Chào xuân Giáp Thìn 2024: “Chạm… để đánh thức…”
(ĐCSVN) - Hoạt động trải nghiệm Chào xuân Giáp Thìn 2024: “Chạm… để đánh thức…”, của thầy và trò trường THCS Xuân Đỉnh là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), 10 năm ngày thành lập Quận Bắc Từ Liêm (27/12/2013-27/12/2023) và hưởng ứng phong trào thi đua “ Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, hạnh phúc”.
Các em học sinh khối 8 đang thuyết trình về mâm ngũ quả |
Trường THCS Xuân Đỉnh quân Bắc Từ Liêm, (Hà Nội) vừa tổ chức thành công chương trình Hội Xuân với chủ đề “Chạm… để đánh thức…”, thông qua các hoạt động ngoại khóa “Chào xuân Giáp Thìn - Xuân ấm áp, Tết bình an” đã tái hiện lại không khí đón Tết ngày xuân của khu vực đồng bằng Bắc bộ cả hương và sắc.
Hoạt động trải nghiệm Chào xuân Giáp Thìn 2024 của thầy và trò trường THCS Xuân Đỉnh là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), 10 năm ngày thành lập Quận Bắc Từ Liêm (27/12/2013-27/12/2023) và hưởng ứng phong trào thi đua “ Xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, hạnh phúc”.
Chương trình Hội xuân của trường THCS Xuân Đỉnh cũng là cách giúp các em học sinh chạm vào quá khứ - để đánh thức trong lòng mỗi em học sinh những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc, từ đó khơi dậy tình yêu bản sắc văn hóa dân tộc Việt, biết giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống của con người Việt Nam.
Đây là hoạt động thường niên, hiệu quả, thu hút được đông đảo các em học sinh cũng như phụ huynh học sinh trong trường tham gia hưởng ứng, tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa gia đình và nhà trường; đồng thời tạo ra những kỉ niệm đẹp về thầy cô, mái trường, bạn bè.
Cắm hoa nghệ thuật (Khối 6) |
Các hoạt động trải nghiệm vô cùng phong phú trong hội thi được các chi đội chuẩn bị chu đáo trong niềm háo hức như: Cắm hoa nghệ thuật (Khối 6);Thiết kế trang phục và trình diễn áo dài (Khối 7); Bày mâm ngũ quả (Khối 8); Viết thư pháp(Khối 9); các hoạt động Thể dục thể thao (Khối 9): Sút bóng vào gôn; (Khối 8): Múc nước đổ chai; (Khối 7): Xách nước; (Khối 6): Thi lật chai. Mỗi một phần thi là một cơ hội trải nghiệm “ Chạm …để đánh thức…” bao điều đẹp đẽ trong lòng mỗi em học sinh.
Bày mâm ngũ quả |
Hội thi “Bày mâm ngũ quả” của khối 8 cũng chính là cách giúp các em học sinh chạm vào quá khứ để đánh thức lòng biết ơn, đánh thức truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Bởi mâm ngũ quả là nét văn hóa đặc trưng của người Việt trong mỗi dịp lễ Tết, thay cho tấm lòng của con cháu kính dâng ông bà tổ tiên. Hội thi đã thu hút được 12 chi đội tham gia thực hiện chưng mâm ngũ quả trong vòng 60 phút. Với sự chuẩn bị công phu và kỹ lưỡng của các bậc phụ huynh cùng với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự khéo léo của từng thành viên trong lớp, các chi đội tham gia thi đã hoàn thành tốt yêu cầu đặt ra. Ban Giám khảo lựa chọn 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, ta đều bắt gặp trong mỗi gia đình đều trang hoàng nhà cửa bằng những lắng hoa tươi nhiều màu sắc sỡ với mong ước nhiều may mắn, đủ đầy trong năm mới; bắt gặp các bà, các chị, các em thơ khoe sắc thướt tha trong những bộ áo dài truyền thống; bắt gặp hình ảnh những ông đồ “trên phố đông người qua” đang thảo những nét chữ “Như phượng múa rồng bay” trong sự “Tấm tắc ngợi khen tài” của người xin chữ…Những giá trị văn hóa cổ truyền thiêng liêng ấy được tái hiện đủ đầy theo cách rất riêng trong góc nhìn sáng tạo của các bạn học sinh thế hệ gen Z.
Hội thi “Cắm hoa nghệ thuật” - Những bàn tay tài hoa
Mỗi đội có tối đa 03 phút để thuyết trình ý tưởng, cảm xúc và thể hiện tài năng trong tác phẩm của mình |
Tham gia hội thi có 19 chi đội (Khối 6). Đến với hội thi, các đội đã trải qua 02 phần thi: Cắm hoa và thuyết trình. Phần thi cắm hoa, mỗi đội có 30 phút để hoàn thành tác phẩm dự thi; phần thi thuyết trình theo thứ tự đã bốc thăm, mỗi đội có tối đa 03 phút để thuyết trình ý tưởng, cảm xúc và thể hiện tài năng trong tác phẩm của mình. Với sự khéo léo, tỉ mỉ và tinh tế, các chi đội đã mang đến cho hội thi những tác phẩm đặc sắc, ý nghĩa.
Phần thi cắm hoa, mỗi đội có 30 phút để hoàn thành |
Trải qua phần thi cắm hoa và thuyết trình, sau thời gian làm việc căng thẳng dựa trên các tiêu chí: đội hình, cách thức thể hiện, màu sắc hài hòa, ý tưởng phù hợp, thuyết trình ấn tượng, Ban Giám khảo đã lựa chọn và trao giải cho những tác phẩm đạt giải.
Tự tin và sáng tạo dệt nên bản lĩnh và trí tuệ trong những ngày xuân.
Hội thi thiết kế trang phục và trình diễn áo dài (Khối 7) |
Đây là hội thi ấn tượng và thu hút được đông đảo sự tham gia của các em học sinh. 28 bộ áo dài nam, nữ đều được thiết kế và gia công từ các chất liệu chính là giấy, bạt, ny lông, sản phẩm nhựa dùng một lần như chai nhựa, muỗng nhựa… Những bộ áo dài theo phong cách hiện đại được thiết kế với tà áo ngắn, quần ống đứng. Những bộ áo dài truyền thống, áo dài cưới được trang trí bằng giấy màu, giấy báo xếp hình, sợi kim tuyến, vẽ màu nước…Tất cả các mẫu áo dài từ vật liệu tái chế vừa được “trình làng” ngay trên sân khấu nhà trường bởi những người mẫu không chuyên trình diễn như một sàn catwalk thực thụ. Các bộ trang phục đã mang cả dòng chảy thời gian lịch sử và cả quá trình cách tân tiên tiến đến với Hội thi.
Những bộ áo dài được thiết kế và gia công từ các chất liệu giấy, bạt, ny lông, sản phẩm nhựa dùng một lần |
Tuy được thiết kế từ vật liệu tái chế nhưng các mẫu áo dài vẫn thể hiện được nét đặc trưng, thướt tha, duyên dáng, làm tôn lên giá trị văn hóa của đôi tà áo dài Việt Nam và mang thông điệp bảo vệ môi trường: hãy cùng nhau nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường; hãy tái sử dụng những thứ bỏ đi xung quanh mình.
Các mẫu áo dài từ vật liệu tái chế được “trình làng” ngay trên sân khấu nhà trường bởi những người mẫu không chuyên |
Hội thi viết thư pháp chữ Việt: Nâng niu truyền thống - Viết tương lai.
Hội thi đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ truyền thống luyện chữ và tôn vinh những tài năng viết chữ thư pháp đẹp |
Hội thi với sự góp mặt của 13 chi đội khối 9. Thông qua hội thi, các em học sinh biết nhiều hơn về các nét chữ thư pháp và đặc biệt là cơ hội giao lưu, học hỏi cho các bạn học sinh yêu thích nghệ thuật và có năng khiếu viết thư pháp được thể hiện khả năng của bản thân, góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa phương Đông.
Để các nét chữ được đẹp, mang đậm nét thư pháp là một sự cố gắng rất lớn của mỗi bạn tham gia thi viết |
Hội thi viết thư pháp chữ Việt diễn ra trong vòng 45 phút. Mỗi lớp sẽ cử hai bạn học sinh tham dự thi và thuyết trinh cho phần thi của mình. Bằng sự hiểu biết, tài năng trong cách dụng bút và sự tự tin được thể hiện tại vòng thi thuyết trình, các thí sinh đã lần lượt cho khán giả được hiểu rõ hơn về nghệ thuật thư pháp và từng ý hay trong câu từ thể hiện trong bức họa.
Các thí sinh đã lần lượt cho khán giả được hiểu rõ hơn về nghệ thuật thư pháp |
Để các nét chữ được đẹp, mang đậm nét thư pháp là một sự cố gắng rất lớn của mỗi bạn tham gia thi viết. Bởi thực tế, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, chữ viết tay dần được thay thế bởi văn bản đánh máy thì Hội thi đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ truyền thống luyện chữ và tôn vinh những tài năng viết chữ thư pháp đẹp.. Cuộc thi kết thúc trong niềm hân hoan, phấn khởi của các bạn học sinh và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.
Chạm vào niềm trắc ẩn - Để đánh thức yêu thương
Làng nghề truyền thống Xuân Đỉnh vang danh với sản phẩm bánh Mứt kẹo truyền thống đậm đà hương vị cổ truyền dân tộc. Hương vị đặc trưng ấy của quê hương Xuân Đỉnh được hiện hữu trong Gian hàng của Đoàn thanh niên “Cho đi là còn mãi”. Một gói mứt trao đi là một tấm lòng ở lại. Một gói mứt truyền thống của quê hương Xuân Đỉnh được trao đi là một tấm lòng ở lại trong Gian hàng “Cho đi là còn mãi”.
Gian hàng Làng nghề truyền thống Xuân Đỉnh |
Bởi số tiền bán sản phẩm sẽ được nhà trường sử dụng cho các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa. Các gian hàng bày bán đồ ăn của khối 6 chắt chiu từng số tiền nhỏ để góp thêm chiếc áo ấm cho những bạn nhỏ khó khăn trong mùa đông lạnh giá. Hy vọng, chỉ bằng những hành động thật nhỏ: mua một chút đồ ăn, sở hữu một gói mứt truyền thống của quê hương, các bạn học sinh sẽ được đánh thức yêu thương để nhận ra rằng: cuộc sống như một bát nước đầy chứa những giọt nước của yêu thương; con người ta học cách cho đi, sẻ chia thì bát nước ấy cứ thế đong đầy lên bằng những niềm vui và hạnh phúc; và cũng khô cạn dần nếu con người không chịu mở cửa trái tim để trao gửi chân tình lan toả khắp muôn nơi. Một cá nhân bé nhỏ sẽ không là gì cả so với một cộng đồng to lớn, song ngược lại, những gì lớn lao, vĩ đại lại được tạo nên từ những điều hết sức nhỏ bé mà thôi.
Chạm vào cảm xúc – Để đánh thức đam mê
Hội thi “Sút bóng vào gôn” (khối 9) |
Hội xuân không chỉ có những giây phút lắng lòng hướng về quá khứ mà còn là những phút bùng nổ cảm xúc trong tiếng hò reo cổ vũ của các hội thi “Sút bóng vào gôn” (khối 9); Múc nước đổ chai (khối 8); Xách nước (khối 7); Thi lật chai (khối 6). Trò chơi nào cũng được các lớp tham gia nhiệt tình. Các đội chơi luôn nỗ lực hết mình để dành chiến thắng. Cảm xúc vỡ òa khi bóng đá trúng gôn; cảm xúc hạnh phúc tột cùng khi chiến thắng sức nặng của những xô nước; cảm xúc hân hoan khi chai đã đầy nước…tất cả đã đánh thức lòng đam mê chinh phục, vượt qua giới hạn của bản thân.
Cảm xúc vỡ òa khi bóng đá trúng gôn; cảm xúc hạnh phúc tột cùng khi chiến thắng sức nặng của những xô nước; cảm xúc hân hoan khi chai đã đầy nước…tất cả đã đánh thức lòng đam mê chinh phục, vượt qua giới hạn của bản thân.
Các đội chơi luôn nỗ lực hết mình để dành chiến thắng |
Hội xuân “Chào xuân Giáp Thìn – Xuân ấm áp, Tết bình an” đã khép lại nhưng những gì Hội xuân đã “ Chạm … để đánh thức…” sẽ ngân vang mãi trong nỗi nhớ của các bạn học sinh trường THCS Xuân Đỉnh mỗi dịp Tết đến Xuân về. Hy vọng rằng, qua các hoạt động Chào xuân ý nghĩa này, các bạn học sinh sẽ nhận ra được rằng: Chỉ cần trái tim ta đủ lớn, tình cảm đủ nhiều, yêu thương đủ đông đầy, trong sáng không tính toán thì mãi mãi ta đều có thể nhận được món quà cao quý mà cuộc đời này ban tặng cho mình. Và cũng để các em nhận ra một bài học thật thanh sơ, sâu sắc rằng: quê hương, gia đình, những giá trị truyền thống luôn là nơi thiêng liêng, thân thương nhất trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người... Việc bảo vệ, lưu giữ và phát huy các giá trị truyền thống là trách nhiệm không chỉ riêng ai.