Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ

Thứ Sáu, 03/11/2023 17:14 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN - Thảo luận tại hội trường về phát triển kinh tế - xã hội, ngày 1/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị với Chính phủ, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến vấn đề đánh giá và sử dụng, sắp xếp cán bộ làm tiền đề cho mọi sự phát triển, mọi công việc trong thời gian tới.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). Ảnh: TL

Đề cập đến vấn đề năng lực và đạo đức công vụ của một bộ phận công chức, viên chức, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Báo cáo của Chính phủ có nêu một trong những hạn chế, khó khăn trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và làm giảm niềm tin của doanh nghiệp, người dân.

“Có thể nói, đây là một thực trạng đáng buồn, đáng xấu hổ và đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua. Tôi tán thành cao với những quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nội dung chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đồng thời, phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”- Đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn Hải Dương cho hay, chúng ta đang nỗ lực thực hiện hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính và thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị. Sắp xếp tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập với mục tiêu đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Nhưng hiện nay, vấn đề năng lực, tinh thần, thái độ công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, cho dù chỉ là một bộ phận nhỏ chưa thực hiện hết chức trách mà còn né tránh, ỷ lại, đùn đẩy, ngại khó, ngại khổ, chắc chắn sẽ là những trở ngại nhất định trong quá trình phát triển. Làm thế nào để bộ máy còn lại sau sắp xếp vừa đáp ứng được cả tiêu chí tinh và gọn là vấn đề vô cùng quan trọng, tránh trường hợp sau sắp xếp chỉ có một bộ máy gọn mà chưa tinh.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị với Chính phủ, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến vấn đề đánh giá và sử dụng, sắp xếp cán bộ làm tiền đề cho mọi sự phát triển, mọi công việc trong thời gian tới.

Tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh yếu tố con người là quan trọng nhất, đây là nguyên nhân căn cơ để đưa ra các giải pháp khắc phục hạn chế và nâng cao chất lượng thực thi nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu làm rõ hơn nguyên nhân chủ quan tác động đến hạn chế này.

Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, theo đại biểu, Chính phủ đã rất cố gắng để nghiên cứu và ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nghị định không thể thay thế điều chỉnh các quy định của luật. Trong khi các vấn đề quy định về quyền hạn, trách nhiệm miễn trừ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức đã được quy định trong các văn bản luật khác như Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Dân sự, Luật Hình sự... Chính vì vậy, theo đại biểu Nghị định 73/2023/NĐ-CP sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở đó, nữ đại biểu đoàn Kiên Giang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu sớm sửa đổi pháp luật để tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Đây cũng là cơ sở để nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, theo đại biểu, điều cần làm trước tiên là phải sửa đổi Luật Công chức và Luật Viên chức./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN