Chất thải nguy hại, mối nguy tiềm tàng đến từ con người
(ĐCSVN) - Chất thải nguy hại là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay. Mặc dù vậy vấn đề xử lý rác thải nguy hại vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn. Vậy rác thải nguy hại là gì? Tại sao nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường như vậy.
1.Chất thải nguy hại là gì?
Chất thải nguy hại là loại chất thải có chứa các loại hợp chất hoặc chất có các đặc tính gây nguy hại trực tiếp chẳng hạn như dễ cháy, dễ nổ, làm ngộ độc, gây ăn mòn, hay một số đặc tính khác. Hoặc chất đó khi tương tác với một chất khác sẽ gây ra nguy hại đến sức khỏe của con người và ảnh hưởng đến môi trường. Thông thường chất thải gây hại là những loại khí nén, chất oxy hóa hay các loại chất thải dạng lỏng. Chất thải nguy hại là một loại chất thải đặc biệt. Và nó không thể được xử lý bằng các phương tiện thông thường. Hay xử lý như các sản phẩm phụ khác trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Tùy thuộc vào trạng thái vật lý của chất thải, các quy trình xử lý và hóa rắn có thể được yêu cầu. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng việc nhập khẩu phế liệu đã đưa chất thải nguy hại chủ yếu là phế liệu kim loại, nhựa, săm lốp cao su thải, vỏ ôtô, tàu biển chưa làm sạch tạp chất, ắc quy chì thải, sản phẩm điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam.
Chất thải nguy hại khu vực nông thôn
Mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nguy hại, như bao bì và thùng chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trong đó không ít loại thuốc có độ độc hại cao đã bị cấm sử dụng. Lượng thuốc bảo vệ thực vật còn bám lại trên vỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất chiếm tới 1,85% tỷ trọng bao bì. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. Những loại chất thải nguy hại của ngành nông nghiệp có tính độc hại rất cao, phát tán nhanh trong môi trường nước, rất dễ bay hơi và khuếch tán trong không khí, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả và triệt để sẽ gây ra những tác động đến môi trường.
Chất thải y tế nguy hại
Tổng lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh khoảng 21.374 tấn (tăng 591 tấn so với năm 2017), trong đó, chất thải lây nhiễm là 19.370 tấn và chất thải không lây nhiễm là 2.004 tấn. Lượng chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý là 21.185 tấn/năm (chiếm 99,1%); trong đó, chất thải lây nhiễm được xử lý là 19.205 tấn/năm (chiếm 99,1%), chất thải không lây nhiễm được xử lý là 1.982 tấn/năm (chiếm 98,9%).
2. Tác hại của chất thải nguy hại
Chất đôc từ rác thải gây ăn mòn
Các chất có tính axit mạnh hoặc kiềm mạnh có thể gây ăn mòn các vật liệu, công trình. Đối với con người, các chất này có thể gây cháy da, đặc biệt đối với bộ phận phổi và mắt.
Độ pH là thang đo chính xác thông dụng để đánh giá tính ăn mòn của chất thải. Tuy nhiên con người còn dựa vào tốc độ ăn mòn của chất đó trên vật liệu thép để đánh giá mức độ nguy hại của nó. Thông thường con người đánh giá dựa trên hai tiêu chí độ pH và tốc độ ăn mòn thép chẳng hạn chất lỏng có độ pH trong khoảng từ 2 - 12.5 và tốc độ ăn mòn thép lớn hơn 0.25 inch trong một năm thì là chất thải có thành phần hoá học sẽ có tính ăn mòn cao.
Chất thải nguy hại dễ cháy
Một số chất thải dạng lỏng có khả năng bắt cháy nhanh chóng bởi nhiệt độ bắt cháy thấp hơn 60 độ C. Đối với chất rắn dễ cháy, sự ma sát, hấp thu độ ẩm hay thay đổi hóa học tự phát trong điều kiện bình thường hoặc khí nén có thể gây cháy. Đặc tính dễ cháy ở các loại rác thải nguy hại này có thể gây ra cháy nổ, ô nhiễm môi trường nước và không khí nghiêm trọng.
Ngoài ra một số chất thải có khả năng phản ứng oxi hóa tỏa nhiệt đối với một số chất nhất định cũng có thể gây cháy nổ nguy hiểm đến con người và môi trường bên ngoài.
Một số chất thải dễ gây nổ
Các chất thải độc hại ở dạng rắn và lỏng ngoài khả năng gây cháy cũng có thể nổ bởi các phản ứng hóa học hoặc bởi va đập, ma sát. Khi các chất thải này nổ mạnh, con người dễ bị các tổn thương về da chẳng hạn như bỏng hay thậm chí là tử vong.
Chất thải có độc tính
Một số chất thải có mang trong mình độc tính gây ảnh hưởng, tổn thương nghiêm trọng dẫn đến tử vong ở người. Ở mức độ nhẹ hơn, các loại độc tính sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe qua đường ăn uống, hô hấp và thông qua tiếp xúc với da. Thông thường các loại chất thải này gây ra theo chiều hướng mãn tính và từ từ.
Chất thải nguy hại chưa được xử lý |
Đặc biệt các chất thải có độc tính khi tiếp xúc với môi trường không khí và nước sẽ giải phóng ra hàng loạt khí độc gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, gây ra ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí.
Dễ lây nhiễm bởi không xử lý rác thải đúng cách
Chất thải khi không được quản lý chặt chẽ và không đảm bảo an toàn khi quản lý chất thải trong các khâu thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý có thể dẫn đến nhiều rủi ro.
Đối với một số loại rác thải nguy hại trong ngành y tế, việc thải rác không đúng quy định góp phần lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Ngoài ra một số rác thải của các ngành khác khi thải vào môi trường cũng gây nên các tác động gián tiếp dẫn đến dịch bệnh.
Ảnh hưởng đến môi trường
Tác động của chất thải nguy hại được tính bằng nhiều năm bởi tác động của nó không gây ra một cách nhanh chóng. Thông qua tích lũy sinh học, chất thải tác động đến hệ sinh vật để lại nhiều hậu quả về lâu dài.
3. Cách xử lý chất rác thải, chất thải đúng cách
Để giảm thiểu ảnh hưởng và tác động của rác thải nguy hại và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, con người cần cấp bách đề ra các phương pháp xử lý chất thải đúng cách, khoa học nhất.
Phương pháp đốt chất thải nguy hại
Phương pháp đốt chất thải về cơ bản là cho rác thải vào lò đốt rác, phần khí thải được làm sạch trước khi thoát ra môi trường, còn phần xi than thì được chôn lấp dưới đất.
Phương pháp chôn lấp
Đối với một số xi tro hình thành sau quá trình đốt chất thải, rác thải hoặc một số loại bùn thải, con người thường áp dụng phương pháp chôn lấp để xử lý các loại rác thải này. Mỗi hố được chôn sẽ tương ứng với một loại chất thải riêng, khi được đổ vào, mặt trên sẽ được phủ một lớp chống thấm. Sau khi chôn lấp, phần chất thải được cách ly với môi trường thông qua một lớp bê tông. Phần rỉ nước tiếp tục được xử lý.
Phương pháp tái chế chất thải nguy hại
Phương pháp tái chế chất thải độc hại dùng để xử lý các loại rác thải điện tử, nhựa giấy hay rác thải thủy tinh,...
Tóm lại xử lý chất thải là một vấn đề gây nhức nhối trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa thực sự được chú trọng một phần bởi ý thức của đa số người dân chưa nhìn nhận đúng đắn về tính nguy hiểm của rác thải nguy hại.
Bảo vệ môi trường là công cuộc lâu dài và mang tính toàn cầu, vì vậy bắt tay vào xử lý chất thải nguy hại cũng là một nhiệm vụ cấp bách mang tính dài lâu mà bất kì người nào cũng nên chung tay góp sức. Bảo vệ môi trường, xử lý rác thải chính là một bước để con người bảo vệ sức khỏe bản thân./.