Châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất thế giới
(ĐCSVN) – Đến sáng 10/7, thế giới có tổng số 186.811.123 ca nhiễm và 4.034.693 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 484.066 ca nhiễm và 8.157 ca tử vong mới. Hiện châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm COVID-19 nhất thế giới.
Số người nhiễm COVID-19 tiếp tục gia tăng trên thế giới. (Ảnh: AFP) |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 10/7, đã có 170.870.034 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 11.906.396 ca bệnh đang điều trị, có 11.828.637 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 77.759 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 57.713 ca nhiễm mới, Brazil là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Ấn Độ (42.648 ca) và Indonesia (38.124 ca). Cùng với đó, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 1.433 ca, sau đó là Ấn Độ (1.206 ca) và Indonesia (871 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 57.279.920 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 10/7, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 815.280 ca đã tử vong do COVID-19 và 54.401.304 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 30.794.756; 5.470.764 và 3.344.122 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 407.173; 50.155 và 85.543 ca.
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 109.183 ca nhiễm và 919 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.803.687; 5.733.218 và 5.058.093 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Nga là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 141.501 ca, sau khi ghi nhận thêm 726 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Anh (128.365 ca) và Italy (127.756 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 40.935.368 ca, trong đó có 923.729 ca tử vong và 34.412.843 ca được điều trị khỏi. Với 34.710.184 ca nhiễm và 622.690 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.567.821 và 1.419.964 ca nhiễm, cùng 234.458 và 26.419 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 99.985 ca nhiễm và 2.488 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 33.858.703 ca và 1.032.108 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 57.713 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 19.020.499 vào thời điểm hiện tại. Với 1.433 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Colombia với 576 ca tử vong mới và Argentina với 244 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 10/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 5.919.162 ca, trong đó có 150.885 ca tử vong và 5.141.835 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.157.687 ca nhiễm và 63.873 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 22.441 ca nhiễm mới và 374 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 539.839 và 481.735 ca nhiễm bệnh cùng 9.351 và 16.050 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 80.161 ca nhiễm (tăng 907 ca) và 1.316 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 3 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 46 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.915 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành mạnh mẽ trên thế giới với số lượng ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng, đặc biệt là sự lây lan mạnh của biến thể Delta, các quốc gia đang nỗ lực không ngừng đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Tunisia đang lên kế hoạch phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các cơ quan y tế nhà nước và dân sự tại 24 tỉnh thành để tăng cường chiến dịch tiêm chủng.
Maroc đặt mục tiêu sẽ tiêm phòng miễn phí cho 80% dân số.
Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo chính phủ nước này sẽ xem xét đề xuất thành lập một nhóm chuyên gia để nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine COVID-19 đầu tiên tại Israel. Thông báo cho biết nhóm chuyên gia sẽ sớm đưa ra đề xuất để trình lên chính phủ trong bối cảnh nhu cầu tự sản xuất vaccine đã trở nên cấp thiết, đặc biệt xét nguy cơ dịch bệnh tái diễn trong tương lai. Trước đó, Chính phủ Israel cũng có chủ trương tìm kiếm một đối tác nước ngoài để đưa loại vaccine trong nước do Viện Nghiên cứu Sinh học Israel (IIBR) nghiên cứu vào sản xuất. Hiện mẫu vaccine đang trong giai đoạn II của quá trình thử nghiệm./.