Cha mẹ phải là “lá chắn” đầu tiên
(ĐCSVN) - Trách nhiệm của gia đình, của cha mẹ đối với phòng ngừa tổn hại cho trẻ em là rất quan trọng, trong đó có phòng ngừa xâm hại, phòng ngừa thương tích, đuối nước... Cha mẹ không làm thì không ai có thể làm tốt hơn, không ai có thể bảo vệ con em mình tốt hơn trong việc tạo lập môi trường sống an toàn cho các em.
Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho con em mình bằng chính cha mẹ (Ảnh minh họa: KT) |
Nhiều vụ bạo hành trẻ em do người thân
Chỉ tính trong 2 năm gần đây, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 2 luật, ban hành 12 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, 2 chỉ thị, 15 quyết định, 1 công điện liên quan đến quyền trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt các chương trình, đề án về trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 về công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Nhờ đó, công tác trẻ em đã có những kết quả tích cực.
Thế nhưng, tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn là một trong những vấn đề gây bức xúc xã hội thời gian qua. Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ: Theo số liệu báo cáo của Bộ Công an, quý I năm 2023 phát hiện 577 vụ, 752 đối tượng, xâm hại 608 trẻ em, trong đó số vụ xâm hại tình dục trẻ em là 427 vụ. Xâm hại và xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng trong các cơ sở trông giữ trẻ ngoài công lập, chưa được cấp phép hoạt động.
Cũng theo báo cáo, năm 2022, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận 368.346 cuộc gọi đến, Tổng đài đã tư vấn 27.773 cuộc; hỗ trợ, can thiệp cho 1.561 ca; hỗ trợ, can thiệp cho 888 ca bị bạo lực. Đây cũng là năm số ca cao nhất mà Tổng đài hỗ trợ, can thiệp trong 18 năm qua.
Điều đáng nói, nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bạo hành do người quen biết hoặc người thân trong gia đình gây ra, một số vụ gây phẫn nộ, bức xúc dư luận xã hội.
Bộ LĐTBXH đã chỉ rõ, đối tượng xâm hại lợi dụng mối quan hệ lệ thuộc về gia đình (cha mẹ và con, cha dượng, mẹ kế với con riêng của chồng hoặc vợ); mối quan hệ gần giữa người chăm sóc, người nuôi dưỡng với trẻ em, giữa thầy, cô giáo với học sinh; giữa người thân, họ hàng, hàng xóm, người quen biết với trẻ em hoặc lợi dụng mạng xã hội, lấy hình ảnh, thông tin giả mạo để dụ dỗ, lừa gạt hoặc gây sức ép đối với trẻ em; hoặc trẻ tham gia các trang mạng xã hội, các đối tượng chủ động kết bạn để tạo dựng lòng tin, tiếp cận, sau đó thực hiện hành vi xâm hại.
Bên cạnh đó, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, tác động tiêu cực từ phim ảnh tình dục, bạo lực tràn lan trên mạng, sự thiếu gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, những bất ổn về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội… đã trực tiếp và gián tiếp gây ra tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em.
Việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại thực hiện chưa tốt, vẫn còn một bộ phận thờ ơ, vô cảm, hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng, không thông tin, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em…
Trách nhiệm trước hết phải thuộc về gia đình
Tất cả các hành vi xâm hại, bạo lực, bạo hành đều gây hại và cản trở sự phát triển của trẻ. Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Để bảo vệ con trẻ, rất cần các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.
Trong đó, trước hết cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em. Việc xây dựng chính sách, pháp luật để bảo vệ trẻ em được ví như xây một ngôi nhà an toàn bảo vệ trẻ. Việc cần làm trong thời gian tới là rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em thống nhất với Luật Trẻ em, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em theo hướng đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu về công tác trẻ em.
Nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, liên quan đến việc chăm sóc bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp, đặc biệt là thiên tai, dịch bệnh. Phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...
Cũng cần nhấn mạnh, trong nỗ lực phòng chống xâm hại ở trẻ em, cần thiên về công tác phòng. Do đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt. Mỗi địa phương cần đầu tư nguồn lực về ngân sách và nhân lực để bảo vệ trẻ em, bởi thực tế nơi nào đầu tư bài bản, khoa học, nơi đó số trẻ bị tai nạn thương tích giảm rất nhanh.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, các địa phương và nhân dân. Song hơn hết, gia đình mà trước hết là cha mẹ phải là tấm “lá chắn” đầu tiên bảo vệ con em mình. Trẻ em phải được bao phủ an toàn bằng tình yêu thương và trách nhiệm trước hết phải thuộc về gia đình, của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Nhất là khi trẻ em bước vào kỳ nghỉ hè, đòi hỏi các gia đình càng phải tăng cường quan tâm, không để gia tăng tai nạn thương tích, đặc biệt là tình trạng đuối nước, bảo đảm một mùa hè an toàn, lành mạnh cho các em.
“Cha mẹ không làm thì không ai có thể làm tốt hơn, không ai có thể bảo vệ con em mình tốt hơn. Người chăm sóc trực tiếp trẻ em không làm thì không ai bảo vệ trẻ em tốt hơn. Không ai có thể tạo lập môi trường sống an toàn cho con em mình bằng chính cha mẹ. Nhà nước có chính sách, Nhà nước có truyền thông giáo dục, Nhà nước hỗ trợ gia đình nhưng cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được bảo vệ, trẻ em không được sống an toàn”, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh./.