữ Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ, dù họ là công nhân hay nông dân, lao động chính thức hay phi chính thức.
Quan điểm trên được đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nhấn mạnh trong cuộc trao đổi mới đây với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh nội dung dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Phạm Thắng |
Phóng viên (PV): Chế độ thai sản là một thành tố quan trọng của sàn an sinh xã hội. Bà đánh giá như thế nào về chế độ trợ cấp thai sản ở Việt Nam hiện nay?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Trước hết, cần khẳng định an sinh xã hội thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản hoàn thiện, từng bước tiến tới mục tiêu đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…
Hiện nay, chế độ thai sản được quy định trong Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội áp dụng cho những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khá ưu việt cả về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng: được trợ cấp 1 lần và hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ sinh con 6 tháng, có chế độ khám thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình... Tuy nhiên, điều hạn chế là chế độ thai sản chỉ được áp dụng cho những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong khi đó, phần đông phụ nữ là lao động tự do, nông dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì chưa có chế độ nghỉ thai sản; không có tiền lương khi nghỉ sinh con nên điều kiện còn khá khó khăn.
Ngoài ra, hiện nay phụ nữ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con đúng chính sách dân số từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 39/2015/NÐ-CP. Thế nhưng, chế độ còn rất khiêm tốn, chỉ 2 triệu đồng/1 lần sinh và phải có cam kết không vi phạm chính sách và nguồn kinh phí phụ thuộc vào từng địa phương.
PV: Từ thực tế trên, bà có đề xuất gì nhằm tiếp tục hoàn thiện chính sách thai sản?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Việc tiếp tục phải xây dựng, hoàn thiện chính sách về an sinh xã hội nói chung và chính sách thai sản nói riêng là một yêu cầu thiết yếu.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV vừa qua, khi thảo cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nội dung liên quan tới chính sách thai sản cho lao động nữ cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.
Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn rộng hơn là chính sách thai sản dành cho phụ nữ chính là thể hiện sự quan tâm thực chất nhất đến với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước và cũng chính là vì sự phát triển bền vững của đất nước như tinh thần Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đề ra.
Theo tôi, để đảm bảo an sinh xã hội chúng ta cần chú trọng vào những thời điểm quan trọng và có nhiều khó khăn nhất trong cuộc đời con người. Đối với phụ nữ và nhiều gia đình trẻ có thể đó chính là thời gian sinh nở, nuôi con nhỏ. Chính vì vậy, cần thiết kế chính sách hỗ trợ cho phụ nữ và các gia đình vào đúng thời điểm quan trọng này và mức hỗ trợ phải thực sự thỏa đáng.
Hiện nay, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đề xuất xây dựng chế độ hưu trí đa tầng bằng việc đưa chế độ hưu trí xã hội (sử dụng ngân sách nhà nước) vào trong Luật cùng với chế độ hưu trí do bảo hiểm xã hội chi trả. Việc mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản ở Việt Nam hiện nay nên chăng cũng đi theo cách tiếp cận tương tự để giúp tất cả phụ nữ Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ, dù họ là công nhân hay nông dân, lao động chính thức hay phi chính thức.
Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại quan điểm của Nghị quyết 42 -NQ/TW là: “Chú trọng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, thu nhập của Nhân dân, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng” để đảm bảo có sự chung tay của toàn xã hội trong vấn đề này, để đảm bảo tính lâu dài và bền vững của chính sách an sinh xã hội này.
PV: Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có những quy định mang tính đột phá, bám sát Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương. Trong đó, có đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Điều này mang ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo thiết thực của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ trong vấn đề an sinh xã hội. Xin bà cho biết quan điểm về nội dung chính sách này tại dự thảo luật?
Bà Nguyễn Thanh Cầm: Dự thảo Luật lần này đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW, cụ thể hóa quy định về bảo đảm an sinh xã hội của Hiến pháp, phù hợp với Công ước số 102 và xu hướng hiện nay về bảo hiểm xã hội đa tầng như nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời kế thừa và phát triển quy định hiện hành về trợ giúp người cao tuổi.
Tôi cho rằng đây là quy định đáp ứng mong mỏi của đông đảo cử tri cả nước, đặc biệt là của người cao tuổi, thể hiện sự quan tâm, tính ưu việt, nhân văn trong chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước.
Theo thống kê của Hội Người cao tuổi Việt Nam, việc giảm độ tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 - 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Và tôi cũng đồng tình với cách thiết kế hiện nay để mở quy định về mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ và kết hợp với việc huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, để người cao tuổi có mức hưởng cao hơn. Thể hiện cách thức thực hiện rất linh hoạt, huy động sự chung tay của toàn xã hội để chăm lo cho người cao tuổi, lấy quyền lợi của người cao tuổi làm trung tâm, trong bối cảnh Việt Nam ngày một già hóa dân số.
Về mức hưởng, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội về việc cần tiếp tục nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội, phương thức đóng linh hoạt hơn để người cao tuổi có mức hưởng như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 dự thảo luật và cao hơn mức trong dự thảo Nghị định về chính sách trợ cấp hưu trí xã hội kèm theo Hồ sơ dự án Luật khi vẫn giữ nguyên mức trợ cấp hiện hành là 360.000 đồng/tháng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!./.