Chảo lửa Trung Đông đang tăng nhiệt
(ĐCSVN) - Ngày 12/5 đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp dải Gaza tiếp tục rung chuyển bởi màn “ăn miếng trả miếng” vũ trang không khoan nhượng giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas. Xung đột Israel - Palestine leo thang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện.
Khung cảnh tan hoang tại Gaza sau các màn không kích trả đũa giữa lực lượng Israel và phong trào Hamas, ngày 12/5/2021. (Ảnh: Xinhua) |
Trong hai ngày qua, căng thẳng quân sự đã leo thang đến đỉnh điểm khi các cuộc tấn công của lực lượng không quân Israel đã san phẳng nhiều khu nhà cao tầng tại dải Gaza, trong khi phong trào Hamas được cho là đã phóng hơn 1.000 quả rocket về phía lãnh thổ Israel, gồm cả một cuộc tấn công quy mô lớn được thực hiện ngay trong đêm nhằm vào thủ đô Tel Aviv. Đây là cuộc đụng độ ác liệt nhất giữa Israel và Hamas kể từ cuộc chiến kéo dài 5 tuần năm 2014 tại vùng lãnh thổ do Hamas kiểm soát, làm dấy lên lo ngại tình hình có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Theo cơ quan y tế Gaza, ít nhất 53 người đã thiệt mạng, trong đó có 14 trẻ em, kể từ khi bạo lực leo thang. Trong khi đó, giới chức y tế Israel cho biết nước này đã có 6 người thiệt mạng. Tình hình được dự báo là sẽ tiếp tục diễn biến xấu trong những ngày tới khi Israel đang đẩy mạnh việc triển khai bộ binh tại Gaza, trong khi Hamas khẳng định sẽ trả đũa việc một thành viên cấp cao của lực lượng này bị sát hại trong cuộc không kích của Israel.
Tuy nhiên, phản ứng của cộng đồng quốc tế mới dừng lại ở sự quan ngại…
Trước tình hình diễn biến căng thẳng tại Gaza, ngày 12/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi nhóm Bộ tứ Trung Đông họp khẩn nhằm tìm kiếm giải pháp. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sau khi hai bên có cuộc thảo luận tại Moscow, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: "Hôm nay chúng tôi đã đi đến kết luận chung rằng nhiệm vụ cấp bách nhất là triệu tập cuộc họp của nhóm Bộ Tứ (Trung Đông) gồm các hòa giải viên quốc tế là Nga, Mỹ, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU)". Ông nhấn mạnh tốt nhất là tổ chức một cuộc họp như vậy ở cấp bộ trưởng, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự sắp xếp và điều phối của Tổng Thư ký Guterres trong tương lai gần.
Tỏ ý đồng thuận trước đề xuất trên, Tổng Thư ký Guterres cho biết Liên hợp quốc “hoàn toàn sẵn sàng" nối lại công việc của nhóm BộTứ và thúc đẩy đối thoại giữa Israel và Palestine. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, việc nối lại tiến trình hòa bình là vô cùng cấp bách vì đây là cách duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh gây thêm thương vong cho dân thường. Ông Blinken cũng cho biết đặc phái viên về Trung Đông của chính phủ Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Hady Amr, sẽ tới gặp lãnh đạo Israel và Palestine để tìm cách ngăn chặn vòng xoáy bạo lực hiện nay.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lại tỏ ý lo ngại rằng: “Vòng xoáy bạo lực không chỉ ở Gaza, Jerusalem mà lan tới cả Bờ Tây và một số thành phố tại Israel, có nguy cơ dẫn đến bước leo thang lớn". Từ lập luận trên, nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi cộng đồng quốc tế phải làm mọi điều có thể để tránh xung đột trở thành cuộc chiến đẫm máu thứ tư giữa hai bên trong 15 năm qua.
…chưa phản ánh hành động trên thực tế
Khói lửa xung đột đang bao trùm dải Gaza trong khi cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể đưa ra hành động chung cho vấn đề này. (Ảnh: Xinhua) |
Cho dù nhiều nước trên thế giới đã tỏ rõ sự quan ngại và mong muốn chấm dứt tình huống leo thang quân sự gần đây tại dải Gaza, song hành động trên thực tế lại không đồng nhất. Trong phiên họp khẩn được tổ chức theo hình thức kín ngày 12/5 theo đề xuất của Trung Quốc, Nauy và Tunisia, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không thể đưa ra một phản ứng thống nhất trước cuộc xung đột bạo lực giữa người Israel và Palestine do vấp phải sự không đồng thuận từ Mỹ.
Được biết, trong cuộc họp ngày 12/5 của cơ quan quyền lực Liên hợp quốc, Trung Quốc và một số nước đã đề xuất bản tuyên bố dự thảo kêu gọi các lực lượng Israel và phong trào hồi giáo Hamas chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, Mỹ lại phản đối dự thảo và ủng hộ quyền tự vệ của Israel.
Theo một nhà ngoại giao giấu tên, phía Mỹ coi cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 12/5 về tình hình xung đột ngày càng nghiêm trọng giữa Israel - Palestine là động thái "đủ để thể hiện sự quan ngại" và không đồng ý ra tuyên bố chung về vấn đề này.
"Mỹ không cho rằng việc ra tuyên bố chung sẽ giúp giảm căng thẳng leo thang", một quan chức ngoại giao khác nói thêm.
Trong bối cảnh chiến sự tại Gaza đang nóng lên từng ngày và nguy cơ chiến tranh toàn diện Israel - Palestine đang hiện hữu thì việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể thông qua tuyên bố chung đã cho thấy sự chia rẽ giữa các nước lớn trong vấn đề này. Nếu chiến tranh thực sự bùng phát, chính người dân Israel và Palestine sẽ phải lãnh hậu quả, đẩy khu vực Trung Đông vào một tình huống bất ổn mới. Vì thế, điều quan trọng trước mắt là Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng các bên liên quan cần gạt bỏ bất đồng, tìm kiếm tiếng nói chung để hành động khẩn cấp ngăn chặn nguy cơ này./.